Tiếng Việt | English

29/08/2017 - 13:45

Tân Hưng: Nhiều vấn đề rút ra trong xây dựng nông thôn mới

So với trước đây thì việc đi lại, giao thương, vận chuyển nông sản trên địa bàn huyện Tân Hưng, tỉnh Long An thuận tiện hơn nhiều.

Dù chỉ có 2 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), song qua rà soát các tiêu chí (TC) theo Quyết định số 1243 của UBND tỉnh về việc ban hành Bộ TC xã NTM của tỉnh đến năm 2020 thì hiện, 2 xã này chỉ còn đạt 14/19 TC. Qua đó, Tân Hưng rút ra nhiều vấn đề trong xây dựng NTM.

Kết cấu hạ tầng tại một số xã trên địa bàn Tân Hưng được đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT-XH. Ảnh: PN

Chỉ chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng

Không thể phủ nhận 5 năm trở lại đây, kết cấu hạ tầng tại các xã được đầu tư. Nếu trước đây, ôtô không đến được trung tâm xã, cơ sở vật chất trường, lớp còn thiếu, thì nay, những tuyến đường nhựa, đường đal được mở rộng, hệ thống trường, lớp đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Bà Dương Thị Chuộng, ngụ ấp Thanh Trung, cho biết: “So với trước đây thì việc đi lại, giao thương, vận chuyển nông sản thuận tiện hơn rất nhiều. Hưng Thạnh được đầu tư tuyến đường nhựa nối từ trung tâm huyện về đến UBND xã. Học sinh được học tập trong những ngôi trường khang trang. Đó là một trong những kết quả nổi bật trong xây dựng xã NTM của xã”.

Dù được công nhận đạt chuẩn NTM, song với yêu cầu ngày một cao hơn, theo Quyết định 1243 của UBND tỉnh, qua rà soát, Hưng Thạnh chỉ còn đạt 14/19 TC. Tương tự, xã NTM Vĩnh Thạnh cũng bị “rớt” 5 TC.

Theo đánh giá của UBND huyện Tân Hưng, các địa phương vẫn còn mang nặng tư tưởng về xây dựng kết cấu hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức đối với các TC phát triển sản xuất, văn hóa, xã hội, môi trường, y tế và nhóm TC không đòi hỏi kinh phí hoặc ít sử dụng kinh phí.

Chưa phát huy hết sức mạnh từ nhân dân

Một trong những khó khăn trong quá trình xây dựng NTM mà huyện Tân Hưng gặp phải là chưa phát huy hết nguồn lực từ nhân dân khi công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng NTM tại một số nơi chưa được thực hiện đồng bộ.

Theo UBND huyện, qua đánh giá việc thực hiện xây dựng NTM của huyện từ đầu năm đến nay, nhu cầu kinh phí đầu tư, xây dựng các công trình, phần việc trong xây dựng NTM tại các xã rất lớn do xuất phát điểm thấp, kinh phí xây dựng một công trình thường cao hơn các địa phương khác, trong khi kinh phí của huyện còn khó khăn, chưa cân đối được ngân sách và việc huy động sức dân còn khó, đa phần người dân tham gia hiến đất để thực hiện các công trình.

Sản xuất nông nghiệp liên tục gặp khó khăn, dẫn đến khó huy động sức dân trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó do sự phối hợp của địa phương với cấp huyện còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ dẫn đến các cơ quan tham mưu của huyện gặp khó khăn trong công tác tham mưu giúp UBND huyện tháo gỡ, hỗ trợ các địa phương khi triển khai kế hoạch.

Nhưng có lẽ, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc huy động sức dân gặp khó khăn chính là kinh tế của người dân còn bấp bênh, nhiều vụ mùa liên tiếp sản xuất nông nghiệp hiệu quả không cao, tình trạng được mùa - rớt giá liên tục diễn ra khiến người nông dân không tích cực cùng chính quyền xây dựng NTM.

Theo ông Võ Văn Bờ - xã viên Hợp tác xã Gò Gòn, mặc dù đây là một trong những hợp tác xã hoạt động hiệu quả của khu vực Đồng Tháp Mười nhưng xã viên vẫn gặp khó trong quá trình tiêu thụ sản phẩm cũng như vẫn phải chịu cảnh “lép vế” trước thương lái, đơn vị thu mua nông sản trong mỗi kỳ thu hoạch. Người dân vẫn còn gặp khó khăn trong sản xuất nên ít tham gia cùng địa phương xây dựng NTM.

Theo thống kê của UBND huyện Tân Hưng, trong số 37 công trình, dự án cần đầu tư để hoàn thiện các TC NTM của các xã: Vĩnh Thạnh, Hưng Thạnh và Vĩnh Châu A với tổng mức đầu tư khoảng 141 tỉ đồng, cần huy động nguồn lực từ nhân dân đóng góp gần 15 tỉ đồng. Nhưng nếu không có các giải pháp để vực dậy sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống người dân thì việc huy động nguồn lực từ nhân dân rất khó thực hiện./.

K.Định-V.Đát

Chia sẻ bài viết