Gia đình ông Trần Văn Nguyên thành công trong cuộc sống từ sự cần cù, chịu khó
Đất lành chim đậu
Cách đây hơn 30 năm, vùng đất Hưng Hà ngày nay cũng giống như các vùng khác ở vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM), hoang sơ, năn, lác che khuất tầm nhìn, đất bị nhiễm phèn nặng... Trồng lúa khi đó một thì bị chết vì phèn, hai thì bị chuột phá hoại hết. Còn hệ thống kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nước, thủy lợi hầu như không có.
Trước những khó khăn bủa vây, nhiều người đi kinh tế mới đã bỏ về quê hoặc đi lên vùng cao nguyên tìm một vùng đất sản xuất mới. Bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều hộ bám trụ, đắp nền, dựng chòi, quyết chinh phục, khai phá vùng đất ngập lũ này. Sau bao năm đào kênh, xả phèn vùng đất khó đã dần được phục hóa.
Đến hôm nay, Hưng Hà đã trở thành những thửa ruộng cò bay thẳng cánh, màu mỡ, mỗi năm sản xuất 2 vụ lúa, cho năng suất bình quân 6-7 tấn/ha/vụ.
Đường giao thông nông thôn được trải sỏi đỏ nối liền các ấp, con em đi học không còn cảnh lấm lem bùn đất, xe ra vào vận chuyển hàng hóa dễ dàng. Từ năm 2011, đường dọc kênh Sông Trăng chạy qua gần trụ sở UBND xã được Nhà nước đầu tư thi công mở rộng với bề ngang 4m, hứa hẹn sẽ mở ra cho xã sự phát triển mới.
Chủ tịch UBND xã Hưng Hà - Vũ Kim Thành thông tin, người dân đến từ các vùng miền khác nhau nhưng sống rất đoàn kết, giúp đỡ nhau, tích cực giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc,… Ở xã có nhiều mô hình giúp nhau phát triển kinh tế - xã hội của Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ. |
Hệ thống thủy lợi được đầu tư nạo vét thông thoáng như kênh Cái Cỏ, Sông Trăng, T9, KT11, Tân Thành – Lò Gạch,... Cùng với đó, tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 90%; tỷ lệ sử dụng điện trên 95%, thu nhập bình quân đầu người gần 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 50/1.124 hộ dân.
Giờ đây, Hưng Hà có diện tích sản xuất lúa gần 4.000 ha/vụ, bình quân mỗi năm người dân thu lợi từ sản xuất lúa 15-20 triệu đồng/ha. Nhờ chí thú làm ăn, nhiều gia đình có điều kiện xây dựng được ngôi nhà trị giá bạc tỉ, ở xã bây giờ đã hình thành những xóm nhà giàu. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã hoàn thành 13/19 tiêu chí.
Đất không phụ công người
Năm 1992, đúng vào năm thành lập xã Hưng Hà, ông Vũ Kim Thành khi đó mới ở tuổi mười tám, đôi mươi theo gia đình vào vùng đất này lập nghiệp. Ngày đi, gia đình ông có 7 người gồm cha, mẹ và 5 anh, chị em.
“Khi mới vào, gia đình tôi được Nhà nước giao cho 2ha đất sản xuất. Ngoài cải tạo đất đai, gia đình còn mua thêm đất,... nên cuộc sống dần đi vào ổn định. Thế rồi, 5 anh em lập gia đình và ra ở riêng, tôi tham gia công tác nhiều vị trí ở xã và hiện là Chủ tịch UBND xã Hưng Hà. Hiện những anh, em tôi cũng có 2-3ha đất sản xuất lúa, riêng tôi có 5ha” - ông Vũ Kim Thành cho biết.
Với 5ha đất này, mỗi năm ông Thành thu về gần 100 triệu đồng, nhờ đó, ông có điều kiện lo cho con ăn học, xây được căn nhà tươm tất. Giờ đây, kinh tế ổn định nên việc về thăm quê không còn khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Kỹ vốn là người con quê ở huyện An Phú, tỉnh An Giang về lập nghiệp ở Hưng Hà được 20 năm. Bà nhớ lại: “Lúc mới đến, cuộc sống gia đình khó khăn trăm bề, hàng ngày, tui đi làm mướn, ai mướn gì làm đó, từ cắt lúa, đốn tràm, cấy lúa… Đến năm 2001, từ số tiền tích góp được, tôi mua 3ha đất ruộng để sản xuất và bắt đầu ổn định cuộc sống, được nhập hộ khẩu”.
Sau khi bà Kỹ về đây, 3 người con ở An Giang cũng lên cùng lập nghiệp. Hiện cả 3 đã có gia đình riêng, con gái đang làm thợ may, còn 2 người con trai, một người mở tiệm sửa xe honda và một người mua máy cày làm dịch vụ. Vợ chồng bà Kỹ, ngoài sản xuất lúa còn mở tiệm tạp hóa buôn bán để có đồng ra đồng vào và cho vui cửa vui nhà.
Gia đình ông Trần Văn Nguyên rời quê Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên vào lập nghiệp ở ấp Hà Long, xã Hưng Hà từ năm 1999. Dù đến sau, không có vốn liếng nhưng đến nay, nếu nói về độ giàu có ở xã thì ông Nguyên nằm trong tốp đầu. Theo ông Nguyên, năm 1999, ông 38 tuổi, do cuộc sống ở quê vất vả, đất đai không có nên ông theo một người quen vào Hưng Hà đi làm. Sau mấy tháng ở đây thấy dễ sống, ông quyết định trở về quê bán hết nhà cửa đưa vợ con vào lập nghiệp.
“Khi đó, 3 đứa con còn nhỏ, vốn liếng lại không có nên vợ chồng tôi phải đi làm mướn kiếm từng lít gạo. Cuộc sống ở vùng đất mới không người thân thích nên thời gian đầu vô cùng cơ cực. Sau một thời gian cật lực làm thuê, không chỉ có gạo ăn mà tôi còn tích góp được một số vốn. Tôi bàn với vợ mua 6 công đất ruộng sản xuất, chăn nuôi heo. Cứ thế, dần dần có vốn tôi mua thêm đất sản xuất”, ông Nguyên nhớ lại.
Năm 2016 này, ông Nguyên bước sang tuổi 55, vợ ông cũng 54 tuổi. Hiện gia đình ông sở hữu 12ha đất lúa, một căn nhà 2 tầng khang trang trị giá bạc tỉ ở ấp Hà Long. Theo người dân nơi đây, đó là một trong những ngôi nhà lớn nhất ở xã.
Với diện tích đất sản xuất này cùng nghề nuôi heo, mỗi năm gia đình ông thu lợi nhuận 400-500 triệu đồng. 3 người con của ông đã trưởng thành lập gia đình riêng. Ngoài phụ giúp cha, mẹ sản xuất, các con ông còn mở cửa hàng bán thức ăn gia súc tại xã. Người con gái út hiện đang là hiệu trưởng một trường mầm non. Các con trưởng thành, thành đạt là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất của ông bà.
“Ngày vào Hưng Hà lập nghiệp tôi chỉ mong đủ ăn. Thú thực ngày đó tôi chỉ biết cần cù, chịu khó, làm và làm, cố gắng và cố gắng,... Thế rồi, bao công sức và nỗ lực của mình cũng có ngày thu về kết quả no ấm. Bài học thật thà, cần cù, chịu khó, cố gắng... tôi vẫn luôn nhắc các con làm “bảo bối” trong cuộc sống” - ông Nguyên chia sẻ. |
Lê Đức (còn tiếp)
Kỳ tới: Những phận đời không quốc tịch