Tiếng Việt | English

17/01/2017 - 04:55

VEPR: Nguy cơ lạm phát năm 2017 vượt mức 5% là hoàn toàn có thể

Theo đánh giá của VEPR, lạm phát năm 2016 đạt mục tiêu, nhưng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trong năm 2017.

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa công bố báo cáo kinh tế vĩ mô của Việt Nam quý 4/2016 và dự báo năm 2017. Trong đó, VEPR cho rằng, dù đạt được mục tiêu lạm phát năm 2016 dưới 5% do Quốc hội đặt ra, cơ quan điều hành vẫn cần phải theo sát diễn biến giá cả trong thời gian tới.


Ảnh minh họa. Nguồn: Dantri.com.vn

Đặc biệt, “nguy cơ lạm phát vượt mức 5% là hoàn toàn có thể, khi mà các đợt điều chỉnh giá các dịch vụ công là không thể tránh khỏi trong năm 2017. Nhu cầu hàng hóa theo chu kỳ sẽ tăng trong những tháng giáp Tết Nguyên đán có thể đẩy chỉ số giá tăng, đặc biệt đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Đồng thời, giá năng lượng được dự báo sẽ tăng trở lại sau khi các nước xuất khẩu dầu lớn, cả trong và ngoài khối OPEC, đều đã đạt được những đồng thuận về cắt giảm sản lượng”.- báo cáo của VEPR nêu.

Phân tích về lạm phát năm 2016, VEPR cho rằng, lạm phát Quý 4 tăng mạnh sau các đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giá xăng dầu. Theo đó, lạm phát toàn phần cuối năm tăng 4,74% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lạm phát lõi vẫn duy trì trong khoảng 1,7-1,9% (yoy) trong suốt Quý 4 và cả năm 2016, khoảng cách giữa lạm phát và lạm phát lõi ngày càng được nới rộng. Điều này cho thấy rõ sự gia tăng mạnh trong chı̉ sô giá các nhóm hàng lương thực-thực phẩm, năng lượng và do nhà nước quản lý.

Tuy nhiên, điều này cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang theo sát mục tiêu ổn định lạm phát và thận trọng với mục tiêu này. Đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại 15 tỉnh

thành trong tháng Mười khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,83% (mom). Trước lo ngại giá cả có thể tăng trong những tháng cuối năm, liên bộ Y tế - Tài chính đã quyết định hoãn hai đợt tăng giá dịch vụ y tế tại những địa phương còn lại trong hai tháng cuối năm.

Tính tới cuối năm 2016, chỉ số giá nhóm hàng dịch vụ y tế đã tăng 77,57% so với cuối năm 2015, đóng góp tới 2,7 điểm phần trăm trong mức tăng CPI. Trong khi đó, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm đã tăng nhẹ theo xu hướng tăng giá thế giới và nhu cầu tăng lên trong những tháng cuối năm. Chỉ số giá nhóm hàng lương thực và thực phẩm của Việt Nam trong tháng 12 lần lượt tăng 2,57% và 3,34% (yoy), so với mức mức tăng -1,65% và 1,47% tương ứng của hai nhóm hàng này cùng kỳ năm 2015./.

Xuân Thân/VOV.VN

Chia sẻ bài viết