Tuy nhiên, vấn đề đang được quan tâm nhiều hơn là công tác điều hành chính sách tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ phải đối mặt với những áp lực gì và phải ứng phó ra sao?
Khách hàng giao dịch tại Vietcombank chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN
Khẳng định việc Ngân hàng Nhà nước quyết định nới biên độ tỷ giá là một động thái phản ứng nhanh và phù hợp về mặt thời điểm, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách điều chỉnh tỷ giá khá hiệu quả trong thời gian qua và cũng đang linh hoạt hơn. Tuy nhiên, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, có quan hệ thương mại, đầu tư với rất nhiều nước khác nhau, đặc biệt là năm nay, Trung Quốc có động thái rất mạnh về chính sách lãi suất và tỷ giá. “Trung Quốc là một đối tác kinh tế lớn của Việt Nam, cho nên, tôi thấy áp lực về tỷ giá đối với Ngân hàng Nhà nước từ nay đến cuối năm sẽ nặng nề và căng thẳng hơn so với các năm trước”, Tiến sỹ Cấn Văn Lực nói.
Trước diễn biến như hiện nay, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo sát thị trường, đặc biệt những thị trường có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam. Cùng với đó là tiếp tục chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt. “Trong một vài ngày gần đây, các nước trong khu vực cũng đã và đang điều chỉnh tỷ giá chứ không riêng gì Việt Nam. Việc Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá cũng tạo sự cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa không những với Trung Quốc mà cả các nước trong khu vực. Như vậy chúng ta có thể cân bằng hơn thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Về lâu về dài, chúng ta cần phải tái cấu trúc để bớt lệ thuộc thương mại quá nhiều với Trung Quốc” Tiến sỹ Cấn Văn Lực nói.
Trước những áp lực mới xuất hiện, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng chính sách điều hành tỷ giá cần theo dõi sát diễn biến của đồng NDT dài hơi hơn nữa. Dựa trên tác động của quy luật cung cầu của thị trường, nếu Trung Quốc thực sự cho đồng NDT được điều tiết bằng một cơ chế tỷ giá hối đoái dựa trên các nhân tố của thị trường thì nhìn dưới góc độ thương mại, đồng NDT không mất giá nhiều mà sẽ quay đầu tăng giá. “Tôi tin rằng đồng NDT trong ngắn hạn có thể mất giá nhưng về lâu dài khoảng chừng 6 tháng trở lên sẽ quay đầu tăng giá. Với Việt Nam là một nước láng giềng với Trung Quốc, chúng ta không chỉ xử lý vấn đề đơn lẻ với một đồng NDT, chúng ta xử lý trên một rổ tiền tệ đại diện cho các quốc gia có mối quan hệ tương tác về thương mại, đầu tư để chúng ta tính toán một cách đầy đủ hơn. Chúng ta có thể tiếp cận tỷ giá hối đoái nhiều cách dựa trên lạm phát và các nhân tố khác, vì vậy cần tiếp tục theo dõi sát để có những ứng xử phù hợp trong tương lai”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nói.
Chuyên gia tài chính ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu lại lo ngại về khả năng doanh nghiệp và hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị tác động tiêu cực từ việc giảm giá đồng NDT. Bởi hàng Trung Quốc sẽ rẻ hơn và Việt Nam sẽ trở thành nước nhập siêu của hàng Trung Quốc. Hiện nay, giá trị thực của VND đang thấp hơn giá trị đồng USD là do Việt Nam cũng đang theo chính sách giữ đồng tiền mạnh như Trung Quốc để thu hút đầu tư và kích thích tăng trưởng. Chính vì vậy, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chính sách tỷ giá của Việt Nam cũng phải linh hoạt hơn trong thời gian tới.
“Với việc phá giá của đồng NDT, Việt Nam cần phải có chính sách khác để đối phó vì xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Vấn đề đặt ra là liệu Việt Nam có nên xem lại chính sách đồng tiền mạnh hay không và có nên tiếp tục theo đuổi chính sách đó hay không. Bởi nếu Chính phủ Việt Nam vẫn giữ giá trị VNĐ thấp so với USD hiện nay thì hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành sẽ bị ảnh hưởng. Theo tôi, giải pháp cho doanh nghiệp Việt là nên tránh lệ thuộc xuất nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc, đa dạng hóa thị trường khác trên thế giới. Đồng thời, doanh nghiệp Việt cũng nên tăng sức cạnh tranh hàng hóa thông qua việc thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm tốt hơn. Ngoài ra, chính sách tỷ giá Việt Nam cũng cần xem lại theo hướng hỗ trợ tốt hơn cho xuất khẩu”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh./.
Theo TTXVN