Bài 3: Đại dịch sẽ qua đi, tình người còn ở lại
Dịch Covid-19 bùng phát, cuộc sống của người nghèo, người thuộc diện bảo trợ xã hội, lao động tự do,... bị ảnh hưởng nhiều. Trong lúc hoạn nạn, khó khăn ấy, nghĩa đồng bào, tình người ấm áp một lần nữa được nhân lên, lan tỏa qua những hành động sẻ chia, việc làm tử tế.
Y, bác sĩ ngày đêm bảo vệ sức khỏe người dân trong mùa dịch Covid-19
Hành động đẹp mỗi ngày
Một ngày của nhóm bạn trẻ ở huyện Đức Hòa có nhiều thay đổi từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Từ sớm tinh mơ, bạn Nguyễn Tuyền Thùy Trang, ngụ xã Hòa Khánh Tây, đã thức giấc để đến trực tại khu cách ly tập trung đặt tại Trường THCS Hậu Nghĩa, cùng 2 thành viên khác.
Công việc đó được Trang duy trì đều đặn khoảng 2 tháng nay. Hết chốt này đến chốt khác, dưới cái nắng như thiêu đốt, nhóm của Trang vẫn nhiệt tình làm việc đến 18 giờ, tất cả các ngày trong tuần. Công việc cũng tiềm ẩn rủi ro nhưng nhóm vẫn hết lòng hỗ trợ người cách ly, người thân, các đoàn đến khai báo y tế, vận chuyển thực phẩm, dụng cụ y tế vào khu cách ly.
Nguyễn Tuyền Thùy Trang (bìa phải) tình nguyện tham gia hỗ trợ khu cách ly tập trung tại Trường THCS Hậu Nghĩa
Xuyên suốt mùa dịch, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh luôn tình nguyện đến nhận nhiệm vụ ở các tuyến đầu chống dịch và tích cực vận động các nguồn lực để “tiếp sức” người có hoàn cảnh khó khăn, các khu cách ly, chốt kiểm soát phòng, chống dịch trong tỉnh, nhất là ở các khu vực biên giới. Đến nay, tổng nguồn lực vận động hỗ trợ các hoạt động phòng, chống dịch do Đoàn Thanh niên các cấp thực hiện là hơn 7 tỉ đồng. Trong đó, Tỉnh đoàn hỗ trợ công tác phòng, chống dịch cho lực lượng cán bộ, chiến sĩ, bộ đội biên phòng tuyến đầu với kinh phí trên 3,5 tỉ đồng”.
Bí thư Tỉnh đoàn - Võ Trần Tuấn Thanh
|
Trang là sinh viên năm thứ 3 ngành Luật, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Những ngày này, ngoài thời gian học online vào buổi tối, Trang đăng ký tham gia đội hình thanh niên tình nguyện phòng, chống dịch Covid-19 huyện Đức Hòa. “Mình mong được góp sức cùng tỉnh đẩy lùi dịch bệnh. Nếu ai cũng sợ thì ai sẽ đi chống dịch. So với nhân viên y tế phải chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, công việc của mình ít nguy hiểm hơn” - Trang nói.
Bí thư Huyện đoàn Đức Hòa - Nguyễn Thị Tú Trinh cho biết, thông qua các hội, nhóm, đặc biệt là Fanpage Tuổi trẻ Đức Hòa, đã huy động được đoàn viên, thanh niên cùng tham gia “cuộc chiến” chống dịch. Trong đó, hành trình “San sẻ yêu thương - chung tay vượt qua đại dịch” nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các bạn trẻ. Nhiều bạn khi thấy hoạt động ý nghĩa đã tình nguyện gác lại việc riêng, đăng ký tham gia làm tình nguyện viên hỗ trợ công tác phòng, chống dịch (hiện nay có hơn 200 tình nguyện viên).
Dù nắng hay mưa, các bạn đều không ngại khó, hỗ trợ “chuyến xe đồng hành” mang nhu yếu phẩm, vật tư y tế,… đến cho khu cách ly, lực lượng phòng, chống dịch. Hay đó còn là hình ảnh những màu áo xanh tình nguyện đi tiếp tế lương thực cho những công nhân ở trọ bị cách ly trong mùa dịch; hỗ trợ các tổ kiểm tra phòng, chống dịch Covid-19, trực ở chốt cả ngày lẫn đêm,… Những chuyến xe chở đầy ắp lương thực, dụng cụ y tế,… đến với các chốt, khu cách ly, người có hoàn cảnh khó khăn sẽ là những hình ảnh khó phai mờ đối với người dân về màu áo xanh tình nguyện.
Vững vàng trên “mặt trận không tiếng súng”
Từ khi phường 1, TP.Tân An có khu vực phong tỏa tạm tời, Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự phường 1 - Võ Đăng Duy cùng các đồng đội chia ca túc trực. Chẳng quản ngày, đêm, thời tiết khắc nghiệt, lực lượng vẫn bám chốt vì sự bình yên của người dân. Anh Duy đang trực tại khu vực hẻm 102, đường Thủ Khoa Huân, phường 1, bên trong có khoảng 10 hộ dân.
Anh Võ Đăng Duy hỗ trợ phân chia thực phẩm
Theo anh Duy, ngoài nhiệm vụ trực chốt, không để ai ra, vào khu vực, lực lượng trực còn làm nhiệm vụ tiếp nhận hàng hóa hoặc mua các nhu yếu phẩm giúp các hộ dân. Song, để bảo đảm an toàn, mỗi khi tiếp nhận hàng hóa từ bên ngoài vào khu vực phong tỏa, anh Duy thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, các y, bác sĩ luôn mặc bộ đồ bảo hộ kín mít. Nếu những bệnh nhân điều trị nội trú thông thường được kèm người nhà chăm sóc thì bệnh nhân Covid-19 chỉ có một mình. Vì thế, các y, bác sĩ vừa làm nhiệm vụ chuyên môn, vừa điều trị, vừa chăm sóc họ như người thân trong gia đình. Có bác sĩ tâm sự: “Chúng tôi đã quyết tâm “ra trận” thì không rời bỏ vị trí! Mỗi người một hoàn cảnh riêng nhưng khi xác định theo đuổi ngành Y là đồng nghĩa với việc chấp nhận hy sinh để cống hiến”.
Dẫu cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt còn khó khăn, thiếu thốn nhưng lực lượng bán chuyên trách ở các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đồng hành, hỗ trợ các chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch.
Cơn mưa rả rích kéo dài khiến công việc gác ca đêm của lực lượng trực chốt kiểm soát phong tỏa tại hẻm ấp 1A, xã An Thạnh, huyện Bến Lức, thêm phần khó khăn. Sau khi hỗ trợ đồng đội gia cố một số vật dụng, anh Nguyễn Minh Khoa - công an viên xã An Thạnh, ăn vội bữa tối mặc cho áo quần ướt sũng chưa kịp thay.
Anh Nguyễn Minh Khoa (bìa phải) vừa tham gia trực chốt tại xã An Thạnh, vừa hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm cho người dân trong khu phong tỏa ấp 1A
Ngày 29/6/2021, một hộ gia đình có 5 người tại ấp 1, xã An Thạnh dương tính với SARS-CoV-2. Chốt kiểm soát khẩn trương được dựng lên bằng rạp nhỏ tại con hẻm nhỏ, bên trong khu phong tỏa có 29 hộ, 2 nhà trọ với hơn 100 nhân khẩu. Anh Khoa cùng đồng đội được phân công đến trực tại chốt. Mỗi ngày sẽ có 2 ca trực, ca ngày bắt đầu từ 6 giờ đến 18 giờ, ca đêm tiếp tục từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.
Buổi chiều, nắng rọi thẳng vào chốt, lực lượng làm nhiệm vụ mồ hôi nhễ nhại. Khi trời bất chợt mưa lớn, anh Khoa và đồng đội vẫn kiên trì bám chốt làm tròn nhiệm vụ. Vất vả là vậy nhưng cán bộ, chiến sĩ vòng ngoài luôn hết mình để bảo đảm sự an toàn cho những người trong khu phong tỏa. Anh Khoa chia sẻ: “Ấm lòng nhất là sự quan tâm của chính quyền các cấp, đồng đội từ Công an huyện. Hầu như đêm nào, anh em ở đơn vị cũng hỗ trợ những suất ăn khuya nóng hổi cho chúng tôi”.
Ngoài nhiệm vụ của công an viên, anh Khoa còn là Phó Bí thư Đoàn xã An Thạnh. Hầu như nhận nhiệm vụ nào, anh đều làm “tròn vai”. Là địa bàn có các công ty, xí nghiệp nên lượng người nhập cư đông. Hết tham gia chốt kiểm soát phong tỏa, anh Khoa tiếp tục làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát phương tiện trên cao tốc, hỗ trợ truy vết, tham gia tiếp tế lương thực,… “Dịch bệnh nguy hiểm nhưng so với những “chiến sĩ áo trắng”, mình không vất vả nhiều” - anh Khoa tâm sự. Vợ là giáo viên, những ngày này, thay anh chăm lo gia đình để chồng toàn tâm lo chuyện xã hội. Có con nhỏ nên anh cũng hết sức cẩn thận. Nhiều hôm đi trực về, nhớ con nhưng anh chỉ đứng ở xa để nhìn rồi lại lẳng lặng đi làm nhiệm vụ./.
(còn tiếp)
Nhóm PV