Tiếng Việt | English

20/01/2016 - 10:51

Những chặng đường Tây Nguyên

Bài 3:Hành trình theo Quốc lộ 14

Trường Sơn hùng vĩ với những dãy núi cao bao bọc, che chở vùng đất Tây Nguyên bao đời nay. Nơi đây là nơi sinh sống của rất nhiều dân tộc anh em tạo nên nét đặc trưng riêng về văn hóa. Với diện tích rừng lớn bao gồm nhiều thảm sinh vật đa dạng, khí hậu rất riêng biệt tạo thế mạnh giúp Tây Nguyên phát triển về du lịch.

Không gian thơ mộng của Biển Hồ (Gia lai)

Quốc lộ 14 - con đường huyết mạch gắn kết 4 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông lại với nhau. Ngày xưa, con đường này xuống cấp nhưng bây giờ đường thật đẹp, xe chạy rất êm. Con đường độc đạo này như xé rừng, xé núi mà đi, 2 bên nhà dân san sát, xen với những rừng thông, đồi cà phê, tiêu,...

Chúng tôi tiếp tục hành trình, từ Kon Tum về với Gia Lai theo Quốc lộ 14. Hai tỉnh này giáp ranh nhau chưa đến 1 giờ đồng hồ đã tới. Gia Lai chào đón chúng tôi tại thành phố Pleiku - nơi được mệnh danh là phố Núi.

Theo người dân nơi đây, điều rất đặc biệt là một ngày ở Pleiku giống 4 mùa trong năm... Đến Pleiku, chúng ta không thể bỏ qua Biển Hồ, nó giống như một viên ngọc quý mà đất trời đã ban tặng cho người dân, được ví von như đôi mắt Pleiku rạng ngời giữa cái ngút ngàn của dãy Trường Sơn. Biển Hồ không chỉ là nơi cung cấp nước cho người dân sử dụng trong sinh hoạt, tưới tiêu mà còn là điểm tham quan du lịch nổi tiếng.

Điểm đặc sắc khác nữa mà Pleiku mang lại chính là công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên đặt tại Quảng trường Đại Đoàn Kết. Công trình được hoàn thành sau 2 năm xây dựng (2010-2012) với diện tích khoảng 12,5ha gồm Tượng đài Bác Hồ, phía sau tượng là bức phù điêu, phía trước bên phải Quảng trường là tháp đá gồm 54 trụ đá bazan biểu tượng cho khối đại đoàn kết của 54 dân tộc, còn phía trước quảng trường bên trái là Thạch thư Bác Hồ. 2 bên sân lễ đài là 2 dàn cồng chiêng biểu tượng của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Công trình thể hiện tình cảm của đồng bào Tây Nguyên đối với Đảng và Bác Hồ.

Chúng tôi rời phố Núi, chạy dọc theo tuyến Quốc lộ 14 để đến với tỉnh cuối cùng của cuộc hành trình - đó chính là Đắk Nông. Đắk Nông - một tỉnh mới thành lập từ năm 2004, chia tách từ tỉnh Đắk Lắk, vùng đất này có nền văn hóa cổ truyền khá đa dạng của nhiều dân tộc khác nhau. Niềm tự hào của nơi đây chính là các nhạc cụ nổi tiếng của văn hóa dân gian Việt Nam như bộ đàn đá, bộ chiêng đá, đàn Trưng,...

Thiên nhiên ban tặng cho Đắk Nông nhiều cảnh quan đặc biệt, trong đó, phải kể đến thác nước Lưu Ly, một điểm đến cho du khách trong và ngoài tỉnh. Từ thị xã Gia Nghĩa đi theo Quốc lộ 14 đến ngã ba cầu 20, rẽ phải hơn 10km về hướng Đông Bắc của xã Nâm NJang, đến với thác nước Lưu Ly hiền hòa, thơ mộng dưới chân dãy núi Nam Nung hùng vĩ. Vẻ đẹp hoang sơ của thác nước cộng với khung cảnh yên tĩnh của núi rừng càng toát lên sự gần gũi, muốn đắm mình vào thiên nhiên. Đến đây, chúng ta như rũ bỏ hết tất cả những mệt nhọc của cuộc sống hàng ngày mang lại.

Vẻ đẹp hoang sơ của thác Lưu Ly (Đắk Nông)

Mỗi địa bàn, mỗi nơi mang một vẻ riêng biệt, độc đáo càng làm cho vùng Tây Nguyên thêm phong phú, đa dạng. Vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí nhưng đầy thơ mộng cộng với các nét đặc trưng về văn hóa của các đồng bào khẳng định Tây Nguyên là điểm dừng chân lý tưởng trong cẩm nang du lịch muốn tìm hiểu, khám phá vùng đất mới của du khách./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết