Tiếng Việt | English

16/09/2021 - 01:20

Vượt qua hoàn cảnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ

Hơn 12.000 cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dân quân trong toàn lực lượng vũ trang Long An đang “căng mình” trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Trong đó, không ít Bộ đội Cụ Hồ vượt qua hoàn cảnh, nén đau thương để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong khu cách ly, bệnh viện dã chiến, chốt kiểm soát,... vì sức khỏe nhân dân.

Dân quân Phạm Đỗ Hoài Nam mang cơm đến cho bệnh nhân

Thực hiện nhiệm vụ ở Bệnh viện dã chiến đặt tại Trường THPT Chuyên Long An, dân quân cơ động Phạm Đỗ Hoài Nam, Ban Chỉ huy Quân sự TP.Tân An, trực tiếp phục vụ bệnh nhân Covid-19. Gần 2 tháng qua, anh cùng đồng đội đảm nhận việc đưa cơm, mang hàng hóa, xịt khuẩn, thu gom, xử lý rác thải,... Nhiệm vụ nào anh cũng hoàn thành tốt, thậm chí còn chủ động chia sẻ công việc giúp đồng đội. Nhìn anh Hoài Nam lạc quan, vui vẻ, ít ai biết được, hoàn cảnh của anh rất khó khăn. Cha mẹ ly hôn, anh Nam và em trai sống cùng cha và bà nội đã 82 tuổi. Cha anh bị tai nạn giao thông ảnh hưởng đến thần kinh. Em trai đang đi học. Là trụ cột, lao động chính của gia đình nhưng khi dịch Covid-19 trên địa bàn bùng phát, dân quân Phạm Đỗ Hoài Nam tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch.

Trò chuyện với chúng tôi, anh chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình đơn chiếc, tôi cũng lo lắng nhưng cố gắng sắp xếp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp sức nhỏ của mình để đẩy lùi đại dịch”.

Còn Đại úy Trần Phước Hưng - Trợ lý Chính trị Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cần Đước, cũng có hoàn cảnh đơn chiếc, khó khăn. Hai vợ chồng đang ở nhà trọ. Khi tham gia chống dịch, anh gửi con nhỏ cho chủ nhà trọ chăm sóc giúp vì vợ cũng đang phục vụ tại bệnh viện dã chiến.

Hay Đại úy Đặng Quang Sung - Trợ lý tham mưu, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đức Huệ, đang lúc tăng cường đến huyện Đức Hòa thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 thì mẹ qua đời. Nén nỗi đau, Đại úy Sung chịu tang mẹ từ xa. Anh chia sẻ: “Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất người thân nhưng để giữ an toàn cho cha tuổi đã cao và gia đình, đồng thời, giữ an toàn cho người dân địa phương đang trong “vùng xanh”, tránh nguy cơ có thể lây nhiễm bệnh, tôi đành ở lại đây tiếp tục nhiệm vụ. Hơn nữa, nơi đây rất cần chúng tôi”.

Và cũng không ít gia đình cán bộ, chiến sĩ, dân quân có người thân nhiễm Covid-19, có vợ không may qua đời, con nhỏ vừa tròn 2 tháng tuổi nhưng vì nhiệm vụ nơi tuyến đầu, họ đành nén nỗi đau riêng.

Gian khổ, khó khăn, hiểm nguy không làm chùn bước mà vì sức khỏe toàn dân trong đại dịch, người chiến sĩ thầm lặng hy sinh, không toan tính thiệt hơn mà bản lĩnh, vững vàng trên “mặt trận” không tiếng súng./.

Vân Anh

Chia sẻ bài viết