Tiếng Việt | English

07/04/2018 - 14:16

‘Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển mạng 5G từ bây giờ’

Cuối năm 2019, trên thế giới, mạng 5G sẽ được thương mại hóa. Do đó, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam bàn bạc, xây dựng chiến lược phát triển 5G.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: inform.tmforum.org)

Theo nhận định của ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào, Campuchia, vào cuối năm 2019, trên thế giới, mạng 5G sẽ được thương mại hóa. Do đó, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam bàn bạc, xây dựng chiến lược phát triển 5G.

Trả lời câu hỏi của phóng viên bên lề Hội thảo quốc tế 4G/5G 2018 do Hiệp hội Internet Việt Nam và IDG tổ chức, ông Nam cho biết Việt Nam đã ra mắt 4G chậm hơn các nước và không nên tiếp tục chậm hơn với 5G. Do đó, vào năm 2020 cần bắt đầu có những bước đi thích hợp. 

Vẫn theo ông Nam, việc chuyển đổi lên 5G ở Việt Nam sẽ khác từ 3G lên 4G. Nếu như “động lực” từ 3G lên 4G là đáp ứng nhu cầu truy cập trên smartphone thì 5G sẽ là những mô hình mới được tạo ra như y tế, chăm sóc sức khỏe, ôtô tự lái…

Trước câu hỏi Việt Nam mới triển khai 4G diện rộng vào năm 2017 mà đã nói tới 5G liệu có sớm hay không, lãnh đạo Qualcomm cho biết không bao giờ quá sớm để thực hiện quy hoạch. Bởi lẽ, việc làm sớm sẽ có những nền tảng cần thiết để có những bước đi hiệu quả.

Ông Mohamed Madkour, Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh Mạng Di động Toàn cầu của Huawei cho rằng, với việc các công nghệ và tiêu chuẩn 5G sớm được thiết lập, chúng ta sẽ thấy các hệ thống mạng 5G thương mại sẽ được triển khai rộng rãi trên toàn cầu vào năm 2020.

Theo vị lãnh đạo Huawei, cho dù cần có thời gian để phát triển các hệ thống mạng 5G, thì ngay từ bây giờ các nhà khai thác viễn thông tại Việt Nam có thể bắt đầu xây dựng các năng lực để hỗ trợ các dịch vụ 5G trong tương lai.

Ông Thiều Phương Nam (phải) cho rằng, Việt Nam cần có những bước đi thích hợp cho 5G. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Ở góc độ khác, mới đây Cơ quan anh ninh mạng châu Âu (ENISA) cho biết mạng di động 5G có tốc độ siêu nhanh sẽ kéo theo nguy cơ rất cao về an ninh mạng. Về vấn đề này, ông Sudeepto Roy, Phó Chủ tịch phụ trách Kỹ thuật của Qualcomm cho hay, thông thường, khi quy mô mạng mở rộng, tốc độ cao sẽ tương quan với mức độ an ninh bảo mật. 

Về phía mình, Qualcomm đưa an ninh bảo mật vào bốn cấp độ: phần cứng tin cậy; người dùng tin cậy (cả con người và máy móc); phần mềm và thiết kế mạng không dây tin cậy… để bảo đảm an toàn trước các mối đe dọa từ tin tặc…/.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích