Vì sao truyền thông được xem là quyền lực thứ tư?
Sau các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp thì truyền thông được xem là “quyền lực thứ tư”, bởi mặc dù không có quyền lực riêng để thay đổi chính sách hoặc xử phạt nhưng qua những bài báo được phản ánh giúp cơ quan chức năng vào cuộc xử lý những vấn đề vi phạm trên mọi lĩnh vực. Qua đó, góp phần mang lại công bằng xã hội. Thật vậy, thời gian qua, báo chí đã góp phần làm sáng tỏ một số vụ việc tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm việc sai trái và nhiều vụ việc bức xúc của xã hội lần lượt được đưa ra “ánh sáng”. Qua báo chí, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương điển hình tiên tiến được nhân rộng, góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Và những người làm báo đã sử dụng “quyền lực” của mình góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Lệ Hằng
Nghề báo
Nghề báo là tên bộ phim truyền hình mà tôi yêu thích. Ngày đó, tôi mới vào tiểu học, khi có bộ phim nói về nghề của cha mình nên tôi rất hứng thú. Trong phim, tôi thích nhất là Thúy Bình - nữ nhà báo chính trực, liêm khiết, phải vượt qua bao khó khăn để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa giữ gìn hạnh phúc gia đình. Nghề nào cũng có những vất vả riêng nhưng với nghề báo vừa vất vả lại vừa đối mặt với nguy hiểm khi phải tìm hiểu những vấn đề “nhạy cảm”, phản ánh những “mảng tối” của xã hội. Qua bộ phim, tôi hiểu hơn về nghề báo, nghề mà cha tôi đã theo đuổi hơn 30 năm nay. Càng tìm hiểu, tôi thấy mình càng yêu nghề báo, nghề vinh quang nhưng cũng đầy vất vả. Và hành trang tôi mang theo để bước vào tương lai có cả ước mơ được học ngành Báo chí.
Hoàng Trang
Chuyện của phóng viên
Từ nhỏ, tôi đã yêu nghề báo. Tôi thích viết, thích phản ánh những gì xảy ra xung quanh mình. Năm lớp 6, cô giáo chủ nhiệm nhận xét “có vẻ em thích hợp với nghề báo”. Thế là từ đó, tôi tìm hiểu và yêu nghề này lúc nào không biết. Cạnh nhà tôi có một chị là phóng viên. Thế là, thông qua chị, tôi làm quen được với một số anh chị phóng viên khác và được biết nghề báo là nghề đặc thù, rất thú vị. Nếu làm văn phòng phải ngày 8 tiếng tại nơi làm việc thì các anh chị phóng viên tự do lắm, có thể làm việc bất cứ nơi đâu, từ quán cà phê, tại hội nghị, có khi là tác nghiệp tại vùng sâu, vùng xa,… Nơi nào có sự việc là có mặt phóng viên. Các anh chị không ngại trời mưa hay nắng, không ngại đường xa, khi có tin nóng là phóng viên lại khoác ba lô lên đi và viết… Những đề tài của họ cũng rất phong phú, cả về chính trị, văn hóa, xã hội. Dưới ngòi bút của phóng viên, những vụ tiêu cực được phanh phui, một số vụ tham nhũng, làm trái quy định pháp luật bị xử lý. Nghề báo là nghề vất vả nhưng cũng đầy đam mê và nó luôn có sức hút mãnh liệt với tôi./.
Bảo Long