Tiếng Việt | English

06/10/2022 - 10:43

Ấm áp, thân thương ngày giỗ cụ Nguyễn  

Ngày 12/9 Âm lịch hàng năm là Kỷ niệm ngày hy sinh của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, người dân nơi đây quen gọi là ngày giỗ cụ Nguyễn. Có lẽ vì xem đó là giỗ nên ngày kỷ niệm cũng ấm áp, thân thương như đám giỗ ở miền quê.

Ngoài 80 tuổi, bà Bùi Thị Ửng vẫn theo đoàn phục vụ nấu nướng trong ngày giỗ cụ Nguyễn

Trước ngày giỗ một ngày được gọi là tiên thường, đó là ngày gia chủ và người thân chuẩn bị cho ngày chính giỗ. Người trong dòng họ, láng giềng thân cận sẽ đến giúp gia chủ chuẩn bị thức ăn, mâm cỗ mời khách vào hôm sau. Mọi người vừa làm vừa trò chuyện, pha trò khiến không khí rôm rả như ngày hội. Tất cả làm nên sự đầm ấm, thân thương, tạo ra chất keo gắn kết mọi người với nhau.

Ngày giỗ cụ Nguyễn cũng vậy, người dân thập phương tụ hội về nơi đền thờ cụ tại Vàm Nhựt Tảo, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, mỗi người một tay góp vào giỗ cụ. Chị Nguyễn Thị Kiều Diễm, thuyết minh viên Khu di tích Vàm Nhựt Tảo, cũng là người chịu trách nhiệm hậu cần trong lễ giỗ cụ Nguyễn, chị kể: “Trước ngày lễ chính 3 ngày, người dân khắp nơi đã tụ về rồi. Có rất nhiều đoàn phụ trách nấu ăn, phục vụ nước miễn phí cho người tới viếng. Mỗi nhóm nấu 1 món, rồi dọn ra bàn tự phục vụ cho khách thập phương. Tất cả nguyên liệu, dụng cụ nấu, người dân cũng đều tự đem tới, ở tổ hậu cần, chúng tôi chỉ hỗ trợ về gas và một số thứ cần thiết khác thôi”.

Đường vào đền thờ Nguyễn Trung Trực được trang trí cờ hoa trước ngày giỗ cụ Nguyễn

Ngoài 80 tuổi, bà Bùi Thị Ửng vẫn theo đoàn phục vụ cơm từ An Giang lên nấu nướng phục vụ. Năm nào đoàn đi bà đều tham gia bởi bà tìm thấy niềm vui trong việc góp phần giúp lễ giỗ cụ được trọn vẹn, giúp người đến viếng có được niềm tin, niềm vui khi về tưởng nhớ anh hùng Nguyễn Trung Trực. Những bếp ăn đã bắt đầu đỏ lửa từ ngày mùng 9/9 Âm lịch, dẫu đến 12/9 âm lịch mới là ngày “chính giỗ”. Người dân cũng lui tới viếng đền từ sớm, góp thêm sự rộn vui cho lễ hội.

Nhiều người đến viếng cụ Nguyễn với tấm lòng thành kính, biết ơn, muốn tìm về với cội nguồn, quê hương của cụ. Bà Trần Thị Nhôm, ở huyện Cờ Đỏ, tỉnh Cần Thơ kể, trước đây bà chỉ viếng anh hùng Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang, từ khi biết quê hương ông ở Long An, bà đã tìm về Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo. Chuyến đi năm nay, bà sẽ đến thăm Xóm Nghề để biết về nơi sinh ra vị anh hùng áo vải. Các bạn trẻ đến viếng đền, dự lễ kỷ niệm để được xem các chương trình nghệ thuật phục vụ suốt nhiều ngày. Đó là dịp để các bạn được tận mắt nhìn nghệ sĩ trên sân khấu và qua mỗi tiết mục, các bạn sẽ hiểu thêm về lịch sử hào hùng của quê hương, vụ bồi thêm sự tự hào, yêu mến. 

Các bạn trẻ đến Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo trước ngày giỗ cụ Nguyễn 

Hàng năm, lễ giỗ Nguyễn Trung Trực đều thu hút hàng chục ngàn người đến viếng, không khí những ngày này tuy đông đúc nhưng rất trật tự và vui vẻ. Thức ăn, nước uống được phục vụ sẵn sàng và hoàn toàn miễn phí. Người đến viếng dâng cúng những lễ vật bằng tấm lòng thành kính và sau lễ, mọi thứ được chia cho người đến viếng như một cách chia lộc, chia điều may mắn cho tất cả mọi người. 

Ngày giỗ cụ Nguyễn đã trở thành một hoạt động văn hóa tinh thần quan trọng đối với người dân Long An nói riêng và cả miền Nam nói chung. Vị anh hùng áo vải Nguyễn Trung Trực đã vì nước hy sinh và tấm lòng của ông được đời sau trân trọng, giữ gìn, tiếp nối một cách hết sức dân dã, bình dị, thân thương như một cách lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần to lớn./. 

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết