Tiếng Việt | English

19/09/2017 - 14:09

Nuôi trồng thủy sản vẫn còn lắm khó khăn!

Những năm qua, tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức: Tình hình dịch bệnh, giá cả không ổn định, “bí” đầu ra,... khiến người nuôi bất an.


Cần có chính sách hỗ trợ nông dân trong nuôi thủy sản

Còn lắm khó khăn!

Hiện nay, người nuôi tôm vùng hạ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề dịch bệnh: Bệnh đốm trắng, đường ruột và hoại tử gan tụy cấp tính. Tổng diện tích thả nuôi đến nay là 5.400,3ha, đạt 90% kế hoạch, bằng 118,7% so với cùng kỳ 2016, chủ yếu tập trung ở các huyện: Cần Đước 1.635,6ha, Tân Trụ 361,9ha, Châu Thành 1.179ha, Cần Giuộc 2.223,8ha,... Trong đó, diện tích thu hoạch 4.080,3ha, năng suất bình quân ước 1,9 tấn/ha, sản lượng 7.748,8 tấn. Tính từ đầu năm đến nay, có 698,5ha tôm bị thiệt hại.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương cho biết: “Người nuôi tôm bị thiệt hại do ảnh hưởng thời tiết và biến đổi khí hậu, mưa đến sớm nên độ mặn thấp; môi trường nuôi bị ô nhiễm nên dịch bệnh dễ xảy ra và khó khống chế. Mặt khác, người nuôi còn mua con giống trôi nổi không qua kiểm dịch, tính cộng đồng chưa cao, còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đánh bắt thủy sản ngoài sông, rạch, làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Người nuôi còn sử dụng rất nhiều loại kháng sinh trong nuôi tôm như: Chloramphenicol, oxytetracyline, enroxacine,... Gần đây, người nuôi còn sử dụng kháng sinh Cefotaxime, điều này ảnh hưởng đến con tôm, vì tồn dư lượng kháng sinh,...”.

Ở Cần Đước, năm 2017, thả nuôi 1.678,9ha thủy sản, đạt 83,95% kế hoạch. Trong đó, diện tích tôm sú 210,40ha, diện tích tôm thẻ chân trắng 1.468,50ha. Diện tích tôm bệnh chết khoảng 458,85ha, chiếm 27% diện tích thả nuôi.

Tại huyện Tân Trụ, nông dân phấn khởi hơn khi được hỗ trợ nuôi tôm. Còn tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười, phát triển thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Thủy sản chủ yếu các loại cá nước ngọt: Cá lóc, cá trê, rô phi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá cả không ổn định, gặp khó khăn về thị trường nên nhiều nông dân bị lỗ, một số hộ nuôi với số lượng ít, tâm lý chờ giá cả và các điều kiện khác,...

Bà Trần Thị Thu Ba, ngụ phường 1, thị xã Kiến Tường, chia sẻ: “Gia đình phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Hiện, giá cá thấp nên năm nay, gia đình giảm diện tích nuôi và số lượng cá thả nuôi, chỉ còn nuôi 2 ao với số lượng khoảng 10.000 con giống”.

Theo ông Trương Văn Bình, ngụ ấp Đồn A, xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa, gia đình ông có hơn 2ha nuôi cá, chủ yếu cá lóc, cá trê. Việc nuôi cá giúp cuộc sống ổn định, thu nhập khá; hàng năm, lãi thu về trên 100 triệu đồng. Nhưng từ năm 2016 đến giữa năm 2017, giá cá thấp, bị thua lỗ nên gia đình ông bỏ trống một số ao nuôi, số lượng cá thả cũng giảm dần để thăm dò thị trường tiêu thụ,...

“Khoảng một tháng trở lại đây, giá cá bắt đầu tăng, thương lái mua lại nên tôi dự định thả nuôi phục vụ thị trường tết” - ông Bình chia sẻ. Cùng tâm trạng như ông Bình, ông Nguyễn Văn Trãi, ở xã Thuận Nghĩa Hòa, cho biết: “Giá cá thấp, bị lỗ nên chúng tôi không dám thả nhiều như trước, chờ xem tình hình. Hiện, gia đình có hơn 2.000m2 mặt nước nuôi cá trê và cá lóc”.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Lê Hữu Tàu thông tin: “Thời gian gần đây, do giá thấp nên một số hộ nuôi thủy sản bị thua lỗ. Trước thực trạng trên, huyện tuyên truyền người dân chọn nuôi những loài thủy sản có giá trị cao, không nên nuôi ồ ạt, số lượng lớn một loài nào đó. Huyện phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng nhiều mô hình điểm để người dân học tập. Đồng thời, kêu gọi doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất. Toàn huyện hiện có trên 600 hộ dân với khoảng 160ha mặt nước nuôi trồng thủy sản”.


Người nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn

Nhiều chính sách hỗ trợ

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - Tạ Văn Nguyễn Hoàng, từ năm 2012, tỉnh ban hành chính sách khuyến khích phát triển nuôi thủy sản trên địa bàn các huyện vùng Đồng Tháp Mười. Chính sách có 2 nội dung hỗ trợ.

Một là, khuyến khích đầu tư sản xuất, thuần dưỡng giống thủy sản: Tổ chức, cá nhân được UBND tỉnh giao nhiệm vụ sản xuất và cung ứng giống đạt tối thiểu 20 triệu con cá bột và 50 tấn cá giống/năm được ngân sách hỗ trợ 50% kinh phí mua giống cá bố mẹ, theo định mức giá được quy định và chỉ hỗ trợ 1 lần.

Ngoài ra, hàng năm được hỗ trợ 30% kinh phí mua thay thế giống cá bố mẹ nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/năm/cơ sở; tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống tôm càng xanh đạt tối thiểu 1 triệu con tôm giống/năm, được ngân sách hỗ trợ 10 đồng/con giống nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng/năm/cơ sở; tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở thuần dưỡng, kinh doanh giống tôm càng xanh đạt tối thiểu 1 triệu con tôm giống/năm, được ngân sách hỗ trợ 5 đồng/con giống nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng/năm/cơ sở.

Hai là, khuyến khích nuôi thủy sản: Tổ chức, cá nhân đưa giống mới, giống có giá trị kinh tế cao vào nuôi với diện tích tối thiểu đối với nuôi ao là 0,2ha, đối với nuôi trong ruộng lúa là 0,5ha, đối với nuôi đăng quầng là 0,5ha; thể tích tối thiểu đối với nuôi lồng bè là 20m3, đối với nuôi vèo là 15m3 được ngân sách hỗ trợ 50% giá giống mới, giống có giá trị kinh tế cao nhưng tối đa không quá 30 triệu đồng/hộ hoặc cơ sở. Danh mục các loài giống mới, giống có giá trị kinh tế cao được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hàng năm.

Các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ 1 lần khi đầu tư mới: Lồng bè nuôi thủy sản, đăng quầng nuôi thủy sản, vèo nuôi thủy sản,... Năm 2017, theo nhu cầu đăng ký của địa phương, tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ 20 tỉ đồng.

Riêng đối với nuôi tôm nước lợ vùng hạ, năm 2015, tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ mô hình đầu tư xây dựng ao lắng trong nuôi tôm nước lợ trên địa bàn các huyện vùng hạ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, một số tổ hợp tác nuôi tôm khó tiếp cận chính sách nên trong năm 2016, tỉnh sửa đổi, bổ sung một số nội dung của chính sách. Đến năm 2017, tỉnh ban hành Quyết định số 16/2017/QĐ-UBND, ngày 29/3/2017 (thay thế các quyết định năm 2015, năm 2016). Đối tượng hỗ trợ: Tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm nước lợ đầu tư xây dựng ao lắng.

Tỉnh hỗ trợ 40% chi phí đầu tư xây dựng ao lắng mới nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 70 triệu đồng/ha ao; hỗ trợ 40% chi phí đầu tư xây dựng ao lắng cải tạo nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 35 triệu đồng/ha ao lắng. Ngoài ra, tỉnh cũng ban hành quy định mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo Quyết định số 2879/QĐ-UBND, ngày 08/8/2017. Đối tượng hỗ trợ: Hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi thủy sản bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh./.

Huỳnh Phong-Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết