Cho đến thời điểm hiện tại, nhiệm vụ chính của các trung tâm vẫn hạn hẹp là hội trường cho UBND xã, phục vụ các lớp học, hội thảo (nếu có) và tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao định kỳ. Hoạt động phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, sưu tầm, khai thác, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, diễn xướng dân gian,... địa phương còn nhiều hạn chế.
Hoạt động văn nghệ, thể thao hàng năm chủ yếu do chính quyền, đoàn thể tổ chức nhân các ngày lễ, tết, sự kiện chính trị, mang tính phong trào, thời vụ, thiếu hẳn các hoạt động mang tính định kỳ, tạo thói quen sinh hoạt văn hóa-thể thao trong người dân
Chưa phát huy hết công năng
Trung tâm VHTT&HTCĐ xã Hiệp Thạnh (huyện Châu Thành) nằm trong khuôn viên UBND xã. Trung tâm được xây dựng từ năm 2016, với 1 hội trường, 1 thư viện, 1 phòng làm việc, trang bị đầy đủ hệ thống âm thanh, ánh sáng, có cả máy tính, máy chiếu và có thể phục vụ họp trực tuyến khi cần thiết.
Hàng tháng, hoạt động của trung tâm chủ yếu là các cuộc họp của UBND xã, đoàn thể, hội thảo và lớp dạy nghề. Theo Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh - Nguyễn Thành Học, trung tâm được trang bị thư viện nhưng hầu như không có người dân nào đến đọc, mượn sách. Trước đây, trung tâm là nơi sinh hoạt của câu lạc bộ (CLB) văn nghệ nhưng dần về sau, hoạt động đó không còn được duy trì. Do không có quỹ đất nên trung tâm không có sân thể thao, chỉ có khoảng sân rộng phía trước, nơi người dân ở gần đến tập thể dục mỗi sáng, chiều.
Tại xã Nhị Thành (huyện Thủ Thừa), trung tâm cũng chủ yếu phục vụ các hoạt động hội họp, hội thảo hoặc tập huấn. Các hoạt động văn nghệ, thể thao còn nhiều hạn chế. Được xây dựng từ năm 2008 bằng nguồn kinh phí của xã, trung tâm chỉ có trên 100 chỗ ngồi, sân khấu nhỏ, hẹp nên khá hạn chế trong việc tổ chức các hoạt động văn nghệ. Trung tâm chỉ có 1 phòng chức năng, bố trí làm phòng phát thanh. Theo thông tin từ UBND xã Nhị Thành, khó khăn nhất của trung tâm chính là hội trường nhỏ, hẹp, không có phòng chức năng nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao. Hiện tại, khoảng sân nhỏ trước trung tâm là nơi sinh hoạt của CLB Lân sư rồng trên địa bàn xã.
Trung tâm VHTT&HTCĐ được xem là cơ sở “3 trong 1”, vừa là hội trường UBND xã, vừa là trung tâm học tập cộng đồng, vừa là trung tâm văn hóa - thể thao thì phải thu hút được đa dạng tầng lớp nhân dân đến để dự hội nghị, hội thảo, hội thi, sinh hoạt CLB, học tập cộng đồng,… Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, đa phần các trung tâm chỉ thực hiện tốt 2 chức năng: Hội trường UBND xã và trung tâm học tập cộng đồng. Các cuộc họp, hội thi, hoạt động của UBND, đoàn thể và các lớp dạy nghề được tổ chức tại trung tâm. Nhiều địa phương bắt buộc hội thảo phải tổ chức tại trung tâm để thuận tiện trong công tác quản lý. Ngoài ra, các hoạt động văn nghệ, thể thao của người dân hết sức hạn chế.
Rất ít trung tâm thu hút được người dân địa phương đến đá bóng, chơi bóng chuyền, sinh hoạt CLB sở thích. Hoạt động văn nghệ, thể thao hàng năm chủ yếu do chính quyền, đoàn thể tổ chức nhân các ngày lễ, tết, sự kiện chính trị, mang tính phong trào, thời vụ, thiếu hẳn các hoạt động mang tính định kỳ, tạo thói quen sinh hoạt văn hóa, thể thao trong người dân. Tuy nhiên, mức độ thu hút người dân cũng thực sự chưa cao. Số lượng trung tâm là nơi sinh hoạt thường xuyên cho các CLB sở thích tại địa phương cũng hết sức hạn chế hoặc còn “nằm trên giấy” do CLB không duy trì được hoạt động. Mặc dù đã được tập huấn, hướng dẫn về việc mở các lớp năng khiếu văn hóa - thể thao dành cho thanh, thiếu nhi, thành lập các CLB, đội, nhóm sở thích tại trung tâm nhưng đến thời điểm hiện tại, hầu như đó chỉ là… ý tưởng!
Khó khăn lẩn quẩn
Việc thành lập các CLB và duy trì sinh hoạt đều đặn đã không hề dễ dàng, mở các lớp năng khiếu lại càng khó hơn do trung tâm thiếu hẳn đội ngũ cộng tác viên, cán bộ nghiệp vụ có chuyên môn, phòng chức năng, dụng cụ thể dục - thể thao,… Theo Thông tư 14/2016/TT-BVHTTDL, trung tâm VHTT&HTCĐ ngoài hội trường 200 chỗ ngồi phải có ít nhất 3 phòng chức năng (phòng đọc, phòng làm việc, phòng hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao) cùng các công trình phụ trợ: Nhà xe, vườn hoa. Khuôn viên trung tâm phải có sân tổ chức các hoạt động thể dục - thể thao tối thiểu 500m2 (chưa kể sân vận động),… Trong khi đó, do điều kiện từng địa phương, hầu hết các trung tâm trên địa bàn tỉnh đều không thể đáp ứng được yêu cầu trên. Toàn tỉnh vẫn còn 51 trung tâm sử dụng hội trường UBND xã và chỉ có 137/188 trung tâm có trên 200 chỗ ngồi. Hầu hết các trung tâm đều thiếu phòng chức năng và các công trình phụ như nhà xe, vườn hoa.
Một trong những nguyên nhân nữa xuất phát từ việc đội ngũ cán bộ trung tâm hầu hết là kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên môn nên phương thức, mô hình hoạt động còn lúng túng. Theo đánh giá của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, những khó khăn của các trung tâm hiện nay xuất phát từ kinh phí và con người. Nguồn kinh phí hoạt động hạn chế khiến việc quản lý và tổ chức hoạt động trở nên khó khăn. Chính sách đãi ngộ cho cán bộ trung tâm, đội ngũ cộng tác viên chuyên môn, ưu đãi cho các nhà đầu tư để thu hút xã hội hóa không đúng mức. Được biết, đa phần kinh phí hoạt động của trung tâm trong tỉnh đều dựa vào ngân sách và nguồn xã hội hóa, từ đó ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của trung tâm.
Theo Quyết định số 03/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh, nguồn kinh phí của các trung tâm (trừ nguồn hỗ trợ từ ngân sách) bao gồm: Kinh phí huy động từ các chương trình khuyến công - nông - lâm - ngư nghiệp, dạy nghề, các dự án, chương trình tại địa phương liên quan đến nội dung hoạt động của trung tâm; tài trợ của các cá nhân và tổ chức KT-XH, đơn vị sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, các đoàn thể trong tỉnh và ngoài tỉnh; học phí; từ nguồn thu các hoạt động giáo dục, văn hóa, dịch vụ văn hóa, thể dục, thể thao, hội phí sinh hoạt các CLB, đội, nhóm,… Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn thu từ học phí và phí sinh hoạt các CLB là rất ít thậm chí bằng không, vì hầu như không có trung tâm nào tổ chức được lớp học năng khiếu để thu học phí hoặc duy trì được các CLB hoạt động bền vững, sôi nổi để thu hội phí sinh hoạt.
Khó khăn lẩn quẩn giữa thiếu và yếu khiến các trung tâm vẫn chưa thể phát huy tối đa được nội lực của mình.
Quyết định 03/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định chức năng trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng cấp xã:
a) Tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí; bảo tồn, phát huy các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao dân tộc; bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật, thể dục, thể thao; nâng cao dân trí và mức hưởng thụ văn hóa, thể thao cho nhân dân; thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân tham gia mọi hoạt động văn hóa, thể thao; phục vụ các nhiệm vụ KT-XH của địa phương.
b) Tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người, nhất là người lớn được học tập thường xuyên, cần gì học nấy, học tập suốt đời; được phổ biến kiến thức và sáng kiến kinh nghiệm trong sản xuất và cuộc sống, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo, tăng năng suất lao động; nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người dân và cả cộng đồng; là nơi thực hiện việc phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân.
Hoạt động văn nghệ, thể thao hàng năm chủ yếu do chính quyền, đoàn thể tổ chức nhân các ngày lễ, tết, sự kiện chính trị, mang tính phong trào, thời vụ, thiếu hẳn các hoạt động mang tính định kỳ, tạo thói quen sinh hoạt văn hóa - thể thao trong người dân./.
|
(còn tiếp)
Nhóm PV