Đây là một trong những đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học tại buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, diễn ra sáng nay 18/3, tại Hà Nội.
Bộ Khoa học và công nghệ cho biết, tại Chỉ thị số 13, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo nghiên cứu phương thức phòng, chống, phác đồ điều trị, và vaccine phòng bệnh Covid-19, cũng như sớm đưa Kit thử nhanh vào sử dụng.
Tại cuộc họp, các chuyên gia, nhà khoa học nhấn mạnh, Việt Nam đã chủ động trong việc sản xuất Kit chẩn đoán Covid-19 và khoanh vùng dịch. Tuy nhiên, trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, để đề phòng các kịch bản xấu hơn, cần có sớm các giải pháp hỗ trợ phòng và điều trị.
Việt Nam nghiên cứu robot để hỗ trợ phòng và điều trị Covid-19
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính- nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, trước mắt, Việt Nam có thể nghiên cứu để sản xuất các robot phục vụ, nhằm hạn chế lây nhiễm chéo. Bởi trên thực tế, hiện các bác sỹ, y tá đang trực tiếp điều trị cho bệnh Covid-19 phải chịu nhiều áp lực, lo ngại lây nhiễm cho gia đình và bản thân khi công việc điều trị tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nếu có robot khử khuẩn trong các buồng cách ly, lau rửa các bề mặt tiếp xúc và hỗ trợ trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, thì các y, bác sĩ sẽ được giảm tải, từ đó giúp nâng cao hiệu quả điều trị.
“Nếu bây giờ dịch bùng ra, tại sao Vũ Hán, Italy chết nhiều, tại sao các nước lúng túng, là do quá tải về trang thiết bị và con người. Thế nên bài toán như Trung Quốc đó là ứng dụng AI 4.0 vào, sản xuất robot giúp cho những việc như mang đồ ăn, thức uống, chăm sóc bệnh nhân, đo thân nhiệt bệnh nhân hàng ngày mà nhân viên y tế không phải làm. Về robot thì Việt Nam năm nào cũng được giải Robocon, không phải là không có trí thông minh để làm robot. Trong bối cảnh này nếu chúng ta làm robot dịch vụ thì nên làm, vừa chống được lây nhiễm” - GS.TS Nguyễn Văn Kính đề xuất.
Còn về lâu dài, các nhà khoa học cũng nhấn mạnh, cần triển khai hướng nghiên cứu sản xuất vaccine bởi đây là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Các nhà khoa học cũng cho hay, để phát triển vắc xin phòng bệnh cần nhiều thời gian, với nhiều công đoạn khác nhau.
TS. Nguyễn Đăng Hiền- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế Polyvac cho biết: “Để nghiên cứu vaccine cần một quá trình lâu dài, nghiên cứu sâu rộng nên chúng ta không hy vọng trong vòng mấy tháng có thể có vaccine. Chính vì vậy chúng ta cần có những nghiên cứu ban đầu để sản xuất vaccine SARS CoV-2 này, bởi nếu như sau này chúng ta có những công nghệ phòng cho những đại dịch lần sau như SARS CoV-3”.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đề xuất, cần đánh giá, xây dựng các khu vực được kiểm soát nhằm tránh lây nhiễm, phát triển các buồng khử khuẩn, đầu tư các máy thở và chủ động nguồn oxy phòng trường hợp nhiều người mắc bệnh Covid-19, cũng như mở rộng số mạng lưới các đơn vị được xét nghiệm Covid-19…
Trước các đề xuất của các nhà khoa học, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, với những trường hợp cấp bách Bộ sẽ phối hợp với Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan sớm giải quyết.
“Một số việc cấp bách trước mắt như test nhanh thì chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Y tế và các bộ ngành tiến hành. Còn với tư cách là thành viên Ban chỉ đạo, chúng tôi cũng sẽ báo cáo với PTT Vũ Đức Đam và Chính phủ để có những điều chỉnh nếu hợp lý” - Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Phạm Công Tạc nói.
Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phê duyệt kinh phí, giao trực tiếp cho các đơn vị trong nước thực hiện ba nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất bộ sinh phẩm phát hiện nhanh, sàng lọc SARS CoV-2, phục vụ công tác phòng, chống dịch; nghiên cứu dịch tễ học SARS CoV-2; đánh giá hiệu quả và tính an toàn của thuốc lopinavir và ritonavir phối hợp trong điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19./.
Tạ Lan/VOV.VN