Mẹ dạy tôi như những bà mẹ mẫu mực kinh điển dạy “công, dung, ngôn, hạnh”. Rồi mẹ bệnh, nằm liệt giường, tôi sắc thuốc, nấu cháo, giường chiếu lúc nào cũng thơm tho. Hồi còn mạnh khỏe, mẹ tâm niệm sẽ không đột ngột rời bỏ dương gian mà nán lại một ít, một ít thôi trên giường bệnh. “Một ít” để các con có cơ hội báo hiếu, để không trở thành gánh nặng của các con. Hiểu được tâm nguyện xa đó, đứa con dâu như tôi hết lòng chăm nom. Mẹ mê man nằm, lúc tỉnh táo nhất thì mở mắt nhìn con dâu ngồi cạnh, run run đặt tay mình lên tay con. Tôi cảm nhận được tình thương tỏa ra từ hơi ấm đôi tay mẹ. Nghe kể, ba chồng tôi mất sớm, mẹ một mình gồng gánh nuôi đàn con. Mẹ giỏi giang như thể có hai sức lực trong cơ thể người đàn bà tưởng chừng yếu ớt.
Còn tôi, chỉ sống với mẹ vẻn vẹn nửa năm nhưng tình yêu tôi dành cho mẹ có cả sự hàm ơn và kính trọng. Mẹ nuôi anh (chồng tôi) khôn lớn, nâng đỡ khi anh té đau, bao dung khi anh sai lầm. Với anh, mẹ có công ơn quá lớn, điều anh sợ nhất là làm mẹ buồn. Mẹ là “đấng tối cao” của chồng thì làm sao tôi không kính yêu cho được.
Một tháng tròn trên giường bệnh, ngày mẹ rời bỏ các con, dù phút lâm chung, mẹ dặn đừng có khóc nhưng ngày đau buồn ấy, tiếng khóc của các con át cả tiếng mưa.
Anh nói, mẹ không biết câu chuyện Mục Kiền Liên, mẹ không lên chùa cài bông hồng trắng (mẹ sớm mồ côi) nhưng rằm tháng bảy nào mẹ cũng sửa soạn cúng kính chu đáo, nguyện cầu bà ngoại sớm siêu thoát. Mẹ dạy các con, bất hiếu là tội không thể dung thứ. Mẹ bảo, chữ hiếu là thước đo lòng người chuẩn xác nhất.
Mẹ ơi, không phải đợi đến Vu lan chúng con mới nhớ mẹ, Vu lan lên chùa, chúng con cài bông hồng trắng lên ngực như muốn bày tỏ lòng tôn kính với mẹ, người mẹ đáng kính!
Nguyễn Thị Bích Nhàn