Tiếng Việt | English

01/11/2016 - 10:16

Vài nét chấm phá diện mạo nông thôn Đức Hòa

Nhìn tổng thể toàn huyện quá mênh mông. Chỉ tiếp cận vài mảng nhỏ về nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi và xây dựng nông thôn mới tại một vài xã trong điều kiện công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Phải đến 10 giờ, chúng tôi mới đặt chân lên đường nhựa băng qua một bên là xã Đức Lập Thượng và một bên là xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An. Hồi trước, ngày và đêm, đi qua đây là thấy hai bên đường xuất lộ những cụm lều quán nhếch nhác với những cánh tay gái ngoắt gọi, mời mọc. Bây giờ dáng vẻ sầm uất, màu sắc tươi sáng hơn dù vẫn là hàng quán ăn uống, karaoke, điện tử, điện thoại di động,... và những điểm giao dịch/dịch vụ mua bán bất động sản. Chưa thấy có bàn tay nõn nường nào đưa ra vẫy gọi khách mày râu. Xen vào các quán xá là lò (giết mổ) trâu, lò bò, lò heo; nổi lên những quán thịt trâu chế biến đủ món đặc sản mà ở TP.Tân An có thèm cũng khó kiếm được.


Anh Huỳnh Văn Thanh vệ sinh chuồng trại

Một tỉ phú nuôi heo

Tại ấp Tân Hòa, xã Đức Lập Hạ. Một ngôi nhà ba gian kiểu dáng thời thượng hiện đại, máy hàn, máy cắt, lổn nhổn sắt cây, ống thép, khung sắt, máy trộn thức ăn gia súc và mấy dãy trại xây gạch, mái tole dài hun hút. Một trung niên vạm vỡ đang xịt nước máy làm vệ sinh chuồng trại. Thấy chúng tôi, anh tắt vòi nước, mời vào bàn trà ở hàng tư ốp gạch men bóng loáng.

Tên anh là Huỳnh Văn Thanh, sinh năm 1969. Anh cho biết, sau nhiều lần đi buôn hàng lậu qua biên giới bị bắt, tịch thu đến trắng tay, anh đi làm thuê cho ông bác họ với mức lương chưa đủ ăn ngày 2 bữa cơm. Bác giao anh đi mua cây tạp về tạo kiểng. Vườn kiểng của ông bác 500-600 cây. Sau 15 năm vất vả với vườn kiểng, ông bác mới cho anh nuôi rẻ 2 con heo nái. Điểm khởi nghiệp chỉ có vậy. Rồi từ 2 con heo nái, hơn 10 năm sau (2007), anh thu nhập đủ vốn mua đất xây trại tiền tỉ để nuôi heo nái và heo giống công nghiệp.

Vài năm sau nữa, anh lại xuất vốn mua đất, xây thêm trại heo thứ 2 hết 3,5 tỉ đồng khi đàn heo lên con số ngàn. Hỏi anh có gặp rủi ro gì không? Anh tự tin: Không! Tui học một khóa nông lâm súc, rồi tìm tài liệu tự học chăn nuôi heo. Anh chỉ ra sân: Cả kỹ thuật gò hàn điện, tui cũng tự học, tự thiết kế, chế tạo sàn đẻ, vách ngăn hậu bị,... Thụ tinh, chích ngừa, trị bệnh heo, đỡ heo đẻ, tui tự làm lấy.

Vậy anh có bị “thua” keo nào không? Không! Tui nuôi kiểu truyền thống kết hợp hiện đại; dứt khoát không dùng chất kích thích tăng trưởng, tạo nạc. Mà sử dụng các thứ độc tố ấy thì mình lãnh hậu quả trước - qua quá trình pha chế,... Anh cho biết, nuôi heo lời hơn người ta là do anh tự sản xuất, pha chế thức ăn cho heo; làm đúng khuyến cáo của cơ quan khuyến nông, nên giá thành thấp. Các trại heo của anh xuất chuồng vào những lúc thị trường đang có giá, xuất bán đồng loạt 15-20 tấn/lần. Ở Đức Lập Hạ có nhiều lò giết mổ gia súc rất giàu, họ có xe tải lớn, đến tận trại xem, thấy heo “sạch”, họ mới chịu mua. Mỗi năm, anh cho xuất chuồng 70-80 tấn heo thịt, chưa kể số heo giống bán ra cho người nuôi.

Trại heo quy mô thế, mà không có mùi hôi. Mỗi ngăn chuồng là một bầy heo con. Heo mới đẻ được chong đèn điện suốt ngày đêm để sưởi. Heo nái có chỗ ở riêng. Hệ thống tạo biogas xử lý toàn bộ chất thải, và đây là chất đốt không phải mất tiền. Nước thải thì đưa ra mấy đám ruộng trồng cỏ nuôi bò. Đàn bò mấy chục con mướt lông, mập ú.

Tỉ phú nuôi heo Huỳnh Văn Thanh có gần chục bằng khen “Nông dân SXKD giỏi” do Chủ tịch UBND tỉnh Long An tặng liên tiếp trong các năm qua.

Và tỉ phú nuôi dế

Nhà số 26, ấp Đức Ngãi, xã Đức Lập Thượng, đầu cổng gắn bảng: “Cơ sở chế biến côn trùng THANH DŨNG”; thêm hàng chữ ấn tượng: Cung cấp sỉ và lẻ các sản phẩm đông lạnh: Dế trứng, dế thịt, bò cạp, rết,... Chủ nhân trạc 50 tuổi, gân guốc, xương xẩu, nói chuyện như người dẫn chương trình chuyên nghiệp.


Một góc trại dế Thanh Dũng

Đó là Trương Thanh Dũng. Anh tình cờ đọc “kỹ thuật nuôi dế” trên sách, báo, bèn áp dụng. Ba anh “rầy”: Mần ruộng không lo, nuôi chi ba cái thứ dế đó, điên à? “Mặc ông già ngăn cản, tui cứ nuôi thử. Ai dè mần chơi ăn thiệt!”, anh cười hề hà, nói nhu cầu thị trường dế thịt lớn lắm, không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài, như Campuchia người ta mê ăn dế lắm. Mình sản xuất dế không kịp bán đâu!”.

Rồi anh tự bạch: Trước, tui mần ruộng, nuôi bò, heo, gà đều không khá; mở tiệm sửa xe máy, xe đạp cũng không thoát khỏi phận nghèo. Khi nắm được kỹ thuật nuôi dế lại không có tiền trong tay. Tui bèn đi kiếm tre, tầm vông về đóng khung rồi bịt nylon làm thùng, chớ dùng xô nhựa, mắc lắm. Rồi nuôi thử. Vậy mà thành công. Cái giống dế Chó dễ nuôi, đẻ một lứa hơn trăm trứng. Trứng cho vô bọc nylon cột lại, ném vô chỗ mát nào cũng nở. Tỷ lệ nở, mùa lạnh 70%, mùa nóng 90%. Dế con được 42 ngày tuổi là đẻ. Đẻ mỗi ngày, liên tục cho tới ngày thứ 10 hoặc thứ 15 là chết. Dế chết, đưa ra vỗ béo gà, cá nuôi.

Anh chỉ cái nhà 5 gian, hàng tư treo đầy lồng chim hót, cu gáy, nói sau gần 4 năm nuôi dế, tui xây được cái nhà đó. Tui chắc không có con gì dễ nuôi, ngon ăn bằng con dế. Phân dế, mình rải xuống ao cho cá trê lai ăn, 3 tháng sau, bán. Nước ao có phân dế, đem tưới cỏ nuôi bò, một năm sau, bán. Cứ vậy mà quay vòng cá với bò, hiệu quả lắm!

Chúng tôi theo anh ra kho chứa thùng đông lạnh dế thành phẩm. Dế được cho vô hộp nhựa, dán nhãn mác (có chứng nhận tiêu chuẩn GAP) để đưa ra thị trường. Đến khu trại ngàn mét vuông xây từng ô. Ô đẻ được lót xơ dừa làm ổ. Không làm vậy, dế không đẻ, anh cho biết. Những ổ dế mới nở lúc nhúc như bầy muỗi đen đặc. Dế đang lớn như bầy ruồi bu kín mặt ổ. Thức ăn cho dế, anh dùng cây khoai mì, dây khoai lang. Dế bu ăn đông đặc. Chúng ăn cả lá rau thải, cám, các loại phế phẩm nông nghiệp.

“Tui khởi nghiệp chỉ một ổ dế ban đầu mà giờ đây thành 2-3 trại dế lớn. Tháng nào, tui cũng xuất bán 2-3 tấn, có tháng 6-7 tấn. Thị trường phía Bắc tiêu thụ mạnh nhất. Dế 30 ngày tuổi giá từ 100.000 đồng/kg trở lên, chỉ để nuôi chim cảnh. Dế 45 ngày tuổi, giá 200.000 đồng/kg, là đặc sản nhà hàng, quán nhậu. Dùng 1ha đất xây trại dế, đầu tư vốn chừng 2 tỉ đồng, nuôi 2-3 lứa dế là thu hồi vốn. Anh còn nói: Sẵn sàng cung cấp con giống, cầm tay chỉ việc, không giấu nghề. Người ta nuôi, giá thành 35.000 đồng/kg, anh bỏ ra chỉ 12.000 đồng nên bán giá rẻ vẫn lời. Dế rất sạch, vì nuôi không sử dụng hóa chất. Cần thiết chuồng trại phải thoáng đãng. “Người nào chịu nuôi dế, có bao nhiêu, tui mua hết, làm sao để mỗi tháng xuất hàng trăm tấn, vì nhu cầu thị trường dế còn lớn lắm” - anh dám chắc như vậy.

Với một kỹ thuật viên (lương 12 triệu đồng/tháng) và 8 lao động (lương từ 3-6 triệu đồng/người/tháng), Trại dế Thanh Dũng tạo ra cơ sở SXKD giá trị bạc tỉ. Anh thật xứng đáng với danh hiệu được ghi trong bằng khen “Nông dân SXKD giỏi” mà Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng trong mấy năm qua./.

(còn tiếp)

Ký sự của Quang Hảo

Kỳ sau: Vùng bưng ngập nước Đức Hòa Đông trong tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Chia sẻ bài viết