Tiếng Việt | English

30/06/2022 - 10:36

Xây dựng thương hiệu: 'Điểm tựa' để nông sản phát triển bền vững

Thời gian qua, việc xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu sản phẩm được các cấp, các ngành, địa phương và chủ thể sản xuất quan tâm, chú trọng thực hiện. Đây được xem là “điểm tựa” để các sản phẩm hàng hóa của địa phương phát triển bền vững, tạo được niềm tin với người tiêu dùng.

Nâng tầm sản phẩm

Đối với mỗi doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, thương hiệu là một “tài sản” vô giá. Trong tình hình hội nhập kinh tế hiện nay, quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) không chỉ là tài sản vô hình được tạo dựng, tích lũy liên tục mà còn là công cụ pháp lý để bảo vệ, giúp cho hợp tác xã (HTX), tổ chức, DN khởi nghiệp kinh doanh trên thị trường trong và ngoài nước. Hơn thế nữa, gia nhập vào thị trường quốc tế đòi hỏi các DN phải tiếp cận với các quy định khắt khe về nhãn hiệu hàng hóa, xuất xứ sản phẩm, việc xây dựng một nhãn hiệu hàng hóa đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

Sở Công Thương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu tiêu thụ hàng hóa

Do đó, bên cạnh việc chú trọng sản xuất, kinh doanh hàng hóa chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để bảo vệ quyền lợi, an toàn sức khỏe của người tiêu dùng, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mang lại nhiều ý nghĩa kinh tế, giúp DN, cơ sở sản xuất đứng vững trên thị trường.

Bà Lê Thị Kiều Vân (thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) chia sẻ: “Một sản phẩm mang nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ mang đến cảm giác an toàn cho khách hàng khi lựa chọn, hạn chế tối đa các tình trạng làm giả, làm nhái, hàng kém chất lượng và thể hiện sự chuyên nghiệp, mức độ uy tín của nhà cung cấp. Chính vì thế, tôi thường dựa vào sự uy tín và nổi tiếng của sản phẩm để lựa chọn, quyết định mua sắm”.

Nắm rõ được ưu điểm của việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của các sở, ngành và địa phương, thời gian qua, các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đăng ký bảo hộ cho nhiều sản phẩm. Thực tế cho thấy, từ khi được chứng nhận nhãn hiệu, nhiều sản phẩm tiếp tục khẳng định được lợi thế để vươn xa hơn trên thị trường. Nhiều hợp tác xã, cơ sở sản xuất, DN mở rộng quy mô, đầu tư thêm máy móc, thiết bị và có những giải pháp trong quảng bá, nâng cao vị thế sản phẩm như Công ty TNHH Huy Long An (xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ), Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Mỹ Thạnh (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa), HTX Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê, huyện Cần Đước),...

Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - Hồ Thị Diệp Thúy, nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu tập thể (NHTT) trên thị trường, thời gian qua, Sở KH&CN hỗ trợ cho các Hiệp hội, HTX xác lập quyền sở hữu NHTT. Qua đó, các Hiệp hội, HTX được hỗ trợ về thiết kế mẫu nhãn hiệu; tra cứu nhãn hiệu; xây dựng quy chế sử dụng NHTT; nộp đơn, theo đuổi đơn NHTT tại Cục SHTT, chờ Cục SHTT xem xét, thẩm định và cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu.

Số lượng NHTT đăng ký tại Cục SHTT tăng lên theo hàng năm. Với sự quan tâm của UBND tỉnh và Sở KH&CN, tính đến nay, có 92 đơn NHTT của Long An đã được nộp tại Cục SHTT theo chương trình, kế hoạch hỗ trợ của Sở KH&CN, trong số đó có 84 NHTT đã được cấp văn bằng bảo hộ, 8 đơn NHTT còn lại đang được Cục SHTT xem xét, thẩm định.

Để tạo thuận lợi cho các HTX, DN, cơ sở sản xuất trong quá trình xác lập bảo hộ quyền SHTT, tiến tới xây dựng thương hiệu, nâng tầm sản phẩm, Sở KH&CN tiếp tục triển khai, thực hiện Kế hoạch số 274/KH-SKHCN, ngày 19/3/2021 về thực hiện hỗ trợ xác lập, bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm sáng tạo và nhãn hiệu tập thể trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỉnh có thêm 30 - 50 sản phẩm bảo đảm hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền SHTT tại Cục SHTT và được cấp Giấy chứng nhận; hướng dẫn, hỗ trợ đăng ký quyền SHTT cho các tổ chức, cá nhân có sản phẩm sáng tạo về KH&CN trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch hỗ trợ việc quản lý, khai thác và phát triển hiệu quả các nhãn hiệu có tiềm năng của tỉnh;...

Đẩy mạnh phát triển thương hiệu sản phẩm

Long An có nhiều sản phẩm đặc trưng địa phương, nhất là các sản phẩm thế mạnh từ nông nghiệp. Những năm qua, việc xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu sản phẩm ngày càng được các địa phương, các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh chú trọng, quan tâm. Đây được xem “điểm tựa” để các sản phẩm hàng hóa của địa phương phát triển bền vững và tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng.

Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mang lại nhiều ý nghĩa kinh tế, giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đứng vững trên thị trường

Với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng nông sản sạch, chất lượng và an toàn sức khỏe, sau gần 4 năm thành lập và đi vào hoạt động, đến nay, HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh đã có chỗ đứng trên thị trường. Các sản phẩm rau, củ, quả đạt chuẩn VietGAP mang nhãn hiệu HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh ngày càng tạo dựng được niềm tin, uy tín đối với người tiêu dùng. Hiện HTX ký kết nhiều hợp đồng với Co.opmart: Bến Lức, Tân An, Mỹ Tho, Cai Lậy, Bến Tre, Vĩnh Long và các công ty nông sản tại TP.HCM.

“Việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm giúp HTX phát triển bền vững, có thể xúc tiến bán hàng qua nhiều kênh khác nhau để ngày càng tiến xa trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Từ đó, các thành viên HTX phấn khởi, yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất” - Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh - Nguyễn Quốc Cường chia sẻ.

Nhằm hỗ trợ DN kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, Sở Công Thương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh kết nối với hệ thống bán lẻ, siêu thị, phân phối, điểm dừng chân,... Qua đó, giúp các đơn vị xây dựng mối liên kết trong đầu tư sản xuất, cung ứng tiêu thụ sản phẩm và phát triển thương mại.

Các sản phẩm rau, củ, quả đạt chuẩn VietGAP mang nhãn hiệu Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh ngày càng tạo dựng được niềm tin, uy tín đối với người tiêu dùng

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cho biết: “Hiện Sở triển khai hỗ trợ 12 đơn vị xây dựng thương hiệu trực tuyến. Thời gian tới, Sở tiếp tục hỗ trợ để đưa các sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử; tăng cường tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức về thương mại điện tử, thương mại trên môi trường số; phối hợp Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước để đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ trực tuyến với các thị trường: Úc, Hà Lan, Ý, Đức, Ấn Độ,... Ngoài ra, Sở cũng đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh; hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản chế biến như trái cây sấy giòn, rượu thanh long, thanh long sấy dẻo, bột thanh long hòa tan,…”.

Việc xây dựng, duy trì, phát triển sản phẩm; quản lý chất lượng sản phẩm; quảng bá thương hiệu đóng vai trò quan trọng, là nền tảng, động lực để đưa sản phẩm nông sản của tỉnh trở thành thương hiệu mạnh. Qua đó, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp người tiêu dùng hài lòng, tin tưởng để lựa chọn và ưu tiên sử dụng sản phẩm có thương hiệu; là cầu nối cho việc xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường tiêu thụ ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh./.

Việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm giúp HTX phát triển bền vững, có thể xúc tiến bán hàng qua nhiều kênh khác nhau để ngày càng tiến xa thị trường trong và ngoài tỉnh. Từ đó, các thành viên HTX phấn khởi, yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất”.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh - Nguyễn Quốc Cường

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích