Ngay sau lần điều chỉnh tỷ giá và biên độ tỷ giá hôm qua (19/8) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phản ứng của dư luận đa chiều về động thái này. Trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng NHNN đã phá vỡ cam kết về tỷ giá đã được chính NHNN đưa ra cho năm 2015. Vấn đề đặt ra là việc phá vỡ cam kết này có đáng?
Từ đầu năm đến nay, tiền VND đã mất giá gần 5%
Trước hết, tính từ đầu năm 2015 tới nay, ngoài 3 lần phá giá VND tổng cộng 3%, NHNN còn có 2 lần nới biên độ tỷ giá, từ +/-1% áp dụng suốt hơn 4 năm qua, lên +-2% và rồi đến +/-3%. Đây là chỉ số được cho là NHNN đã phá vỡ cam kết của chính mình về tỷ giá cho năm nay. Bởi đầu năm, NHNN đã đề ra phương hướng điều hành chính sách tỷ giá là biến động không quá 2%. Hơn nữa, thông điệp này được lãnh đạo NHNN lặp lại khá nhiều lần trong các phát ngôn sau đó liên quan đến điều hành tỷ giá.
Đặc biệt, trước khi có đợt điều chỉnh tỷ giá mạnh hôm 12/8 vừa qua, từ hồi tháng 7, lãnh đạo NHNN vẫn tái khẳng định kiên định mục tiêu này. Nhất là một thông điệp thể hiện NHNN đủ nguồn lực để can thiệp thị trường khi cần thiết bằng con số dự trữ ngoại hối được công bố có khoảng 37 tỷ USD và 10 tấn vàng.
Rồi từ nhiều áp lực biến động của thị trường tiền tệ thế giới, đặc biệt là động thái điều chỉnh tỷ giá Nhân dân tệ với USD vừa qua trở thành một áp lực thúc đẩy NHNN phải phá vỡ cam kết “tỷ giá là biến động không quá 2%” bằng quyết định phá giá VND thêm. Dẫn đến, tính chung từ đầu năm đến nay tiền đồng đã mất giá gần 5%, từ mức trần 21.458 đồng hồi đầu năm lên 22.547 đồng/USD hiện nay. Mức tỷ giá này đã vượt ngoài dự báo của rất nhiều chuyên gia.
Còn nhớ hồi đầu năm, trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV.VN, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Cấn Văn Lực cho hay, “theo chính sách điều hành tỷ giá NHNN công bố giữ ở ngưỡng 2% trong năm nay là tốt. Vì ngưỡng này đảm bảo giúp cho doanh nghiệp kiểm soát tài chính tốt”.
Hơn nữa, ông Lực còn cho rằng, trong bối cảnh tỷ giá trên thị trường có nhiều biến động, là do không thể lường hết được bối cảnh tỷ giá bên ngoài thế giới tăng, do đó có tình trạng ở đâu đó trong nước ta có sự điều chỉnh tỷ giá cũng chỉ là sự linh hoạt trong điều hành. Tức là không nhất thiết phải điều chỉnh 1 lần tới 1% mà có thể ở các ngưỡng dưới mức này.
Tuy nhiên, giả định có tình huống bất lợi từ bên ngoài tác động không thuận lợi thì, theo ông Lực, “dù tăng tỷ giá tới trên 2% chúng ta vẫn phải làm. Khi đó, giải thích với doanh nghiệp, người dân rằng do tác động khách quan bên ngoài”.
Phải chủ động nâng cao vị thế hàng Việt
Và quả đúng như giả định mà ông Lực nêu, sau khi NHNN đã điều chỉnh tỷ giá với biên độ rộng hôm 19/8, NHNN đã giải thích: Chính sách này để chủ động, linh hoạt ứng phó với việc đồng Nhân dân tệ được điều chỉnh giảm giá mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ qua. Không những thế, sau sự kiện phá giá mạnh của đồng Nhân dân tệ, tâm lý thị trường trong nước ta còn nặng nề do lo ngại các hệ lụy của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất. Do vậy, NHNN đã phải phá giá tiền đồng ở mức “vỡ kế hoạch” nhằm tiếp tục chủ động dẫn dắt thị trường, đón đầu các tác động bấut lợi của khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất trong thời gian tới.
Và với mức tỷ giá như hiện nay, NHNN khẳng định “tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam”.
Hẳn là khẳng định tỷ giá “đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam” của NHNN tuyên bố đã “gãi đúng chỗ ngứa” của dư luận.
Bởi xung quanh câu chuyện tỷ giá, có lẽ giới doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và doanh nghiệp xuất nhập khẩu lo lắng hơn cả. Bởi tỷ giá biến động có tác động trực tiếp lên nguyên liệu nhập ngoại và giá cả sản phẩm xuất khẩu khi phải quy đổi ra ngoại tệ, đặc biệt là USD.
Theo phân tích của Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải, việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ có tác động tới các doanh nghiệp nhập khẩu khi chi phí nhập khẩu tăng và khối lượng nhập khẩu do đó có thể giảm xuống. Riêng về xuất khẩu, Việt Nam sẽ có lợi thế tương đối về giá. Nhưng Việt Nam vẫn cạnh tranh với Trung Quốc, từ mặt hàng cho tới thị trường xuất khẩu, nên lợi thế từ việc điều chỉnh tỷ giá sẽ không kéo dài lâu.
Còn TSKH Võ Đại Lược cho rằng, “nếu hạ giá VND thì không lo chuyện xuất nhập khẩu. Vì rằng, hàng nhập khẩu đắt lên mà mua vào để xuất khẩu thì còn phải công đoạn bán ra, khi đó sẽ có sự bù trừ. Còn hàng nhập để tiêu dùng trong nước đắt lên, người dân trong nước có thể bị ảnh hưởng, nhưng khi đó sản xuất trong nước lại có thể cạnh tranh được. Còn cứ để hàng nhập về rẻ như hiện nay thì hàng trong nước không thể cạnh tranh được”.
Như thế có thể thấy, việc NHNN “phá vỡ cam kết tỷ giá” của năm 2015 là việc tất yếu. Vì rằng, nhìn từ bình diện “sức khỏe” của cả một nền kinh tế, NHNN không thể cứng nhắc giữ cam kết trong bối cảnh có đột biến trên thị trường thế giới, nhất là đột biến đó tác động sát sườn đến Việt Nam.
Hơn nữa, đội ngũ doanh nghiệp Việt ở đâu đó không nên có tư tưởng “mắc võng” trông chờ tỷ giá có lợi cho mình. Sức khỏe của nền kinh tế chỉ thực sự được đảm bảo khi chúng ta đầu tư vào chất lượng, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh và vị thế của hàng Việt Nam. Và “các doanh nghiệp Việt cần chủ động có các biện pháp quản trị rủi ro tỷ giá thay vì chỉ trông chờ vào việc bảo hộ tỷ giá của NHNN”, như khuyến cáo của Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam./.
Xuân Thân/VOV.VN