Tiếng Việt | English

06/03/2017 - 08:42

Vụ lúa Đông Xuân 2016-2017: Nông dân lãi không cao

Thời gian qua, thời tiết bất thường ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất vụ lúa Đông Xuân (ĐX) 2016-2017 của nông dân trên địa bàn tỉnh Long An. Bên cạnh đó, bệnh muỗi hành làm thiệt hại hàng ngàn hécta lúa ĐX.

Nông dân gặp khó trong sản xuất

Toàn tỉnh gieo sạ 236.764ha lúa ĐX 2016-2017, đạt 102,3% kế hoạch (231.400ha). Trong đó, nông dân thu hoạch 71.317ha, năng suất khô 56,4 tạ/ha, sản lượng 402.535 tấn. Bên cạnh đó, nông dân liên kết triển khai 68 lượt cánh đồng lớn với 16 doanh nghiệp đăng ký, tổng diện tích 19.861ha, gồm 8.141 hộ tham gia.

Nông dân lại tiếp tục lâm cảnh "được giá, mất mùa"

Hiện nay, giá lúa tươi tương đối ổn định: Lúa IR50404 giá từ 4.900-5.100 đồng/kg; lúa OM các loại (OM 4900, OM 6976,...) giá từ 4.900-5.400 đồng/kg. Riêng nếp có giá từ 5.700-6.000 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với tuần trước. Với giá lúa này, đây là tín hiệu vui cho nông dân. Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra những cơn mưa lớn trái mùa, làm thiệt hại trên 5.500ha lúa ĐX.

Nông dân Phan Văn Đẩm (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước) cho biết: “Vụ lúa ĐX được nông dân kỳ vọng nhất

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Long An, trong tháng 3, trên địa bàn tỉnh: 
Về khí tượng: Thời tiết khu vực tỉnh Long An: Mây thay đổi đến nhiều mây; có mưa rào và dông vài nơi; ngày nắng, có nơi nắng nóng. Dự báo tại Tân An, lượng mưa cả tháng từ 20-25mm. Nhiệt độ trung bình 27-29 độ; nhiệt độ cao nhất 32-34 độ; nhiệt độ thấp nhất 24-26 độ.
Về thủy văn: Mực nước tại các nơi dao động theo triều, trong tháng có 3 đợt nước lên vào đầu, giữa và cuối tháng, kỳ nước cao nhất xuất hiện vào những ngày đầu tháng ở mức báo động II gây ngập theo triều ở những vùng trũng thấp
.

trong năm, bởi năng suất và giá bán cao. Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng thời tiết, nhất là mưa trái mùa khiến nhiều diện tích lúa ĐX sớm bị giảm năng suất, ảnh hưởng thu nhập của nông dân. Chưa năm nào, thời tiết lạ như năm nay, qua tết rồi mà vẫn còn mưa lớn, bất thường. Gia đình tôi có gần 1ha lúa ĐX, chỉ sau trận mưa tuần rồi, lúa ngã đổ hơn 30% diện tích nên năng suất cũng giảm đáng kể. Vụ này, chi phí đầu vào tăng, cuối vụ, thu hoạch lại giảm năng suất nên lợi nhuận không cao”.

Bên cạnh ảnh hưởng thời tiết, mấy tuần qua, nông dân vùng Đồng Tháp Mười “mất ăn, mất ngủ” vì dịch bệnh muỗi hành xuất hiện, hoành hành trên diện tích lớn. Đến nay, toàn tỉnh có trên 10.000ha lúa ĐX bị nhiễm bệnh muỗi hành, tập trung chủ yếu ở các huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường. Riêng huyện Vĩnh Hưng có diện tích nhiễm bệnh nặng nhất, khoảng 8.000ha, trong đó có trên 2.000ha thiệt hại trên 50%.

“Đối với bệnh muỗi hành, nông dân chúng tôi rất sợ vì chưa có thuốc để phun xịt phòng bệnh hay tiêu diệt. Khi phát hiện thân lúa cứng, thẳng và nhiều cọng lúa se tròn giống như cọng hành thì “coi như xong” vì lúa bị nhiễm bệnh muỗi hành nặng rồi! Gia đình tôi có gần 5ha bị muỗi hành tấn công. Năm nay, giá lúa ổn định, chúng tôi chưa kịp vui mừng thì giờ coi như trắng tay” - ông Nguyễn Văn Tám (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) buồn bã nói. 

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Hữu Hồng, địa phương chỉ đạo các xã, thị trấn trong huyện thường xuyên theo dõi, tuyên truyền cho nông dân để có sự chủ động phòng trừ, hạn chế thiệt hại do muỗi hành gây ra và các sâu, bệnh khác. Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phải theo dõi, thống kê số diện tích lúa bị thiệt hại để có hướng đề nghị tỉnh hỗ trợ.

Tập trung chăm sóc

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Nhờ bám sát khung lịch thời vụ, kịp thời chỉ đạo nông dân triển khai các phương án sản xuất phù hợp theo từng thời điểm nên hoàn thành xuống giống lúa vụ ĐX 2016-2017 bảo đảm đúng kế hoạch. Tuy nhiên, thời gian qua, do thời tiết bất thường, những cơn mưa trái vụ, tình hình sâu bệnh phức tạp gây thiệt hại đến sản xuất, làm nông dân gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện nay, sở chỉ đạo các phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương thường xuyên theo dõi, khuyến cáo nông dân tập trung chăm sóc, thu hoạch nông sản vụ ĐX; tiếp tục theo dõi tình hình gây hại của các sinh vật trên các loại cây trồng và có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả; phối hợp các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân nêu cao ý thức trong việc sử dụng nguồn nước tưới tiêu một cách hợp lý, tiết kiệm; tích cực thăm đồng nhằm kịp thời phát hiện cũng như chủ động đối phó hiệu quả đối với các đối tượng gây hại, bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho cây lúa sinh trưởng và phát triển ổn định.

Vụ lúa Đông Xuân 2016 - 2017, nông dân lãi không cao

Đối với dịch bệnh muỗi hành, để xử lý tình hình sâu bệnh trước mắt, các địa phương cần thường xuyên theo dõi, tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo nông dân chủ động đề phòng; đối với những diện tích lúa chưa nhiễm bệnh thì tiếp tục bón phân để lúa phát triển, trổ bông; rút nước cạn để hạn chế muỗi hành gây hại.

Về biện pháp lâu dài là dùng bẫy đèn để bắt muỗi, dự báo muỗi hành xuất hiện; tuân thủ lịch thời vụ xuống giống của cơ quan chức năng; không xử lý hạt giống trước khi gieo sạ; không phun thuốc trừ sâu sớm. Trước khi gieo sạ vụ mới, nông dân cần vệ sinh đồng ruộng thật kỹ.

Đối với vụ Hè Thu 2017, nông dân cần gieo sạ cách vụ ĐX trên 20 ngày, có thời gian cày ải phơi đất. Đặc biệt, đối với những địa phương xuống giống Hè Thu sớm thì không được gieo sạ trong tháng 3 này”./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết