Tiếng Việt | English

03/06/2019 - 10:45

Phía sau những dự án “treo”

Bài 3: Ngán ngẩm với dự án “treo”

Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp là một quyết sách đúng đắn, góp phần tăng trưởng kinh tế tỉnh Long An. Đằng sau những dự án (DA) công nghiệp là vấn đề chăm lo, hỗ trợ tái định cư (TĐC) cho người bị thu hồi đất. Bên cạnh những DA hiệu quả, một số DA chậm triển khai, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Nhiều DA khu, cụm công nghiệp (K,CCN) bị “treo” nhiều năm không chỉ ảnh hưởng đến quy hoạch, kế hoạch, môi trường thu hút đầu tư, lãng phí tài nguyên đất đai mà còn xáo trộn cuộc sống của người dân, tạo áp lực trong công tác quản lý nhà nước, gây bức xúc dư luận.

Treo “lơ lửng”… hơn chục năm

Từng là DA mang lại hy vọng không nhỏ vào sự phát triển KT-XH của tỉnh nói chung, huyện Cần Giuộc nói riêng nhưng đến nay DA Cụm công nghiệp (CCN) và Khu TĐC Hải Sơn do Công ty (Cty) TNHH Hải Sơn làm chủ đầu tư trên địa bàn xã Long Thượng treo “lơ lửng” hơn chục năm qua và bỏ ngỏ thời gian hoàn thành. Người dân trong vùng ngao ngán, địa phương chỉ biết thở dài khi chúng tôi đề cập đến DA này.

Ông Nguyễn Tấn Sơn, ngụ xã Long Thượng, bức xúc: “Gia đình tôi có đất bị thu hồi để làm DA. Nhiều người từng hy vọng khi có DA công nghiệp, người dân có việc làm với đồng lương ổn định. Thế nhưng, nhiều năm rồi chẳng thấy đâu. Chúng tôi kiến nghị lãnh đạo tỉnh cần có biện pháp quyết liệt hơn, có biện pháp chế tài theo đúng quy định của pháp luật hoặc thu hồi DA giao cho nhà đầu tư khác có năng lực hơn để thực hiện. Bên cạnh đó, gia đình được bố trí TĐC nhưng khi vào ở, kết cấu hạ tầng vẫn còn thiếu rất nhiều”. 

Một phần Dự án Cụm công nghiệp  và Khu tái định cư Hải Sơn,  xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc

Một phần Dự án Cụm công nghiệp  và Khu tái định cư Hải Sơn,  xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc

Theo thông tin từ UBND xã Long Thượng, DA của Cty TNHH Hải Sơn triển khai trên địa bàn rất chậm, gây bức xúc dư luận. Dù địa phương nhiều lần kiến nghị, làm việc với chủ đầu tư, người dân có đất trong DA nhưng đến nay tình hình không có nhiều thay đổi. Xã kiến nghị cấp trên cần có giải pháp thích hợp, đôn đốc, làm việc với chủ đầu tư để DA sớm hoàn thành.

DA CCN và Khu TĐC Hải Sơn trên địa bàn xã Long Thượng được UBND tỉnh chấp thuận cho Cty TNHH Hải Sơn làm chủ đầu tư tại Văn bản số 2324/UBND-NN, ngày 25/5/2006 với quy mô khoảng 106ha. Sau đó, DA này được điều chỉnh thành 3 DA thành phần gồm: CCN Long Thượng (54,6ha), khu dân cư - TĐC và nhà ở công nhân (38,6ha), khu dân cư - TĐC (13,4ha). UBND tỉnh cho chủ trương triển khai kê biên bồi thường đất và tài sản trên đất tại Văn bản số 4191/UBND-NN, ngày 31/8/2006. Căn cứ theo các quy định của Chính phủ, quyết định của UBND tỉnh, từ năm 2007 đến tháng 7/2013, UBND huyện Cần Giuộc tổ chức công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng được 312 hộ với tổng diện tích gần 80ha, số tiền chi trả gần 75 tỉ đồng.

Do thời gian triển khai DA kéo dài, số hộ dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường còn nhiều, cùng với đó, DA đường cao tốc Bến Lức - Long Thành bồi thường (từ tháng 12/2012) có giá bồi thường cao hơn rất nhiều so với giá bồi thường của DA này được phê duyệt từ năm 2007 nên người dân không đồng ý nhận tiền bồi thường. Cty TNHH Hải Sơn đã xin chủ trương và được UBND tỉnh cho kết thúc giai đoạn thực hiện bồi thường theo Văn bản số 2754/UBND-KT, ngày 30/7/2013. Các hộ đã nhận tiền bồi thường, Cty đã lập thủ tục giao đất; đối với các hộ chưa nhận tiền bồi thường (hơn 25ha) được lập lại phương án bồi thường, hỗ trợ và TĐC theo Nghị định số 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ. 

UBND huyện Cần Giuộc tiếp tục triển khai việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng DA đối với phần diện tích hơn 25ha còn lại. Tổng số tiền theo phê duyệt phương án mới hơn 155 tỉ đồng, 91 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay, Cty mới chi trả bồi thường được gần 70 hộ, còn hơn 20 hộ chưa đồng ý nhận tiền bồi thường (nguyên nhân chính chưa đồng thuận với giá bồi thường). Hiển nhiên, DA tiếp tục bị treo “lơ lửng” và bỏ ngỏ luôn thời gian hoàn thành.

Ảnh hưởng đến người dân

Thời gian qua, các DA về công nghiệp góp phần quan trọng trong việc phát triển của tỉnh. Tại các huyện trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh, KT-XH có nhiều bước chuyển tích cực. Diện mạo địa phương cũng như cuộc sống người dân thay đổi rõ nét theo hướng tích cực.

Huyện Đức Hòa có thể gọi là “cái nôi” về công nghiệp của tỉnh. Nhiều DA trên địa bàn sau khi hoàn thành, đi vào hoạt động, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh nói chung và huyện nói riêng. Bên cạnh đó, một số DA được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai cũng có những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, gây khó khăn cho địa phương trong việc quản lý và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. 

Dự án Khu công nghiệp Hựu Thạnh chưa thể triển khai do còn vướng mắc về cơ chế, chính sách (Ảnh chụp đất người dân ấp 3B nằm trong dự án)

Dự án Khu công nghiệp Hựu Thạnh chưa thể triển khai do còn vướng mắc về cơ chế, chính sách (Ảnh chụp đất người dân ấp 3B nằm trong dự án)

Với quy mô hơn 530ha, DA KCN Hựu Thạnh (xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa) do Cty Idico làm chủ đầu tư vẫn kéo dài, chưa thể triển khai theo kế hoạch. DA gồm khu TĐC (gần 9,5ha), KCN (hơn 522ha), trên 1.300 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp.

Ông Phan Văn Tuấn, ngụ ấp 3B, xã Hựu Thạnh, cho hay, gia đình ông đồng tình với chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên, khi làm DA phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên, để không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Trong khi đó, giá bồi thường cho gia đình đưa ra quá thấp so với giá thị trường. Địa bàn Đức Hòa giáp ranh TP.HCM nên giá đất biến động khá cao. Từ năm 2015 đến nay, việc kiểm đếm, kê biên, áp giá bồi thường cho đất bị thu hồi làm DA vẫn không có gì thay đổi. Vì vậy, gia đình không đồng tình về giá khi hơn 13ha đất trong DA được bồi thường trên 20 tỉ đồng (chưa tính cây trồng trên đất). Trong khi đó, gia đình ông trồng mai, 1 năm thu nhập khoảng 2,5 tỉ đồng. 

Còn ông Huỳnh Văn Mẫn, cùng ngụ ấp 3B, phản ánh, gia đình ông có khoảng 5.000m2 đất bị thu hồi với giá đền bù rất thấp. Đây là tất cả diện tích đất của gia đình dùng để ở và làm nông nghiệp từ bao đời nay. Mấy năm gần đây, gia đình ông chuyển sang trồng thanh long với lợi nhuận khá cao. Vì vậy, ông lo sợ với giá đền bù rẻ như vậy thì sẽ khó có thể ổn định cuộc sống khi giao đất cho nhà đầu tư. 

Dù có chủ trương đầu tư từ lâu nhưng DA đến nay vẫn còn vướng mắc về cơ chế, chính sách, nhất là về đơn giá bồi thường nên “giậm chân tại chỗ”, chưa thể triển khai thực hiện như kế hoạch đề ra. 

Ngoài 2 DA trên, hiện nay, tỉnh còn rất nhiều DA công nghiệp treo “lơ lửng” nhiều năm: DA KCN Đức Hòa 1 (huyện Đức Hòa), khu Cảng Long An (huyện Cần Giuộc), KCN và Cầu cảng Phước Đông (huyện Cần Đước), KCN An Nhựt Tân (huyện Tân Trụ),.../.

Toàn tỉnh Long An có 28 khu công nghiệp với diện tích hơn 10.200ha, trong đó có 16 khu đang hoạt động với diện tích gần 4.000ha, lấp đầy trên 84%; 62 cụm công nghiệp được quy hoạch với diện tích hơn 3.100ha, trong đó có 22 cụm đang hoạt động với diện tích gần 1.100ha, lấp đầy trên 86%.

(còn tiếp)

Song Nhi - Châu Sơn

Bài 4:Từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Chia sẻ bài viết