Tiếng Việt | English

29/08/2024 - 09:01

Anh hùng thời chiến, gương mẫu thời bình

Có những người dành cả đời phụng sự Tổ quốc, theo đuổi lý tưởng cách mạng và Đại tá Trần Văn Đờn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.Tân An tỉnh Long An, là một trong những người như thế! Trở về sau cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, ông tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tích cực đóng góp sức mình trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế địa phương.

Ông Trần Văn Đờn (bên phải) và cựu chiến binh Hoàng Văn Hiển cùng ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang

Trước cảnh "nước mất nhà tan", chàng thanh niên 16 tuổi Trần Văn Đờn (tên thường gọi Tư Đờn, SN 1957) cùng hàng triệu thanh niên trên cả nước lên đường tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

“Năm 1973, tôi tham gia cách mạng với vai trò du kích ở xã Đức Tân, huyện Tân Trụ. Lúc đó, cấp trên giao cho tôi 3 nhiệm vụ chính là cài lựu đạn, cầm bản tử địa, rải truyền đơn. Sau khi đất nước thống nhất, năm 1979, tôi lại lên đường tham gia trận chiến bảo vệ biên giới Tây Nam” - ông Tư Đờn hồi tưởng.

Cùng với nhiều đồng đội khác, ông không chùn bước trước bom đạn, khói lửa của quân thù. Có những hôm không đủ lương thực, các chiến sĩ ăn cơm độn với bo bo, củ mì nấu,... để lót dạ, tiếp tục hành quân.

Những đêm "lấy đất làm chiếu, lấy trời làm chăn" cũng không quật ngã được ý chí chiến đấu của ông. Ông được thăng làm Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng Đại đội Vệ binh Tỉnh đội trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.

Ông Tư Đờn tâm sự: “Thời đó, gian khổ trăm bề, nhiều hôm phải thức trắng để canh giữ cứ địa, không để giặc thừa cơ hội đánh chiếm. Do vậy, các chiến sĩ phải nương tựa, đoàn kết, chia nhau từng miếng ăn. Chúng tôi coi nhau như anh em ruột thịt. Có một ký ức buồn khiến tôi nhớ mãi là anh Toàn (chiến sĩ cùng đơn vị chiến đấu với ông Trần Văn Đờn) đang trò chuyện cùng tôi thì bị quân địch phục kích bắn thẳng khoang ngực anh. Anh gục xuống và hy sinh ngay trước mắt tôi”.

Những ngày tháng khó khăn đó, ông và đồng đội được nhân dân đùm bọc, nuôi giấu. Trên bước đường hành quân, chiến sĩ ta được các dì, các mẹ vắt từng nắm cơm, đòn bánh để no lòng.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, ông Tư Đờn được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều huân chương: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang Hạng Nhất, Nhì, Ba.

Trở về từ chiến trường, ông tiếp tục phụng sự nhân dân, từng làm giáo viên Trường Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự TP.Tân An, Bí thư Chi bộ khu phố Bình Cư 1 (phường 4), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.Tân An.

Ông thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà những cựu chiến binh có đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng

Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, trong công tác an sinh xã hội, ông Tư Đờn có nhiều đóng góp tích cực. Ông tổ chức thực hiện mô hình kinh tế tập thể do hội viên (HV) làm chủ, đến nay, có 12 doanh nghiệp nhỏ và vừa, 24 câu lạc bộ Cựu chiến binh - Cựu quân nhân làm kinh tế, 12 tổ hợp tác và 28 gia trại, giải quyết việc làm cho hơn 150 lao động; quản lý 28 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ gần 59 tỉ đồng với 1.226 hộ vay; xây dựng và quản lý quỹ Hội được hơn 4 tỉ đồng (bình quân 2,4 triệu đồng/HV); vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ HV qua đời, có 1.478 HV tham gia đóng góp gần 13 triệu đồng.

Ông còn vận động HV hiến 250m² đất làm đường giao thông. Ngoài ra, HV còn đóng góp 150 ngày công thực hiện công trình. Với những đóng góp tích cực, ông Trần Văn Đờn nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương, tỉnh, Hội.

45 năm tuổi Đảng, được nhận 25 bằng khen là những thành tích đáng tự hào của ông Trần Văn Đờn. Từ những năm tháng chiến đấu đến thời kỳ dựng xây quê hương, ông luôn nêu gương cho cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ học tập, noi theo./.

Tuệ Ngân

Chia sẻ bài viết