Tiếng Việt | English

02/11/2016 - 16:56

Vùng bưng biền ngập nước Đức Hoà Đông trong tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa

Về lại Đức Hòa Đông, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An lần này, tôi rất ngạc nhiên trước cảnh vật khác lạ dù rằng nơi đây, từ 30 năm về trước, tôi đi lại không biết bao nhiêu lần trên Tỉnh lộ 10 - khi ấy, đây là đường lớn duy nhất, chứ chưa có lắm đường giao thông như bây giờ - băng qua một vùng bưng trũng ngập nước, thứ nước phèn trong veo vào mùa khô đóng một lớp màu vàng nâu đậm đặc trên mặt đất.


Công trình Trung tâm Hội nghị Tre Việt Nam ở xã Đức Hoà Đông

Phía Đức Hòa Hạ ở bên này lộ và Đức Hòa Đông nằm bên kia lộ chỉ thấy toàn dứa gai, tràm gió, bạch đàn còi cọc ngoi lên khắp mặt đồng bưng. Vậy mà mấy năm sau thấy những đường giao thông thảm nhựa băng dọc ngang trên mặt đồng bưng và các loại cơ giới đào đắp, san lấp mặt bằng. Rồi mấy năm sau nữa, từng khu nhà máy, trụ sở doanh nghiệp tòa ngang dãy dọc vươn lên; những hàng quán mọc lên, những nhà trọ liên tiếp mọc lên như nấm gặp mưa để đón công nhân đi làm hãng này hãng nọ thuê ở; và những người nhập cư từ các nơi khác đến mưu sinh bằng đủ thứ ngành nghề. Đồng bưng trở thành khu, cụm công nghiệp với bao âm thanh náo nức ngày và đêm. Và giờ đây, Tỉnh lộ 10 lại mang khuôn mặt đô thị mới, nhà phố liền dãy khép gần kín hai bên đường.

Cho tới bây giờ, tôi vẫn chưa nguôi ngoai về cái âm thanh và hình ảnh của các nhà máy chế biến thép phế liệu ở xã Đức Hòa Đông. Đó là quãng cuối năm 2007, tôi đi với tổ quan trắc của Phòng Môi trường (Sở Tài nguyên & Môi trường Long An) do kỹ sư Nguyễn Văn Hùng làm tổ trưởng. Đến Đức Hòa, chúng tôi được bố trí nghỉ đêm ở nhà khách Huyện ủy, tới nửa đêm, cả đoàn đều được kêu ra xe. Xe chạy về xã Đức Hòa Đông, quành ra mấy đoạn đường đất lở lói, tới một vùng ruộng nước gặp khu nhà máy khói cuộn như mây đen kịt, khét mùi thép nung cháy.

Kỹ sư Hùng đưa cả đoàn đến nhà máy đầu tiên kín cổng cao tường; gõ và đấm ầm ầm vào cánh cổng khá lâu mới có người ra mở cổng. Kỹ sư Hùng trình giấy tờ. Người của nhà máy xem rồi lẳng lặng đóng cổng, bỏ đi vào bên trong một nước. Ở ngoài cổng nhìn vào, chúng tôi chỉ thấy ánh điện hồ quang nhá lên vô vàn tia lửa đỏ rực không trung và tiếng phế liệu nung chảy nổ như sấm chớp. Hơn một tiếng đồng hồ sau, cổng mở, đó là lúc mọi việc bên trong nhà máy đã đối phó xong, sắp xếp đến không còn gì để tổ quan trắc môi trường phải lập biên bản nữa. Tới nhà máy khác - hàng chục nhà máy như thế cả - và đều có hành vi như thế cả. Hùng bảo, họ lập nhà máy, hoạt động ì xèo từ năm 2003 tới nay, xả ra môi trường không biết bao nhiêu khói thải mang độc tố, gây ô nhiễm mà chưa hề có đủ thủ tục giấy tờ và giấy phép xây dựng hợp lệ.

Sau chuyến đi ấy, báo chí phản ánh và các cơ quan chức năng kiến nghị, tỉnh chỉ đạo cho huyện Đức Hòa cương quyết dẹp hết các nhà máy “trời ơi đất hỡi” ấy; không thể đánh đổi môi trường để phát triển công nghiệp bằng mọi giá được!

Rồi đầu tháng 10 năm nay, chúng tôi về Đức Hòa, đi Đức Lập Hạ xong, đi Đức Hòa Đông. Nếu Đức Lập Hạ với những truyền thuyết về cọp dữ tấn công lớp người đến khai cơ lập nghiệp đầu tiên khi còn là rừng rậm, đầm lầy, rồi nay, cả đến bưng hoang ngập nước cũng được san lấp mặt bằng, xây dựng các công trình với tên nhà máy nọ, trụ sở doanh nghiệp kia đều mang bộ mặt tráng lệ; diện tích sản xuất nông nghiệp còn lại chỉ là đất gò giồng thuộc loại “bờ xôi ruộng mật” để dành cho xóm ấp nông thôn được trù phú, thì Đức Hòa Đông cũng gần như thế đấy.

Gặp lãnh đạo xã, tôi hỏi liền về môi trường. Các anh cho biết, Đức Hòa Đông đang trong tiến trình xây dựng xã nông thôn mới, vấn nạn ô nhiễm môi trường như trên đây được khắc phục từ lâu. Cả những nơi mùa mưa thường bị ngập, nhân dân cũng đóng góp hàng trăm triệu đồng làm đường cống thoát nước, giữ cho khu dân cư sạch đẹp. Vẫn biết quá trình công nghiệp hóa, đất nông nghiệp ở Đức Hòa Đông bị thu hẹp khá nhiều. Tuy nhiên, nông dân vẫn còn những phần đất màu mỡ nhất để sản xuất, cả để trồng cỏ nuôi trâu, bò thịt vỗ béo. Số nông dân mất đất thì chuyển qua thương nghiệp, dịch vụ; số lao động trẻ phần lớn vào làm cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã. So với trước kia, mức sống người dân bây giờ có nâng lên nhờ có công nghiệp hóa mà mức thu nhập của họ có khá và ổn định hơn. Rồi lãnh đạo xã mời chúng tôi đi tham quan thực tế.

Xe chạy một vòng cho khách ngắm toàn cảnh Đức Hòa Đông hiện hữu. Tôi thích những ngôi nhà song lập truyền thống với vườn cau trầu và cây ăn trái bao quanh. Ở Đức Lập Hạ nhiều nơi vẫn giữ nét như vậy. Rồi xe chạy vào khu “Làng Sen Việt Nam”. Hẳn đây là dự án khu du lịch sinh thái mang sắc thái Việt Nam? Từ xa thấy nổi bật trên nền xanh cây cỏ tạo cảnh là một ngôi nhà tròn làm hoàn toàn bằng tre và tranh, rất ấn tượng. Đây là Trung tâm Hội nghị Tre Việt Nam, do nhóm Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế và Công ty CP Gió và Nước thi công trong vòng 240 ngày. Ở hai bên lối vào là hai bức tường dán kín phối cảnh toàn khu phức hợp nhiều công năng xanh, nên cái nào cũng mang tên“Xanh”: Du lịch xanh, làng xanh, nhà xanh, biệt thự xanh,… và các làng cổ, làng nghề truyền thống Việt đều xanh, chiếm một khu đất rộng lớn.

Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Đông - Trần Huy Cường cho biết, khu này nằm trong khuôn khổ xây dựng xã nông thôn mới của Đức Hòa Đông. Xã vẫn còn một số tiêu chí chưa đạt, đang tập trung thực hiện. Tôi nghĩ, xã nông thôn mới kiểu này rồi sẽ tiến lên đô thị mới chẳng bao lâu. Và đó hẳn là mục tiêu mà các nơi đăng ký xây dựng xã nông thôn mới đều hướng tới?

Ký sự của Quang Hảo

Chia sẻ bài viết