Tiếng Việt | English

27/05/2021 - 10:32

5 năm thi hành Bộ luật Tố tụng Dân sự - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn

Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của sự phát triển giao dịch về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động,... thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về cải cách tư pháp. Sau gần 5 năm thực hiện BLTTDS, công tác kiểm sát (KS) giải quyết các vụ, việc dân sự của ngành KS đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành cũng bộc lộ một số vướng mắc, hạn chế cần được bổ sung, sửa đổi kịp thời.

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy - Nguyễn Thành Vững trao cờ thi đua cho các đơn vị trong ngành Kiểm sát (Ảnh tư liệu)

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy - Nguyễn Thành Vững trao cờ thi đua cho các đơn vị trong ngành Kiểm sát (Ảnh tư liệu)

Những kết quả nổi bật

BLTTDS năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25/11/2015 có nhiều quy định mới so với BLTTDS năm 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011, đặc biệt là vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện KS trong việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

Thông tin từ Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh, để thực hiện tốt chức năng KS theo quy định, ngay sau khi BLTTDS năm 2015 có hiệu lực pháp luật, VKSND tỉnh tổ chức triển khai cho toàn thể cán bộ, kiểm sát viên (KSV) hai cấp, nhất là cán bộ, KSV làm công tác KS giải quyết các vụ, việc dân sự nắm bắt và thực hiện. Trong đó, BLTTDS năm 2015 xác định rõ quyền quyết định kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của tòa án chỉ có duy nhất Viện trưởng VKSND mới có quyền; riêng nhiệm vụ, quyền hạn của KSV được mở rộng hơn so với BLTTDS năm 2004.

Ngoài ra, BLTTDS năm 2015 lần đầu tiên quy định chức danh pháp lý KSV và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của kiểm tra viên khi thực hiện KS việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng dân sự. Đây cũng là một sự khẳng định về chức trách, nhiệm vụ, nâng cao vị trí pháp lý của VKSND trong tố tụng dân sự nói riêng và KS hoạt động tư pháp nói chung.

Theo thống kê của VKSND tỉnh, qua 5 năm thực hiện BLTTDS, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, VKSND hai cấp đã KS thụ lý 46.300 vụ án, 2.968 việc sơ thẩm và 2.600 vụ án phúc thẩm. Tòa án 2 cấp giải quyết 41.458 vụ án, 2.901 việc sơ thẩm, 2.359 vụ án phúc thẩm; trong đó, xét xử sơ thẩm 11.760 vụ án, 419 việc sơ thẩm, 2.335 vụ án phúc thẩm. KSV tham gia 5.932 phiên tòa sơ thẩm, 2.335 phiên tòa phúc thẩm. Theo đánh giá chung, hoạt động của KSV tại phiên tòa, phiên họp đều bảo đảm đúng quy định BLTTDS và hướng dẫn của VKSND Tối cao. Tại phiên tòa, KSV tích cực tham gia hỏi để kiểm tra chứng cứ và làm rõ bản chất vụ án; chủ động theo dõi diễn biến phiên tòa và bút ký đầy đủ các nội dung; phát biểu quan điểm của VKS rõ ràng, rành mạch, thuyết phục, thể hiện được vai trò của VKS tại phiên tòa xét xử vụ án dân sự.

5 năm qua, VKS hai cấp phối hợp tòa án tổ chức 407 phiên tòa rút kinh nghiệm giúp KSV, kiểm tra viên, chuyên viên, thẩm phán, hội đồng xét xử, thư ký tòa án nâng cao tinh thần trách nhiệm, tự đào tạo, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, học hỏi nâng cao về kỹ năng, trình độ nghiệp vụ trong công tác xét xử, KS việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình; phản ánh khách quan, trung thực việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, vai trò, trách nhiệm của thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký tòa án, KSV trong việc giải quyết vụ án cũng như ý thức trách nhiệm, luôn trau dồi kiến thức, tự rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, phản ứng nhạy bén, quyết đoán, sâu sát với hoạt động thực tiễn. Từ đó, thấy được những mặt mạnh và điểm yếu của KSV để kịp thời khắc phục, đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Ngành Kiểm sát Long An triển khai nhiều chuyên đề nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng giải quyết án và thực hiện tốt các quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Ảnh tư liệu)

Ngành Kiểm sát Long An triển khai nhiều chuyên đề nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng giải quyết án và thực hiện tốt các quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Ảnh tư liệu)

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung

Thông tin từ VKSND tỉnh, 5 năm qua, ngay từ khi BLTTDS có hiệu lực thi hành, VKSND tỉnh đã xây dựng hàng loạt chuyên đề nghiệp vụ để triển khai trong toàn ngành. Trong đó, năm 2016 thực hiện chuyên đề: KS bản án, quyết định giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình - Thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm; năm 2019 thực hiện 2 chuyên đề: Giải pháp hạn chế bản án, quyết định giải quyết vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình bị tòa án xét xử tuyên hủy và Kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng công tác KS việc giải quyết các vụ án dân sự có liên quan đến quyền sử dụng đất. Đến năm 2020, VKS 2 cấp tiếp tục xây dựng chuyên đề: Thực trạng và giải pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác KS bản án, quyết định giải quyết các vụ việc dân sự sơ thẩm của tòa án và công tác kháng nghị phúc thẩm ngang cấp của VKS”. Từ việc thực hiện các chuyên đề giúp nâng cao chất lượng giải quyết án và thực hiện tốt các quy định tại BLTTDS.

Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành cũng bộc lộ một số vướng mắc, hạn chế cần được bổ sung, sửa đổi kịp thời. Đơn cử như Điều 7 BLTTDS quy định: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn cho đương sự, tòa án, VKS tài liệu, chứng cứ mà mình lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự, tòa án, VKS theo quy định của Bộ luật này và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho đương sự, tòa án, VKS”. Thực tế, việc thi hành quy định tại Điều 7 còn nhiều khó khăn bởi việc phối hợp giữa UBND, Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án, các sở, ban, ngành liên quan trong việc xác minh thu thập, đánh giá chứng cứ, định giá quyền sử dụng đất,... còn thiếu chặt chẽ.

Đồng thời, một số quy định của BLTTDS năm 2015 cũng khiến việc KS tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự gặp nhiều bất cập. Đơn cử như BLTTDS quy định tòa án chỉ được tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ khi đương sự có yêu cầu, nếu đương sự không có yêu cầu thì tòa án không thể tự mình tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ được; theo quy định tại Điều 101 BLTTDS, trong thành phần tham gia xem xét thẩm định tại chỗ không có đại diện VKS. Về việc bảo vệ kiến nghị và xử lý trường hợp người khiếu nại rút khiếu nại. Theo quy định tại khoản 4, Điều 194 BLTTDS năm 2015 quy định việc giải quyết theo hai hướng xem xét chấp nhận hoặc không chấp nhận nhưng thực tế cũng có trường hợp người khiếu nại rút đơn khiếu nại, việc phải xử lý như thế nào thì BLTTDS lại không đề cập hình thức giải quyết. Ngoài ra, hiện nay, văn bản pháp luật vẫn còn những quy định bất cập trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự.

Từ thực tế đó, VKSND tỉnh đề nghị các cấp có thẩm quyền cần sớm tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để kiến nghị với Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2015, phù hợp với thực tiễn thi hành, bảo đảm BLTTDS thực sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay./.

Trong 5 năm thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự, Viện Kiểm sát 2 cấp tỉnh Long An kiểm sát 45.349 bản án, quyết định. Qua kiểm sát bản án, đã ban hành 402 kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án, kết quả được hội đồng xét xử chấp nhận trên 95%; ban hành 195 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong công tác giải quyết án và vi phạm trong quản lý nhà nước được các cơ quan chấp nhận.


Kiên Định - Thành Đủ

Chia sẻ bài viết