Bài 1: Về Đồng Tháp Mười thăm mùa lũ đẹp
Khi những cơn mưa về dày hơn, trên những cánh đồng, các ao, hồ, kênh, rạch,... nước từ thượng nguồn sông MêKông đổ về - ĐTM vào mùa nước nổi. Mấy năm gần đây, mùa lũ đến chậm và lượng nước khá thấp nên việc khai thác nguồn lợi thủy sản từ thiên nhiên bị ảnh hưởng. Thế nhưng, nét sinh hoạt, thói quen, tập quán mùa lũ vẫn còn in đậm trong lòng người dân.
Khi con nước lên
Người dân quê vùng ĐTM đón lũ như thể đón người bạn phương xa trở về. Và không biết tự bao giờ, cụm từ “sống chung với lũ” trở nên gần gũi với người dân vùng sông nước. Vào mùa nước nổi, những nông dân ở vùng này tất bật chuẩn bị các phương tiện để mưu sinh. Còn trẻ nhỏ, những hôm không đi học sẽ rủ nhau chèo xuồng với người lớn ra đồng giăng lưới, đặt lờ kiếm cá.
Người dân chạy xuồng kéo côn, đặt dớn bắt cá trên cánh đồng ngập nước thị xã Kiến Tường
Nhớ những mùa lũ lớn, nhà cửa, làng xóm, trường học, đường sá đều ngập chìm trong biển nước, sinh hoạt, đời sống của cư dân gặp nhiều khó khăn, thế nhưng họ nhanh chóng thích ứng và "sống chung với lũ". Nhiều năm về trước, cảnh tượng thuyền bè tấp nập ngược xuôi trên các con sông, rạch, ruộng lúa trong mùa nước nổi tạo nên một nét đặc trưng riêng cho vùng ĐTM. Xuồng, ghe là phương tiện hữu hiệu và tiện lợi dùng để vận chuyển hàng hóa, đi thăm viếng bạn bè, người thân và được dùng trong việc cưới hỏi, tang ma,... Do tính đặc thù nên chợ được hình thành trên những khúc sông và mang đậm dấu ấn của “văn hóa sông, rạch”. Chợ được đặt ở những nơi đông dân cư, tại các ngã ba hoặc ngã tư sông, hàng hóa được bày bán trên những chiếc ghe. Đây là mùa bội thu vì tôm, cá từ thượng nguồn đổ về nhiều không kể xiết nên vừa buông tay lưới hay đặt lọp, giăng câu,... chốc ngoảnh lại đã thấy nặng tay. Các loại cá đồng như cá linh, rô, lóc, trê, sặt, chạch,... rồi lươn, rùa, rắn chẳng mấy chốc đã đầy xuồng.
Trong ký ức của Già Mười (Lê Hoàng Dân, 65 tuổi, ngụ xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh), mùa nước nổi đã trở thành một phần không thể thiếu trong sinh hoạt của người dân nơi đây. Ông nhớ như in, tại cánh đồng này tầm 10, 20 năm về trước, mỗi năm lũ về, sáng sớm cả cánh đồng trắng một màu hoa súng dại. Giữa đồng, những chiếc xuồng ba lá lướt đi nặng trĩu, rộn tiếng cười đùa của những người hái bông súng, hẹ nước, bông điên điển,... Dưới mặt nước, cơ man nào là rong đuôi chồn, mã đề thi nhau mọc, làm "ngôi nhà" lý tưởng cho lũ cá rô, linh, trê, lóc.
"Thời đó, kéo vó cá không ai tính ký, mà đong bằng giạ, mỗi giạ tương đương 20kg, mỗi đêm ít nhất cũng phải 5-7 giạ. Còn cá linh chỉ cần bủa 20m lưới hai phân rưỡi, nửa tiếng sau kéo lên không nổi, chỉ lựa vài con ăn, còn lại ủ nước mắm hoặc nấu cho heo ăn" - Già Mười kể lại.
Mong lũ về…
Có lẽ không ở đâu người dân lại mong con nước về như Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và ĐTM nói riêng. Bởi vì, lũ về không chỉ rửa mặn cho đất mà còn mang theo phù sa màu mỡ, cùng với đó là rất nhiều sản vật, tôm, cá dồi dào.
Cứ đến mùa nước nổi, đi dọc các huyện vùng Đồng Tháp Mười sẽ bắt gặp những hình ảnh quen thuộc này
Lũ về cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm gia đình ở các xã của huyện đầu nguồn Tân Hưng và các địa phương khác bám theo con nước mưu sinh như đặt lờ, lọp, dớn, giăng câu, lưới,... trên các dòng kênh và cánh đồng. Buổi sáng, những “ngư dân” đứng ở đầu chiếc xuồng chòng chành, xuôi theo dòng nước, căng ngực mở rộng miệng chài nở tròn để lùa những đàn cá đang say sưa chạy theo con nước lớn. Từng đàn cá linh, rô, lóc no tròn, với số lượng lớn từ vùng Biển Hồ (Campuchia) theo dòng nước bạc về sinh sống trên những cánh đồng.
Thế nhưng hiện nay, dù đã bước vào tháng 8 Âm lịch nhưng con nước lũ năm nay khá thấp. Dọc con kênh Lò Gạch dài trên 10km, rộng khoảng 50m, chảy qua huyện đầu nguồn lũ Tân Hưng (Long An) sang Đồng Tháp, rồi đến biên giới Campuchia, mực nước không cao. Vào mùa lũ trước đây, cánh đồng ngập cao đến lưng quần, bông súng nở đầy, từ đầu ruộng đến cuối ruộng, xuồng, ghe giăng lưới nhộn nhịp. Dọc bờ kênh, xóm nghề lưới cá xã Hưng Điền (huyện Tân Hưng) mùa này những năm trước, ghe, xuồng của người dân lẫn ghe mua cá tôm đi lại như con thoi, bây giờ thưa vắng.
Trên cánh đồng dọc hai bên bờ kênh 79, vợ chồng ông Tống Văn Thi (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa) dùng chiếc vỏ lãi chở dụng cụ bắt ếch. Ông Thi chia sẻ: “Chúng tôi đợi lũ như chờ mẹ đi chợ về. Vợ chồng cũng lớn tuổi nên mỗi năm cứ vào mùa nước nổi là tìm kế mưu sinh, thu nhập cũng ổn. Nhưng mấy năm sau này, mực nước thấp, cá, ếch cũng không còn nhiều nữa nhưng chúng tôi cũng không bỏ được nghề vì nó trở thành thói quen ở vùng sông nước”.
Mùa nước nổi là mùa sôi động đối với người dân vùng Đồng Tháp Mười khi họ tất bật mưu sinh
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy (từ năm 1999-2005) - Lê Thanh Tâm nhớ lại, khoảng 20 năm trở về trước, ĐTM hầu như năm nào cũng có lũ lớn. Do chưa có hệ thống đê bao nên mỗi mùa lũ, không còn phân biệt được sông, rạch và đường sá, xung quanh chỉ là biển nước. Mọi sinh hoạt, đi lại của người dân đều trên xuồng. Những năm đó, đến mùa nước nổi, các cấp chính quyền được chỉ đạo gác mọi hoạt động khác, ưu tiên chống lũ. "Thời đó, cá tôm phong phú, nhưng năm nào cũng có hàng trăm người chết, chủ yếu là trẻ em. Sau lũ, nhà cửa, đường sá, công trình đều bị hư hại, phải khắc phục rất vất vả" - ông Lê Thanh Tâm nói. Từ những năm 2000 trở về sau, Long An và nhiều tỉnh khác ở miền Tây bắt đầu chủ trương đầu tư các cụm, tuyến dân cư ở vùng lũ để đưa người dân vào sinh sống những tháng nước nổi, góp phần ổn định cuộc sống.
Có chút tiếc nuối, có chút bùi ngùi vì những năm gần đây, con nước không về hoặc về muộn nhưng mùa nước nổi vẫn mãi là những hồi ức của người dân vùng ĐTM./.
Không như suy nghĩ của nhiều người, Đồng Tháp Mười là vùng đất ngập nước không chỉ thuộc tỉnh Đồng Tháp mà bao gồm một phần diện tích của Tiền Giang và Long An, rộng trên 700.000ha, trong đó, Long An chiếm hơn phân nửa, bao gồm thị xã Kiến Tường và các huyện: Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng và Tân Hưng. |
(còn tiếp)
Thanh Nga
Bài 2: Ngắm cánh đồng sen