Cây cối ở Hà Nội đổ ngổn ngang sau bão. (Ảnh: PHẠM TUẤN)
Cảnh báo nhiều nguy cơ lũ ở các sông nhỏ thuộc Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình
Tại phiên họp đánh giá tình hình sau bão do Thủ tướng Chính phủ chủ trì sáng 08/9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra dự báo từ ngày 08 và 09/9, hoàn lưu sau bão sẽ gây mưa lớn cho cả khu vực các đồng bằng, trung du và vùng núi phía Bắc, với lượng mưa trung bình 24 giờ có thể lên tới 100-150mm, có nơi có thể trên 200mm.
Nguy cơ cao xảy ra lũ trên các sông suối và lũ quét, sạt lở đất tại một số địa phương, nên cần đặc biệt lưu ý các sông nhỏ ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình lũ có thể lên mức báo động 2 đến báo động 3.
Ngoài ra là nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, thành phố và các tỉnh vùng Đồng bằng Bắc Bộ do mưa lớn, đặc biệt tại các tỉnh thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội.
Nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đối với các tỉnh: Quảng Ninh (12 huyện/thị xã), Lạng Sơn (11 huyện), Bắc Kạn (6 huyện), Thái Nguyên (9 huyện), Bắc Giang (8 huyện), Vĩnh Phúc (5 huyện), Hòa Bình (11 huyện), Phú Thọ (9 huyện), Tuyên Quang (6 huyện), Yên Bái (9 huyện), Sơn La (8 huyện), Lai Châu (3 huyện), Lào Cai (4 huyện), Thanh Hóa (10 huyện).
Cục Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng) cho biết đến 10h sáng 8-9, bão số 3 đã làm 14 người chết gồm: Quảng Ninh 4, Hà Nội 3, Hải Phòng 1, Hải Dương 1, Hòa Bình 4, Quân khu 3: 1, bị thương 167 người.
Hà Nội nâng mức báo động lũ
Sáng 08/9, ông Nguyễn Xuân Đại - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phó ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội - thông tin từ 9h30 sáng cùng ngày, Hà Nội nâng mức báo động lũ trên sông Bùi lên báo động II.
Mực nước trên sông Bùi tại trạm thủy văn Yên Duyệt trong sáng nay là 6,51m (mực nước báo động II là 6,50m).
Hà Nội lệnh cho huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức thi hành nghiêm chỉnh các quy định khi có lệnh báo động II.
Với mức báo động II trên sông Bùi, nguy cơ các huyện ngoại thành như Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai... sẽ bị ngập bởi nước lũ.
Do ảnh hưởng của bão số 3, lượng mưa tại Hà Nội từ 19h ngày 07/9 đến 7h sáng 08/9 phổ biến từ 48,5 - 166,3mm; cao nhất là 166,3mm tại trạm khí tượng Ba Vì.
Mực nước trên sông Tích tại Kim Quan vào sáng 08/9 đạt 7,65m, trên mực nước báo động II là 0,05m; mực nước các hồ chứa nước chính tại Hà Nội đang ở mức cao, nhiều hồ vượt ngưỡng tràn.
Ngay chiều nay Thủ tướng và các phó thủ tướng sẽ tới địa phương chỉ đạo khắc phục bão
Kết luận hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão Yagi - bão số 3 sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ngay sau hội nghị, ông và các Phó thủ tướng sẽ tiếp tục về các địa phương để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, ứng phó thiên tai sau bão.
Đánh giá bão số 3, Thủ tướng nói, đây là cơn bão có cường độ mạnh, tăng nhanh và mạnh nhất trong 30 năm qua, tăng cấp không theo quy luật, thời gian lưu bão trên đất liền dài hiếm có và diễn ra trên diện rộng. Mặc dù đã chủ động phương án, tuyên truyền nhưng thiệt hại vẫn rất lớn.
Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi chia sẻ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới các gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương có mất mát về người và tài sản do bão số 3.
Cùng với việc biểu dương Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng quân đội, công an và các lực lượng liên quan, người đứng đầu Chính phủ cũng cảm ơn nhân dân, doanh nghiệp đã cơ bản chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn và hỗ trợ, giúp đỡ nhau khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Thủ tướng yêu cầu nhiệm vụ sắp tới là cần tập trung cao độ cho việc cứu người, rà soát, tìm kiếm người mất tích; cứu chữa những người bị thương, nhất là những người bị thương nặng; lo hậu sự cho những người xấu số.
Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa; không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường, không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh.
Khắc phục các sự cố về điện, nước, viễn thông và các lĩnh vực khác để phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Thống kê thiệt hại chính xác, khách quan để có giải pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả, kịp thời. Tiếp tục ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún…/.
Theo tuoitre.vn
Nguồn: https://tuoitre.vn/14-nguoi-chet-167-nguoi-bi-thuong-do-bao-yagi-2024090811250004.htm