Nhiều khu công nghiệp được thành lập, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương
Thu hút đầu tư
Kế hoạch hợp tác KT-XH giữa tỉnh Long An và TP.HCM được ký kết vào giữa năm 2007. Hàng năm, hầu hết các nội dung ký kết hợp tác được các ngành, đơn vị, doanh nghiệp của 2 địa phương thực hiện hiệu quả. Nổi bật là chương trình hợp tác trên lĩnh vực công nghiệp và giao thông.
Hiện ngành công nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển nhanh, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tính đến nay, toàn tỉnh có 31 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch phát triển các KCN tại Việt Nam năm 2015 và định hướng đến năm 2020, với tổng diện tích trên 11.300ha.
Toàn tỉnh hiện có 16 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích quy hoạch trên 3.700ha, lấp đầy đạt 85,95%; 12 KCN chưa đi vào hoạt động (tổng diện tích trên 5.000ha). Về tình hình thu hút đầu tư vào các KCN, tính đến tháng 10-2019, tổng vốn đầu tư FDI 345,35 triệu USD, tăng 23,69 triệu USD (tương đương 7,36%); tổng vốn đầu tư DDI 7.294,32 tỉ đồng, giảm 1.271,66 tỉ đồng (tương đương 14,85%). Mặc dù số lượng dự án đầu tư vào các KCN tăng nhưng diện tích đất công nghiệp cho thuê giảm so cùng kỳ.
Đến năm 2020, tỉnh được quy hoạch 62 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích trên 3.100ha. Đến nay, toàn tỉnh có 21/62 CCN đi vào hoạt động với tổng diện tích trên 1.000ha. Các CCN hoạt động thu hút được 544 dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn đăng ký trên 15.600 tỉ đồng; trong đó có 60 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư 209,6 triệu USD. Tổng diện tích đất cho thuê của CCN đang hoạt động là 586,65ha, lấp đầy 86,55%. Hoạt động kinh doanh hạ tầng của các CCN này khá hiệu quả, tỷ lệ lấp đầy ở mức cao; nhiều CCN lấp đầy 100%.
Nhiều khu công nghiệp được thành lập, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương
Khu kinh tế cửa khẩu Long An bao gồm một phần thị xã Kiến Tường, huyện Mộc Hóa và Vĩnh Hưng kết nối Khu kinh tế cửa khẩu hiện tại chỉ có duy nhất tuyến Quốc lộ (QL) 62 và một phần QLN2. Tuy nhiên, tuyến đường này chưa đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng. Bên cạnh đó, khi triển khai Hiệp định Liên vận qua cặp cửa khẩu Bình Hiệp - PrayVo năm 2019, lượng xe lưu thông trên tuyến đường sẽ tăng, trong khi đường ngày càng xuống cấp. Long An mong Chính phủ sớm triển khai đầu tư QL62, QLN2 để thu hút đầu tư và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Long An trong thời gian tới.
Về phát triển hạ tầng điện, đến nay, toàn tỉnh có 100% xã, phường có điện lưới quốc gia. Số hộ có điện sử dụng đạt 99,93% (trong đó hộ có điện ở nông thôn là 99,91%). Về phát triển điện năng lượng mặt trời, đến nay, tỉnh thu hút được 18 dự án đầu tư trên địa bàn các huyện: Đức Huệ, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Đức Hòa và Mộc Hóa.
Kết nối giao thông để phát triển
Hệ thống đường tỉnh gồm 63 tuyến với tổng chiều dài gần 960km. Số lượng cầu trên đường tỉnh được giao quản lý là 335 cây cầu. Đường thủy nội địa quản lý 31 tuyến, luồng với tổng chiều dài 569,65km với cấp sông, kênh loại 4 và loại 5.
Long An thực hiện nhiều giải pháp đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, bền vững
Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần, thời gian qua, Long An thực hiện nhiều giải pháp đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, bền vững. Đặc biệt, Long An và TP.HCM phối hợp thực hiện đầu tư nhiều tuyến đường, cầu như Đường tỉnh 823, 824, 825; Hương lộ 12, huyện Cần Giuộc kết nối Hương lộ 34, huyện Nhà Bè. Ngoài ra, còn có các công trình hạ tầng giao thông kết nối quan trọng như cao tốc TP.HCM - Trung Lương, sắp tới là cao tốc Bến Lức - Long Thành,... Phát huy những kết quả, tỉnh tăng cường kết nối giao thông - vận tải với TP.HCM nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, đặc biệt là xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Công trình Trục động lực kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang hiện Bộ Giao thông Vận tải có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đưa dự án này vào quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, quy hoạch phát triển giao thông vận tải Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo Quyết định số 2055/QĐ-TTg, ngày 23/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tỉnh giao Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn lập quy hoạch xây dựng 2 bên tuyến đường, dự kiến năm 2020 hoàn chỉnh công tác lập quy hoạch, khởi công vào năm 2021 và hoàn thành trong nhiệm kỳ 2021-2025.
Về Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh gồm 12 công trình, đến nay hoàn thành 7 công trình. Đối với công trình trục động lực Hậu Nghĩa - Đức Hòa - TP.HCM, hiện Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát - Công ty TNHH Đầu tư đô thị mới Đức Hòa được UBND tỉnh đồng ý cho lập quy hoạch xây dựng xung quanh tuyến đường Đức Hòa - Hậu Nghĩa và trục động lực Đức Hòa - TP.HCM, sau đó bàn giao cho tỉnh để triển khai các bước đầu tư dự án.
Song song với những kết quả trên lĩnh vực công nghiệp và giao thông, Long An và TP.HCM còn thực hiện nhiều hoạt động liên kết trên các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường,... và đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH của 2 địa phương./.
"Từ năm 2007 đến nay, Long An và TP.HCM ký kết nhiều chương trình thỏa thuận hợp tác, cùng phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là phối hợp kêu gọi, thu hút đầu tư từ TP.HCM vào các khu, cụm công nghiệp tại Long An. Đồng thời, tập trung huy động mọi nguồn lực để quy hoạch, đầu tư các tuyến đường giao thông trọng điểm kết nối giữa TP.HCM và Long An nhằm bảo đảm lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa 2 địa phương và thúc đẩy liên kết vùng, phát triển đô thị".
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh
|
Quang Nguyên