Sáng nay, con gái tôi dậy sớm hơn mọi ngày, tự xếp gọn mùng mền, rửa mặt, đánh răng rồi thay đồ mới. Để ý những cử chỉ hơi “lạ” của con gái, vợ chồng tôi nói nhỏ với nhau, cứ im lặng để xem tại sao bữa nay cô nàng lại có những việc làm ý thức như vậy, vì thườngkhi nào cũng phải đợi ba mẹ gọi thì cô nàng mới dậy và cái việc vệ sinh cá nhân cũng đợi nhắc mới làm.
Vợ tôi đang lo chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, tôi chuẩn bị xe để đi công việc. Chợt cô bé nũng nịu chạy lại nắm vạt áo tôi kêu: “Ba chở con đi mua đi!”. Tôi giật mình không hiểu nội dung gì nên hỏi lại “Đi mua gì? Ủa mà hôm nay là ngày nghỉ sao con lại dậy sớm vậy?” Cô bé trả lời “Ba không nhớ à?”. Tôi hỏi vặn lại “Nhớ gì?”.
Có vẻ hờn dỗi, con bé quay lại “Mẹ ơi! Hôm qua ba hứa với con mà hôm nay ba lại quên rồi, không thực hiện lời hứa kìa mẹ. Ba hứa hôm nay chở con đi mua cái nón bảo hiểm mới để tuần sau đi học rồi đó”.
Tôi nhớ ra và nói với con: “Thôi để lúc khác, giờ ba bận rồi, mà cái nón cũ còn đội được mà”.
“Nhưng hôm qua, lúc xem ti vi, thấy người ta đội nón bảo hiểm bị mấy chú công an giữ lại tịch thu, ba nói, do người ta đội nón kém chất lượng và ba hứa sẽ mua cho con cái nón mới có cái kính che mặt khỏi bụi nữa mà”- Nói đến đây, cô bé òa khóc…
Ăn sáng xong, tôi dẫn xe ra, con bé cầm nón bảo hiểm, leo lên xe ngồi đằng trước lần mò gài quai nón lại mà không được. “Ba! Gài quai nón lại giùm con!”. Tôi trả lời một cách bâng quơ “Đi mua nón mới thì để nón đó ở nhà đi, đội theo làm gì, mất công mang về?”.
Con bé vùng vằng “Nhưng từ đây ra tiệm mua nón không có nón đội sao mà đi?”.
Nghe con gái nói vậy, tôi giật mình vì biết mình đã lỡ lời nên tiếp tục thử thách “Đây ra đó gần lắm, ba chạy cái ù là đến liền không sao đâu!”.
Con bé cương quyết “Không được, gần cũng phải đội nón, cô giáo dạy tụi con là khi ngồi trên xe gắn máy là phải đội nón bảo hiểm để bảo vệ mình và không vi phạm luật giao thông”.
Đó, câu chuyện của 2 cha con tôi là như vậy! Trên đường đi, tôi thấy cũng có rất nhiều người chở con trạc tuổi như con tôi hoặc thậm chí lớn hơn mà không hề cho bé đội nón bảo hiểm. Suy nghĩ lại những lời con gái nói và nhớ lại vài hình ảnh tai nạn giao thông mà tôi từng xem trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc trực tiếp thấy trước mắt mà ngán ngẫm.
Phải chăng những phụ huynh đó coi nhẹ mạng sống con mình hay họ coi thường luật pháp trong khi con gái bé bỏng của tôi vừa lên 6 tuổi mà suy nghĩ, hiểu biết về luật và văn hóa giao thông như vậy? Nhất là hiện nay, khi các phương tiện tham gia giao thông ngày càng nhiều mà hạ tầng giao thông ở một số nơi dường như quá tải, không đáp ứng được điều kiện thực tế thì tai nạn giao thông là điều có thể xảy ra với bất kỳ ai khi tham gia giao thông.
Vậy mà bản thân họ, những phụ huynh không ý thức được về sự an toàn khi tham gia giao thông thì hậu quả khôn lường biết chừng nào. Bên cạnh đó, còn chưa kể đến có những cô cậu thanh niên mới lớn, có cả học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường khi tham gia giao thông thì chở 3, lạng lách, đánh võng, không chỉ xem thường luật pháp, lại còn đem cả mạng sống mình và người khác ra đùa giỡn.
Thiết nghĩ chúng ta - Nhà nước và những người làm công tác tuyên truyền nên tập trung tuyên truyền nhiều hơn nữa về luật giao thông cho người dân hiểu và chấp hành, đồng thời xử lý nghiêm những người có hành vi vi phạm, có như vậy thì mới giảm thiểu được tai nạn giao thông./.
Nguyễn Công Thường