Tiếng Việt | English

10/02/2017 - 11:51

Về Long An mùa lễ hội

Xuân về cũng là lúc “đến hẹn lại lên” của mùa lễ hội trên cả nước. Ở Long An, vào tháng Giêng, một số lễ hội lớn diễn ra từ nhiều năm nay vừa là nét văn hóa tâm linh gắn liền với tín ngưỡng dân gian, thể hiện lòng hướng thượng, nhớ về nguồn cội và vừa là sản phẩm du lịch thu hút khách thập phương tìm về.

Tháng giêng mùa lễ hội

Tháng Chạp, từ ngày 15 đến ngày 17, tại đình Tân Phước Tây ở xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, Đại lễ Kỳ yên diễn ra trang nghiêm, long trọng với các lễ khai môn, cúng Tiền hiền, Hậu hiền, Tiền vãng, Hậu vãng, lễ Đàn cả,... Đây là một trong những lễ hội lớn thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các bậc tiền nhân có công khai sáng, bồi đắp cho địa phương. Đại lễ Kỳ yên cũng đáp ứng nhu cầu tâm linh, qua đó, tính cộng đồng ở địa phương ngày thêm gắn kết. Với ý nghĩa này, Đại lễ Kỳ yên đình Tân Phước Tây được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2014.

Hát chặp địa nàng tại lễ Vía bà Ngũ Hành Long Thượng

Hết tháng Chạp, sau những ngày nghỉ tết, người dân thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành lại nô nức đón một cái “tết” thứ hai - Lễ hội Làm Chay diễn ra vào các ngày 14, 15, 16 tháng Giêng. “Làm Chay tưởng nhớ tiền hiền/ Có công khai khẩn, hậu hiền khai cơ” - đó là ý nghĩa mà Lễ hội Làm Chay hướng đến! Xuất phát từ lòng hướng thượng, quay về với cội nguồn tỏ lòng thành kính, mong cầu “phong điều vũ thuận” nên Lễ hội Làm Chay thu hút hàng ngàn người trong, ngoài tỉnh về dự.

Ngoài được vui chơi, giải trí với nhiều trò chơi dân gian, thưởng thức hát bộ, đờn ca tài tử, người dân địa phương, những người con Châu Thành làm ăn xa xứ như được trở về với cội nguồn khi thắp nén hương tưởng nhớ tiền nhân và dâng các cỗ bánh phụng cúng. Còn với khách thập phương, khi đến với Lễ hội Làm Chay, ngoài ý nghĩa tâm linh cầu "Quốc thái dân an" sẽ hiểu hơn về truyền thống lịch sử, văn hóa của Long An qua các hoạt động viếng bia liệt sĩ, viếng mộ nhà yêu nước Đỗ Tường Tự hay phần đề phan, cúng tế liệt sĩ,... trong lễ hội. Đặc biệt, những chiếc xe hoa, ghe đăng đánh động, chiêu u đường thủy, đường bộ và hình ảnh Tiêu Diện đại sĩ thu hút nhiều người xem bởi đây là biểu tượng trừ yêu diệt quỷ, mang đến cuộc sống ấm no, yên bình cho mọi nhà.

Thắp hương tại mộ nhà yêu nước Đỗ Tường Tự - một hoạt động trong Lễ hội Làm chay

Niềm vui nô nức ở Lễ hội Làm Chay chưa vơi thì người dân tiếp tục đến với lễ Vía bà Ngũ Hành ở xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc. Là vùng đất được khai phá sớm nên Long An có nhiều tín ngưỡng dân gian, trong đó có tục thờ Ngũ Hành Nương nương ở xã Long Thượng. Đây là 5 vị phúc thần quyền năng: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ bảo hộ cộng đồng cư dân nông nghiệp trong buổi đầu khai phá vùng đất Nam bộ. Vì thế, chẳng ai nhắc ai, cứ từ ngày 18 đến 20 tháng Giêng hàng năm, nhiều người dân xa, gần lại đến dự lễ Vía bà Ngũ Hành để dâng hương tưởng nhớ công ơn và cầu mong cuộc sống ấm no, mưa thuận gió hòa.

Đến với lễ vía, nhiều người mang lễ vật phụng cúng. Thông thường, đó là những sản phẩm nông nghiệp do địa phương sản xuất. Với nhiều hoạt động như nghi thức tụng kinh cầu an, nghệ thuật diễn xướng dân gian hát bóng rỗi, hát chặp địa nàng,... cùng nhiều trò chơi dân gian, lễ Vía bà Ngũ Hành là hình thức bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc và là sợi dây gắn kết cộng đồng.

“Níu hồn” người đến

Long An hiện có hơn 400 lễ hội, tế lễ với quy mô lớn, nhỏ khác nhau chủ yếu diễn ra từ cuối tháng Chạp đến tháng 3 âm lịch hàng năm, trong đó có 3 lễ hội lớn được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, gồm: Lễ hội Làm Chay, lễ Vía bà Ngũ Hành Long Thượng, Đại lễ Kỳ yên đình Tân Phước Tây. Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thị Thủy cho biết: “Trong mùa lễ hội năm 2016, có khoảng 40.000 lượt người dự 3 lễ hội lớn này và số lượt khách tìm đến ngày càng tăng”.

Thắp hương tưởng nhớ các vị tiền nhân tại Lễ hội Làm Chay

Sở dĩ, các lễ hội ngày càng thu hút nhiều khách thập phương vì hình ảnh, nét đẹp lễ hội được quảng bá, giới thiệu rộng rãi bằng nhiều hình thức. Đó là những thông tin, thời gian, địa điểm và ý nghĩa lễ hội được ghi đầy đủ trong tờ thông tin du lịch mà Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh phát tận tay người đi trẩy hội qua các năm. Ngoài ra, trên trang web du lịch Long An cũng có những bài viết giới thiệu về 3 lễ hội lớn của tỉnh đến với người đọc. Từ những thông tin này, du khách nắm bắt, truyền miệng và cùng nhau về Long An đi lễ hội tháng Giêng.

Thông qua những hoạt động trong lễ hội, hình ảnh đất và người Long An cũng được giới thiệu với du khách để mọi người biết, tìm đến. Chẳng hạn, Lễ hội Làm Chay năm nay, có 1 xe hoa sẽ trang trí hình tượng kho thanh long ở một số xã của huyện Châu Thành. “Qua đây, du khách hiểu thanh long đang là cây trồng chủ lực, giúp nhiều gia đình ổn định kinh tế. Từ đó, nhiều người sẽ tìm đến với Châu Thành nói riêng, Long An nói chung để tìm hiểu, tham quan mô hình trồng thanh long” - ông Phạm Thế Hùng - Đội trưởng đội xe hoa của Lễ hội Làm Chay chia sẻ.

Tuy nhiên, ngoài quảng bá, giới thiệu lễ hội như một sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, để “níu hồn” du khách và để du khách “mặn mà” quay lại sau một lần đến Long An vào mùa lễ hội thì công tác quản lý cần được chú trọng. “Lễ hội có an toàn, văn minh, kỷ cương và thể hiện được nét văn hóa truyền thống, hướng đến người dân thì sẽ ngày càng thu hút khách” - bà Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh khi nói về giải pháp thu hút khách du lịch thông qua lễ hội.

Để thu hút khách du lịch, lễ hội phải được tổ chức an toàn, văn minh, kỷ cương và thể hiện được nét văn hóa truyền thống, hướng đến người dân.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thị Thủy

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thủy, việc đầu tiên, mỗi người đến lễ hội phải hiểu đúng giá trị và ứng xử phù hợp. Muốn vậy, ban quản lý các đình, miếu - nơi diễn ra lễ hội phải tổ chức lễ hội thật văn hóa, khoa học, trang nghiêm phần lễ, vui tươi phần hội và đúng ý nghĩa hướng về nguồn cội, hướng đến gắn kết cộng đồng dân cư. Ngoài ra, các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân cũng cần chú trọng để lễ hội không được sai lệch, không tạo nên những hiện tượng buôn thần bán thánh. Lễ hội cũng cần có nét mới nhưng vẫn bảo đảm tính truyền thống để thu hút khách tìm đến.

Nghi thức trong lễ Đàn Cả của lễ Vía bà Ngũ Hành Long Thượng

Về phía ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trong công tác quản lý phải đánh giá những điểm tốt, chưa tốt ở lễ hội, khắc phục trong những mùa lễ hội sau nhằm ngày càng làm hài lòng du khách. Ngoài ra, hàng năm, vào dịp trước, trong và sau lễ hội, Đoàn kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đều đến những nơi diễn ra lễ hội kiểm tra về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội tại địa phương; việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; việc sử dụng biểu tượng, hiện vật, linh vật không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam tại lễ hội; các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa và các loại hình kinh doanh dịch vụ văn hóa tại lễ hội và nội dung lễ hội. Điều này sẽ ngăn ngừa tình trạng bói toán, chèo kéo, cờ bạc trá hình,... xảy ra nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường trong mùa lễ hội.

Long An hiện có hơn 400 lễ hội, tế lễ với quy mô lớn, nhỏ khác nhau, chủ yếu diễn ra từ cuối tháng Chạp đến tháng 3 âm lịch hàng năm.

Một mùa lễ hội đầu xuân ở Long An lại đến! Những lễ hội văn hóa, đúng ý nghĩa và thể hiện được nét đẹp tâm linh sẽ mãi “níu hồn” những ai từng đến. Để rồi, những lễ hội này sẽ góp vào bức tranh du lịch Long An những nét mới hấp dẫn, đa dạng và ngày càng thu hút nhiều du khách tìm về./.

Thùy Hương

 

Chia sẻ bài viết