Tiếng Việt | English

21/06/2020 - 10:32

Vui, buồn nghề báo

Với tôi, nghề báo đến thật tình cờ khi còn công tác trong ngành bảo vệ pháp luật. Bước chân theo nghiệp “cầm bút”, 15 năm nhìn lại, nghề báo đem đến cho tôi thật nhiều kỷ niệm, có cả niềm vui lẫn nỗi buồn.

Có những buổi trưa bỏ bữa, chỉ ngồi viết cho kịp tính thời sự,...

Có những buổi trưa bỏ bữa, chỉ ngồi viết cho kịp tính thời sự,...

Đúng là “vạn sự khởi đầu nan”, khi được tiếp nhận vào nghề, tôi phải tập sự với kỹ năng và phương tiện hầu như chẳng có gì. Kinh phí thì eo hẹp, không đủ để sắm máy ảnh “xịn”, buộc lòng phải dùng máy ảnh du lịch. Do không biết cách chụp nên cứ “cháy phim” hoài. Còn nhớ, làm báo thời đó cực hơn bây giờ, viết bài xong thì phải chờ rửa ảnh, nộp đĩa A kèm ảnh cho bộ phận biên tập,… rồi lại hồi hộp chờ 3-4 ngày không biết bài của mình có được đăng hay không?

Theo nghề này, những lúc cực khổ thì ít ai biết, trừ những người trong nghề. Không ít lần, nhiều người trong khu phố tôi ở cứ hỏi: “Hôm nay không đi làm à?”. Có khi trong giờ hành chính, mình ngồi ở quán cà phê viết bài, nhiều người lại nghĩ rằng nghề báo chắc là nhàn hạ lắm, nhưng mấy ai hiểu rằng, người phóng viên vẫn đang cần mẫn làm việc. Hay những ngày nắng gắt, một mình trên đường xa, vừa chạy xe vừa suy nghĩ đặt tít bài, bố cục, nội dung. Đêm đến, khi chuẩn bị ngủ thì lại có ý tưởng, lại phải bật dậy mở đèn ngồi viết, có hôm say sưa viết đến lúc trời sáng lúc nào chẳng hay; rồi cũng có những buổi trưa bỏ bữa, chỉ ngồi viết cho kịp tính thời sự,… 

Có một kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là khoảng năm 2006, khi tôi đi viết bài về một đồng chí lão thành cách mạng, nhà gần bờ sông Vàm Cỏ Tây, thuộc địa bàn xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Lúc đó, khu vực này chưa có đường nhựa, quãng đường từ Quốc lộ 62 vào đến bờ sông Vàm Cỏ Tây khá xa, phải đi qua đoạn đường đất ngang qua tuyến dân cư ấp Mương Khai. Khi ấy, nơi này rất vắng vẻ, ít người ở, khi trở ra thì trời đổ mưa tầm tã, một mình giữa cánh đồng vắng, cảm giác thật bất an. Chưa kể, đường trơn trượt, sấm chớp liên hồi, tôi mấy lần bị té xe, ra đến gần bến đò thì người lấm lem, hai bánh xe đầy đất, lại phải đi đò qua kênh 12 mới ra được Quốc lộ 62, thật là hú vía!

Khi tôi chính thức làm phóng viên, do không có năng khiếu văn chương, chữ nghĩa “sặc mùi” báo cáo. Rất may, được lãnh đạo, bộ phận biên tập không ngừng hỗ trợ, điều chỉnh, rồi còn được đi tập huấn các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tôi mới dần quen với phong cách báo chí.

Tính cách có phần nhút nhát nhưng từ khi vào nghề, tôi được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người nên cũng dạn dĩ dần. Và, trong cuộc đời làm báo, niềm hạnh phúc của tôi là khi giúp đỡ được một ai đó. Một số người còn cảm ơn và lưu giữ những tác phẩm viết về họ. Những bài báo đạt hiệu quả, truyền đi được một thông điệp ý nghĩa, có hiệu ứng tích cực, giúp các cá nhân, tổ chức nhìn nhận và điều chỉnh những thiếu sót đã đem lại niềm tin cho bạn đọc - đó là niềm vui chẳng có gì sánh được!

Bên cạnh đó, có những điều mà đôi khi khiến tôi chán nản là viết không đúng, bị cải chính, phải xin lỗi. Đây có lẽ điều mà không người làm báo nào muốn gặp. Tuy nhiên, khi đã trải qua thì bản thân phải bình tĩnh nhận ra lỗi và sửa chữa. Tôi cũng từng bị phản ứng đối với những bài viết có sự “đụng chạm”, nhẹ thì dùng lời lẽ khó chịu, nặng thì “mắng vốn” cấp trên, phản ánh và phải cải chính khi xảy ra sai sót. Mỗi lần như vậy, bản thân cũng buồn “mất ăn, mất ngủ”. Tuy nhiên, khi đã chọn một hướng đi cho mình, nhất là nghề báo lắm gian truân thì phải tự nhủ rằng “nỗi buồn nào rồi cũng sẽ qua”, phải cố gắng khắc phục sai sót, khuyết điểm, nỗ lực hơn nữa thì mới có thể gắn bó với nghề.

Đến nay, tôi chính thức là phóng viên đã được 15 năm, trước đó cũng có vài năm làm cộng tác viên. Với tôi, nghề báo đã cho mình thật nhiều kỷ niệm. Tôi tự nhủ rằng trong quãng thời gian dài sắp tới, mình vẫn vững tin trên con đường đã chọn, bởi với tôi, dù có lắm nỗi buồn, sự vất vả, khó khăn nhưng niềm vui với nghề vẫn thật đong đầy./.

Đỗ Lâm

Chia sẻ bài viết