
Người dân ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp
Về các địa phương của huyện Châu Thành - huyện đầu tiên đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao của tỉnh để cảm nhận sự đổi thay của vùng quê. Sâu tận trong xóm, ấp, những cung đường được nhựa hóa, bêtông hóa trải dài. Hai bên đường được trồng nhiều loại hoa, nhiều nhất là hoàng yến, chiều tím với những sắc màu rực rỡ làm cho con đường thêm thơ mộng. Xen lẫn trong những ruộng thanh long xanh bạt ngàn là những ngôi nhà mới khang trang, minh chứng cho sự no ấm của một vùng quê. Người dân luôn ý thức chung tay gìn giữ vệ sinh môi trường, tích cực trồng cây xanh, hoa, tạo điểm nhấn cho ngôi nhà thêm đẹp.
Từ khi thực hiện xây dựng huyện NTM nâng cao, người dân luôn đồng tình, đồng thuận hiến đất, đóng góp tiền, ngày công để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, công trình nước sạch và tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Tổng nguồn lực huyện Châu Thành huy động giai đoạn 2021-2025 gần 650 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 48,7 tỉ đồng, ngân sách tỉnh 92,5 tỉ đồng, huyện 448,6 tỉ đồng, xã 27,2 tỉ đồng và nguồn huy động từ nhân dân hơn 32,1 tỉ đồng.
“So với trước đây, đời sống ở vùng quê này thay đổi nhiều lắm! Nhờ thanh long, nhiều gia đình có cuộc sống ổn định hơn. Ở đây, tất cả công trình về hạ tầng đều được người dân đồng lòng, chung sức xây dựng,... Bên cạnh đó, chúng tôi còn tham gia nhiều mô hình như tuyến đường hoa, sáng, xanh, sạch, đẹp,...” - chị Nguyễn Thị Hà, ngụ ấp Thanh Hòa, xã Thanh Phú Long, cho biết.

Đường giao thông nông thôn trong tỉnh được nâng cấp có sự chung tay, góp sức của người dân
Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, dưới sự hướng dẫn của chính quyền và các đoàn thể, người dân đã dần thay đổi tư duy, áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao thu nhập. Những mô hình kinh tế mới, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên cây thanh long, cây rau, lúa và trong chăn nuôi,... được nhân rộng.
Cùng với phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng cũng được tỉnh chú trọng và nhận được sự vào cuộc hưởng ứng từ người dân. Hầu hết những công trình giao thông nông thôn ở các địa phương trong tỉnh đều thực hiện theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.
Năm 2024, toàn tỉnh huy động được hơn 86.600 tỉ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, bao gồm vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ; ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án; vốn tín dụng; vốn huy động từ doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Hưởng ứng các phong trào thi đua do địa phương phát động, trong đó có chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, gia đình chị Huỳnh Thị Cho (ấp Kênh Nhà Thờ, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) cùng nhau thực hiện. Chị cho hay, khi xã vận động được nhà hảo tâm tài trợ kinh phí xây cầu nông thôn trong ấp, chị bàn với các thành viên trong gia đình nấu cơm cho thợ và tổ chức ăn tại nhà chị. Một mình chị vừa quán xuyến việc nhà, vừa tất bật nấu những phần ăn cho thợ làm cầu.
“Cực hơn nhưng mà vui, mình giúp được gì thì giúp để đỡ phần nào chi phí làm cầu cho người dân đi lại. Thỉnh thoảng, chồng và con gái cũng hỗ trợ” - chị Cho chia sẻ.
Bên cạnh đó, vợ chồng chị còn tích cực tham gia vận động xã hội hóa, tặng quà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn ấp; vận động các hộ dân tham gia làm đê bao lửng;...
Từ sự chung tay, góp sức của người dân, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc. Các tuyến đường trục xã, ấp, ngõ xóm đều được mở rộng, nhựa hóa và bêtông hóa, bảo đảm giao thông thuận lợi, thông suốt giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng. Hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ, góp phần bảo đảm tưới tiêu trong nông nghiệp. Trường học được xây dựng khang trang, đáp ứng và phục vụ tốt việc học tập của học sinh,...
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út, Long An bắt đầu chương trình xây dựng NTM từ năm 2010. Đến tháng 7/2014, trên địa bàn tỉnh có 8 xã đạt chuẩn NTM và đến tháng 02/2020, Châu Thành là huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn huyện NTM.
Sau gần 15 năm thực hiện, với sự tập trung chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự chung sức, đồng lòng của người dân, đến nay, toàn tỉnh có 141/160 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 52 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Cấp huyện có 5/15 đơn vị đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (gồm: Huyện Châu Thành, Tân Trụ, Cần Giuộc, TP.Tân An và thị xã Kiến Tường), có 1 huyện là Châu Thành được công nhận huyện NTM nâng cao. Các chỉ tiêu này hoàn toàn có thể thực hiện được, bởi Long An đang phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân, sự đồng thuận, ủng hộ từ nhân dân./.
Thanh Nga