Tiếng Việt | English

06/10/2020 - 10:00

20 năm xây dựng đời sống văn hóa: Cây lành cho trái ngọt

Sau 20 năm triển khai thực hiện, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của tỉnh Long An đạt nhiều kết quả tích cực. Đời sống người dân được nâng lên, xây dựng gia đình ấm êm, hạnh phúc, xóm giềng gắn kết, xã, phường văn minh.

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, y tế,... (Trong ảnh: Trường học được đầu tư)

Ấp văn hóa tiêu biểu ở miền hạ

Ngồi trong căn nhà mới xây, chị Lê Thị Bé Nhỏ (ấp Ao Gòn, xã Tân Lân, huyện Cần Đước) thoăn thoắt tay đan giỏ. Từ khi không còn đủ sức khỏe đi bán hàng, nghề đan giỏ trở thành lựa chọn phù hợp của chị để nuôi các con ăn học. Nhà không có đất sản xuất, vợ chồng chị Bé Nhỏ cố gắng làm đủ mọi việc để có tiền lo cho con. Trước đây, chồng đi làm hồ, còn chị tần tảo với xe rau, củ nhỏ bán dọc theo nhiều ngả đường. Sau này, do sức khỏe ngày một kém, không thể đạp xe đi xa nữa, chị chuyển sang làm nghề đan giỏ nhựa. Chị Bé Nhỏ kể: “Tôi được xã hỗ trợ học nghề đan giỏ. Biết đan rồi, tôi nhận đan gia công, không buôn bán nữa. Nhờ vậy, tôi có thêm chút thời gian chăm sóc gia đình và làm việc khác. Chồng tôi cũng được giới thiệu đi làm công nhân, thu nhập ổn định và đỡ vất vả hơn”.

Nhờ được học nghề đan giỏ, chị Lê Thị Bé Nhỏ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, nuôi các con ăn học đến nơi, đến chốn

Để phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mang lại nhiều hiệu quả tích cực cần có sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, vai trò quản lý, chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự tham gia phối hợp của MTTQ và các đoàn thể trong việc thực hiện lồng ghép nội dung phong trào với các chương trình, dự án. Qua các phong trào quần chúng, phong trào thi đua, xuất hiện nhiều gương điển hình tiêu biểu, tác động tích cực đến phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Công tác xã hội hóa được đẩy mạnh cũng là một động lực mạnh mẽ giúp thúc đẩy sự phát triển phong trào”.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thị Thủy

Với sự nỗ lực của mình, vợ chồng chị Bé Nhỏ thoát nghèo, tạo dựng cuộc sống ổn định hơn. Con gái lớn của anh chị đã tốt nghiệp đại học, người con thứ 2 học năm thứ 4 đại học. Đó là niềm vui, niềm tự hào của gia đình chị. Đặc biệt, gia đình chị luôn ấm êm bởi bí quyết “cơm sôi bớt lửa” để cùng nhau chăm lo cho các con. Theo chị, sự làm gương của cha mẹ chính là điều quan trọng nhất cho con noi theo. Các con chị ngoài chăm lo việc học còn biết quan tâm, phụ giúp gia đình. Nhờ vậy, gia đình chị Bé Nhỏ được hàng xóm nhắc đến là một gia đình yên ấm và hòa nhã với xóm giềng.

Ông Võ Văn Hên - Trưởng ấp Ao Gòn, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, vui vẻ kể: “Ở ấp này, người dân rất thuận hòa, quan tâm lẫn nhau. Có việc gì không ổn là ban ấp, chi hội đều nắm bắt kịp thời”. Rồi ông nhắc tới câu chuyện cách đây không lâu, một thanh niên trong ấp có hành vi không tôn trọng, dọa bạo hành cha mẹ ruột. Chuyện nhanh chóng được hàng xóm báo lại với chính quyền địa phương. Ban ấp và các đoàn thể đã trực tiếp đến gặp gỡ, khuyên giải. Từ đó đến nay, trường hợp này không xảy ra nữa. Có thể nói, ở Ao Gòn, từ chuyện hàng xóm xích mích đến vợ chồng không hòa thuận đều được ban hòa giải ấp, các hội, đoàn thể nắm bắt và hòa giải từ khi mới chớm. Nhờ vậy, 20 năm nay, Ao Gòn luôn là ấp văn hóa tiêu biểu.

Tại ấp Ao Gòn, nhà văn hóa ấp hầu như mở cửa suốt ngày nên người dân thường xuyên lui tới. Mỗi chiều, ít thì 5-7 người, nhiều thì 20 người tập trung đến nhà văn hóa cùng nhau uống trà, đờn, hát. Chỉ là cây đờn thùng nhỏ, hát “chay” nhưng ngày nào cũng có người đến, như một thói quen. Trong những buổi đờn hát, chuyện trò ấy, người dân kể cho nhau nghe những câu chuyện không hay cần uốn nắn, nhắc nhau sống yên ấm, thuận hòa.

Ngày nào Nhà văn hóa ấp Ao Gòn cũng có người đến đờn, hát, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương

Sức dân tạo nên một phong trào

Gắn bó với khu phố Cầu Xây, ông Trần Văn Bảy (Trưởng ban Công tác Mặt trận kiêm Trưởng ban Vận động khu phố Cầu Xây, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa) nhìn thấy rõ những đổi thay của địa phương. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Hộ nghèo được quan tâm, hỗ trợ phát triển kinh tế. Trẻ em được chăm lo, tạo mọi điều kiện tốt nhất để đến trường. Người dân cũng chú ý đến đời sống tinh thần. Bộ mặt khu phố nói riêng và thị trấn nói chung được nâng lên rõ nét. Ông Bảy nhận ra rằng, chính việc phát triển kinh tế gia đình, địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống cũng góp một phần không nhỏ vào việc giữ gìn sự thuận hòa, yên ấm của các gia đình. Ông kể, ngày trước, khi kinh tế còn nhiều khó khăn, nhận thức của người dân còn hạn chế thì những mâu thuẫn gia đình, làng xóm cũng xảy ra thường xuyên. Mấy mươi năm làm công tác hòa giải, vận động tại khu phố Cầu Xây, ông thấy càng về sau, các cuộc hòa giải ít dần. Mỗi năm, ông gặp đôi ba vụ việc và hầu hết đều hòa giải thành công, không xảy ra khiếu nại vượt cấp, đông người.

Kinh tế phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên chính là nền tảng vững chắc cho phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Nhấp một ngụm trà, ông Lê Văn Tư, ngụ ấp Giồng Dung, xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh, kể: “Ngày trước ở vùng này làm gì có đường đi, kênh, rạch cũng nhỏ nên cuộc sống vất vả lắm. Nhờ Nhà nước nạo vét kênh rồi vận động làm đường nên cuộc sống của người dân mới tốt hơn như bây giờ”.

Giờ đây, người làm nông ở ấp Giồng Dung nói riêng và xã Hậu Thạnh Tây nói chung không còn ngại lo lũ “chụp” lúa, hoa màu vì đã có hệ thống đê bao lửng. Việc mua bán nông sản cũng dễ dàng hơn vì đường bêtông chạy dài đến tận ấp. Ông Tư nói, khi cuộc sống khá hơn, người dân cũng nhiệt tình hơn trong việc đóng góp xây dựng các công trình. Bản thân ông là người luôn đi đầu trong các phong trào để làm gương cho các con và mong cho địa phương ngày càng phát triển.

Những chuyện kể trên là minh chứng cụ thể cho việc người dân tích cực hưởng ứng, tham gia phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trong suốt 20 năm qua. Từ đó, tạo ra hiệu quả chính trị - xã hội rộng lớn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần của người dân, nhất là tạo chuyển biến bộ mặt nông thôn, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới. Phong trào làm chuyển biến nhận thức, giúp người dân ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc như tinh thần tương thân, tương ái, tình làng, nghĩa xóm, giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo; xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa, xóa bỏ dần những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố hệ thống chính trị ở địa phương vững mạnh.

Chặng đường 20 năm xây dựng đời sống văn hóa đã thật sự mang lại hiệu quả, như “cây lành” cho “trái ngọt”./.

Qua 20 năm triển khai, thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Nhà nước và nhân dân cùng xây dựng 3.087 cầu nông thôn, sửa chữa, nâng cấp 2.431,79km đường giao thông, hiến 389.521.162m2 đất, góp trên 1 triệu ngày công lao động và góp tiền trên 1.848 tỉ đồng.

Đến nay, toàn tỉnh có 381.870 hộ được công nhận gia đình văn hóa, đạt 97,2%; 975/997 ấp, khu phố được công nhận văn hóa, đạt 97,7%; 125/188 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa và văn minh đô thị, chiếm 66,4%.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết