Tiếng Việt | English

07/08/2021 - 10:30

VN-Index đứng trước áp lực chốt lời tại vùng 1.325-1.350 điểm

Tuần giao dịch từ ngày 10-14/8, thị trường chứng khoán có khả năng sẽ bước vào giai đoạn rung lắc, VN-Index đứng trước áp lực chốt gia tăng trong vùng kháng cự 1.325-1.350 điểm.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

Phiên giao dịch ngày 7/7, thị trường chứng khoán trong nước đã hạ nhiệt khi áp lực chốt lời tăng mạnh và khiến VN-Index kết thúc chuỗi chín phiên đi lên liên tiếp, sau khi để tuột mất 4,10 điểm.

Tính chung cả tuần, VN-Index có bốn phiên tăng điểm và một phiên điều chỉnh, dao động chạm mức cao nhất 1.351,85 điểm và mức thấp nhất là 1.304,49 điểm. Chốt tuần, chỉ số này tăng tổng cộng 31,4 điểm (+2,4%), lên mức 1.351,85 điểm.

Bên cạnh đó, HNX-Index cũng có tuần hồi phục thứ hai liên tiếp với cả năm phiên tăng điểm, tăng tổng cộng 10,61 điểm (+3,4%), đóng cửa tại mức 325,46 điểm.

Khối ngoại mua ròng tích cực

Diễn biến giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài khá tích cực khi mua ròng với giá trị ròng xấp xỉ 2.417 tỷ đồng trên HoSE và 28 tỷ đồng tại HNX.

Trên HoSE, chứng khoán được khối ngoại mua ròng nhiều nhất là STB với 24 triệu cổ phiếu, sau đến là MBB với 14,2 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, khối này bán ròng VRE mạnh nhất với 5 triệu cổ phiếu. Phía sàn HNX, VND là cổ phiếu dẫn về khối lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài với 1,7 triệu cổ phiếu, tiếp theo là DXS đạt 1,5 triệu cổ phiếu, PVS bị bán ròng nhiều nhất với 704.000 cổ phiếu.

Top 5 mã cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên sàn HoSE:

(*) Giá tham chiếu-Đơn vị: Nghìn đồng.

(*) Giá tham chiếu-Đơn vị: Nghìn đồng.

Thị trường có tuần giao dịch hồi phục đã giúp cho toàn bộ các nhóm ngành đều tăng trưởng. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngành tài chính tăng cao nhất với 4,4% giá trị vốn hóa, cụ thể VIC (+5,7%), VHM (+5,2%), NVL (+3,4%), SSI (+3,3%), HCM (+3%), VND (+8,7%), VCI (+9,2), BVH (+5,3%)...

Đứng ngay sau là nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng tăng 3,3% với các mã tiêu biểu VCJ (+3,9%), HVN (+0,9%), ACV (+1,2%), MWG (+4,5%), DGW (+4,2%), FRT (+3,9%)...

Bên cạnh đó, nhóm công nghệ thông tin cũng hấp dẫn dòng tiền với mức tăng 3% giá trị vốn hóa với sự góp mặt của FPT (+2,8%), CMG (+6,7%). Ngoài ra, nhóm cổ phiếu tiện ích cộng đồng, nguyên vật liệu, dầu khí có cùng mức tăng là 2,9%, nhóm ngành ngân hàng tăng 1,1%, hàng tiêu dùng tăng 0,6%, dược phẩm và y tế tăng 1,7%), công nghiệp tăng 1,9%.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho biết mức thanh khoản trong tuần đã được cải thiện so với tuần trước đó, song vẫn thấp hơn mức trung bình 20 tuần với trung bình khoảng 23.800 tỷ đồng/phiên trên hai sàn. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HoSE tăng 21%, đạt 102.714 tỷ đồng/tuần và tại HNX tăng 53,6%, đạt 16.704 tỷ đồng/tuần.

Lực cầu “mua lên” chưa thực sự mạnh

Đánh giá thị trường, ông Thắng phân tích việc VN-Index có tuần hồi phục thứ hai liên tiếp với thanh khoản gia tăng nhưng thấp hơn mức trung bình 20 tuần cho thấy lực cầu mua lên trong tuần qua là chưa thực sự mạnh, khi mà một bộ phận nhà đầu tư vẫn đang đứng ngoài thị trường.

“Ở khía cạnh tích cực, việc các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng gần 2.500 tỷ đồng trên hai sàn, phần nào hỗ trợ cho đà hồi phục của thị trường,” ông Thắng nói.

Ngoài ra, ông Đinh Quan Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô-Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết thêm trong tuần qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu khẩn trương áp dụng trở lại giao dịch lô tối thiểu 10 cổ phiếu và sàn HoSE chuẩn bị đưa các cổ phiếu tạm thời niêm yết trên HNX quay trở lại giao dịch là những thông tin tích cực. Điều này đã củng cố tâm lý nhà đầu tư đồng thời là chất xúc tác thu hút dòng tiền quay trở lại thị trường trong những ngày qua.

Trên bình diện quốc tế, Trần Hoàng Sơn, Trưởng bộ phận, Phòng nghiên cứu Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán MB (MBS) chỉ ra một số yếu tố khách quan có thể tác động đến tâm lý thị trường trong nước. Cụ thể, triển vọng đà phục hồi sau đại dịch với tăng trưởng chậm lại đang tạo áp lực lên các thị trường chứng khoán, khi biến chủng Delta của virus Corona đang cản trở quá trình tái mở cửa các nền kinh tế.

Ông Sơn dẫn chứng sự phục hồi của các thị trường trái phiếu chính phủ với mức lợi suất thực tế thấp kỷ lục tại Mỹ, châu Âu và nhịp sụt giảm mang tính chu kỳ trên các thị trường chứng khoán mới nổi, là hai trong số những xu hướng gần đây cho thấy đà phục hồi toàn cầu đang suy yếu dần.

Trên góc nhìn kỹ thuật, ông Thắng cho rằng VN-Index vẫn chưa thể vượt qua được vùng kháng cực của sóng hồi phục. Thanh khoản cao nhất tuần với 22.500 tỷ đồng tại HoSE cho thấy VN-Index đứng trước áp lực chốt lời tại vùng 1.325-1.350 điểm trong phiên cuối tuần. Đây là những tín hiệu cảnh báo về khả năng đảo chiều xu hướng của thị trường.

“Trong kịch bản tiêu cực, nếu VN-Index xuyên thủng hỗ trợ quanh 1.325 điểm thì có thể coi bước vào sóng điều chỉnh xuống với mục tiêu quanh 1.150 điểm. Theo đó, tuần giao dịch tiếp ngày 10-14/8, thị trường có khả năng sẽ bước vào giai đoạn rung lắc, VN-Index đứng trước áp lực chốt gia tăng trong vùng kháng cự 1.325-1.350 điểm. Với các nhà đầu tư đã bắt đáy với tỷ trọng trung bình, khi VN-Index rơi về ngưỡng hỗ trợ 1.260 điểm nên tiếp tục theo dõi thị trường và có thể bán ra các cổ phiếu đã đạt kỳ vọng hoặc đà tăng bị suy yếu,” ông Thắng khuyến nghị.

Theo ông Sơn, thị trường trong nước rung lắc trong ngày cuối tuần là phiên chốt lời thuần túy. Điều này chưa ảnh hưởng đến xu hướng tăng của thị trường sau nhịp tăng 9 phiên liên tiếp trước đó. Hiện nay, nhóm cổ phiếu trụ chính là chỉ báo của thị trường hoặc dấu hiệu tích cực hơn là nhóm cổ phiếu này tiếp tục luân phiên thay nhau dẫn dắt trên thị trường, VN-Index có thể dao động trong vùng 1.340-1.350 điểm và kịch bản thận trọng chỉ khi chỉ số để mất ngưỡng 1.320 điểm.

Lạc quan hơn, ông Hinh dự báo tuần tới, VN-Index có thể dao động mạnh khi tiến tới vùng 1.350-1.370 điểm. Trên thị trường, hoạt động chốt lời của các nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ được đẩy mạnh, đặc biệt tại các nhóm cổ phiếu đã phục hồi ở vùng giá cao trong những phiên gần đây.

“Do đó, các nhà đầu tư nên duy trì sự thận trọng, không nên mua đuổi ở thời điểm hiện tại và hạn chế sử dụng đòn bẩy ở mức cao. Có thể hạ tỷ trọng cổ phiếu nếu VN-INDEX không vượt qua được vùng 1.350-1.370 điểm,” ông Hinh nói./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết