Tiếng Việt | English

27/07/2016 - 19:47

Xét tuyển đại học, cao đẳng 2016:​ Dự kiến điểm sàn sẽ giảm

Theo thông tin Bộ GD-ĐT vừa công bố, năm nay, phổ điểm 3 khối thi D, D1 và C có điểm trung bình dưới 15 điểm.

Căn cứ vào phổ điểm các môn thi và phổ điểm 6 khối thi truyền thống mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, điểm sàn đại học năm nay có thể giảm nhẹ, đặc biệt là với các tổ hợp thi có môn tiếng Anh, Lịch sử.

Phổ điểm trung bình các khối thi có môn tiếng Anh rất thấp.

Theo thông tin Bộ GD-ĐT vừa công bố, năm nay, phổ điểm 3 khối thi D, D1 và C có điểm trung bình dưới 15 điểm. Riêng phổ điểm trung bình các khối thi có môn tiếng Anh rất thấp, chỉ dao động từ 12 đến 13,5 điểm. Trong khi đó, các khối thi A, A1 và B có phổ điểm trung bình khá cao.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó phòng Tuyển sinh, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cho rằng, mức phổ điểm năm nay nhìn chung giảm nhẹ so với kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2015 do đề thi phân hóa rõ ràng hơn.

Vì vậy, ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào hay còn gọi là điểm sàn của năm 2016 dự kiến sẽ không biến động nhiều: “Với phổ điểm và lượng thí sinh dự thi tại các cụm thi đại học năm nay giảm hơn năm ngoái, điểm sàn năm nay dự kiến có thể bằng mức của năm ngoái hoặc giảm hơn. Tức là dao động từ 14 đến 15 điểm để đảm bảo được yếu tố chất lượng đầu vào.”.

Trong khi đó, căn cứ vào phổ điểm, Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Nông Lâm TP HCM nhận định, điểm sàn các tổ hợp thi có môn Ngoại ngữ và Lịch sử năm 2016 sẽ giảm so với năm 2015, còn điểm sàn các khối A, B có thể giữ nguyên: “Điểm thi Ngoại ngữ năm nay rất thấp. Có đến 60% bài thi môn này chưa đạt được điểm 3. Điểm thi môn Lịch sử năm nay cũng khá thấp. Căn cứ vào thực tế này, về mặt logic thì điểm sàn của các tổ hợp thi năm nay có liên quan đến Ngoại ngữ và môn Lịch sử rất có khả năng sẽ giảm so với năm 2015”.

Phổ điểm thấp sẽ tác động đến điểm chuẩn dự kiến của các trường. Nếu như năm 2015, điểm trúng tuyển bậc đại học của Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố dao động từ 17 đến 21 điểm thì năm nay, ngưỡng điểm trúng tuyển dự kiến chỉ dao động từ 16 đến 19 điểm.

Đặc biệt, ngưỡng điểm nhận hồ sơ một số ngành mới của trường này có thể chỉ bằng mức điểm sàn. Tương tự, điểm chuẩn dự kiến của Trường Đại học Bách khoa TP HCM năm nay cũng sẽ giảm theo mặt bằng chung.

Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường nói: “Năm nay, điểm xét tuyển của các trường đại học dự kiến sẽ giảm nhẹ so với năm 2015. Riêng Trường Đại học Bách khoa Thành phố dự kiến điểm trúng tuyển có thể giảm từ 0,5 điểm đến 1,5 điểm tùy ngành”.

Theo Thạc sĩ Trần Văn Châu, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm TP HCM, việc phổ điểm môn tiếng Anh năm nay thấp cũng ảnh hưởng đến điểm chuẩn dự kiến của trường. Năm 2015, ngành Ngôn ngữ Anh của trường này có điểm chuẩn đầu vào là 30 điểm với cách tính nhân đôi điểm số môn tiếng Anh.

Năm nay, dự kiến điểm chuẩn ngành này sẽ giảm nhưng không nhiều. Vì thế, Thạc sĩ Trần Văn Châu khuyên các thí sinh cần tính toán thật kỹ điểm số và có sự so sánh điểm chuẩn trước khi quyết định đăng ký xét tuyển: “Các thí sinh phải cân nhắc kỹ lưỡng để chọn được ngành học yêu thích. Thí sinh cần lưu ý điểm của các ngành học tại các trường có nhân điểm hệ số. Theo đó, môn thi chính sẽ quyết định rất nhiều đến thứ hạng trúng tuyển của thí sinh.”.

Ngày mai (28/7), dự kiến Bộ GD-ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với bậc đại học. Mức phổ điểm và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ là cơ sở để thí sinh tính toán khả năng trúng tuyển trước khi quyết định nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường./.

Mỹ Dung/VOV

Chia sẻ bài viết