Trong dòng chảy tất bật của những ngày giáp tết, điều nhiều người quan tâm là tiền thưởng tết và tết này có về quê không? Có khá nhiều ý kiến về việc thưởng tết, cũng có trường hợp công nhân đình công vì mức thưởng thấp nhưng đến nay, phần lớn người lao động và người sử dụng lao động đã chia sẻ khó khăn cùng nhau. Năm 2021 là một năm đầy khó khăn, nhiều công ty, doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động trong thời gian dài vì dịch Covid-19, hàng trăm ngàn công nhân không có việc làm, giảm thu nhập,...
Thế nên, không thể đòi hỏi mức thưởng tết như những năm trước. Và đối với nhiều người, tết năm nay sẽ không đủ đầy, sung túc nhưng trong bối cảnh khó khăn chung, mọi người cùng chia sẻ, tạo động lực để cố gắng hơn. Tiếp theo khoản tiền thưởng tết, điều nhiều người quan tâm hiện nay là về quê đón tết thế nào cho an toàn khi tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và trước đó, một vài địa phương “vận động” những người làm việc xa quê hạn chế về để tránh lây lan dịch Covid-19. Đối với người Việt, tết mang ý nghĩa thiêng liêng, là dịp cả gia đình sum vầy, tận hưởng cảm giác ấm áp, đoàn viên của những ngày đầu năm bên cha mẹ, anh chị em. Dù ai đi đâu, về đâu, tết đến cũng nôn nao trở về. Đây cũng là dịp tri ân, tưởng nhớ về tổ tiên, dòng tộc; là những buổi họp mặt, giao lưu để nạp thêm nguồn năng lượng tích cực bước vào năm mới. Về quê ăn tết là nhu cầu chính đáng của mỗi người và là truyền thống tốt đẹp được gìn giữ từ bao đời nay.
Trải qua cuộc biến động lớn vì dịch bệnh, nhiều người chỉ mong cầu cuộc sống bình yên bên gia đình. Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã đẩy nhiều người vào cảnh khó khăn khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, khi những người thân ở gần bên nhau nhưng không thể chăm sóc cho nhau khi cần. Đó là khoảng thời gian mọi hoạt động gần như bị “đóng băng”, “ai ở đâu ở yên đó”; việc phân phối lương thực, thực phẩm phải thực hiện theo chuỗi dưới sự hỗ trợ của lực lượng chức năng. Đó còn là nỗi ám ảnh với tiếng còi xe cấp cứu vang liên tục, là những người chẳng may mắc Covid-19 đi điều trị nhưng mãi mãi không trở về… Sau đợt dịch, gần 24.000 người mất vì Covid-19, đó là nỗi đau không thể nào bù đắp được. Trải qua biến cố đó, mọi người càng trân quý những phút giây được ở bên gia đình, người thân. Đó là nguyện vọng chính đáng và cách mỗi người tìm sự an yên trong cuộc sống sau những lo lắng, biến động vì dịch bệnh. Thế nên, tết đến, ai ai cũng muốn quay trở về bên gia đình. Những cuộc “trở về” đó không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm của người con đối với cha mẹ.
Ai cũng muốn “trở về” nhưng “trở về” như thế nào để an toàn và bảo vệ được những người thân của mình khi biến thể Omicron đang trở thành nỗi lo lắng của nhiều người? Đã qua rồi thời gian phải cách ly tập trung đối với F0, F1, qua rồi cách chống dịch chỉ 1 người mắc Covid-19 phải phong tỏa cả xóm.
Cả nước đang thiết lập trạng thái “bình thường mới” và chúng ta học được cách thích ứng an toàn với dịch bệnh. Ai cũng muốn về quê ăn tết nhưng “trở về” phải tuân theo những trật tự của trạng thái “bình thường mới” với tinh thần chung là thích ứng an toàn, linh hoạt và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Tất nhiên, cuộc “di dân” về quê đón tết sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh nhưng sau thời gian thích ứng, mọi người đã học được cách bảo vệ mình và người thân, nhất là khi hiện nay, hầu hết người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi 3 (mũi tăng cường) để phòng dịch Covid-19. Mặc dù vậy cũng không nên chủ quan, giấu bệnh bởi dịch Covid-19 vẫn còn rất nguy hiểm, mỗi ngày, cả nước ghi nhận trên 150 ca tử vong.
Tết năm nay sẽ không thể nào như những tết trước bởi tình hình dịch bệnh còn phức tạp, nhất là với sự xuất hiện của biến thể Omicron. Sẽ không có những cuộc họp mặt, giao lưu đông người, không có những lễ hội đầu xuân, thay vào đó, mọi người cùng đón tết bình yên, đầm ấm bên gia đình. Và muốn có cuộc sum họp bình yên đó, mọi người hãy hành động vì gia đình, người thân, phải bảo đảm mình an toàn với dịch bệnh và không phải là mối lo của người thân khi trở về quê đón tết./.
Tâm Yên