Tiếng Việt | English

15/08/2015 - 08:11

Bàn giao nhà giáo sư Trần Văn Khê

Chiều 14-8, tại số nhà 32 Huỳnh Đình Hai (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) diễn ra công tác bàn giao căn nhà này. Đây là nơi mà giáo sư Trần Văn Khê đã sống 9 năm cuối đời ở VN.


Bàn thờ giáo sư Trần Văn Khê ở 32 Huỳnh Đình Hai - căn nhà ông đã sống 9 năm cuối đời mình - Ảnh: Cát Khuê

Căn nhà này 9 năm nay đã là địa chỉ văn hóa quen thuộc với không chỉ người dân TP.HCM mà còn với những người yêu thích văn hóa dân tộc VIệt ở cả nước, cũng như trên thế giới.

Giáo sư Trần Văn Khê đã sống 9 năm cuối đời ở đây, lễ tang của ông gần 50 ngày trước cũng diễn ra tại đây theo nghi thức Phật giáo - theo di nguyện của giáo sư.

Và cũng theo di nguyện của giáo sư thì căn nhà này sẽ được trao lại cho nhà nước. Ban lễ tang giáo sư Trần Văn Khê đã thống nhất trước lễ tang cùng đại diện Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM để bàn giao nhà sau lễ cúng thất tuần giáo sư, với mong muốn căn nhà nhanh chóng đi vào hoạt động như một địa chỉ văn hóa của TP.HCM - như ước nguyện của giáo sư lúc sinh thời.

Chiều 14-8, đại diện trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích TP.HCM đã đến để nhận bàn giao căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai. Phía gia đình, hai người con trai là giáo sư Trần Quang Hải và kiến trúc sư Trần Quang Minh không có mặt. Con dâu trưởng của giáo sư là ca sĩ Bạch Yến cùng một số môn đệ của giáo sư có mặt.

Không có nghi lễ bàn giao gì diễn ra một cách trang trọng chỉ đơn giản là đại diện trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích đã nhận và kiểm kê các vật dụng cùng căn nhà. Phần thư viện sẽ được bàn giao riêng cho bên bảo tàng.

Cũng tại căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai, PV nhận thấy dù di nguyện của giáo sư là được để tro cốt ở căn nhà này nhưng hiện chỉ có bàn thờ chứ không thấy bình tro cốt. Đặt câu hỏi với gia đình, thì bà Thế Thanh - nguyên phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM, chia sẻ là dù đó là di nguyện của giáo sư nhưng con trai thứ của giáo sư là kiến trúc sư Trần Quang Minh muốn mang tro cốt của cha về gia đình để tiện việc thờ cúng nên tạm thời tro cốt của giáo sư không còn ở đây.

Số tiền phúng điếu (hơn 700 triệu đồng) sẽ được lập quỹ văn hóa Trần Văn Khê nhưng quyền quyết định việc đó thuộc về gia đình. Tất nhiên, mong ước của mọi người yêu mến giáo sư là vào giỗ đầu của ông, những hoạt động đầu tiên của quỹ (hỗ trợ, trao học bổng...) sẽ được thực hiện và nếu thế thì việc lập quỹ này trong năm nay phải làm xong thủ tục.

Hơn 200 cuốn sổ ghi chép (du ký) của giáo sư cũng đang được chị Xuân Mai (nguyên cán bộ trung tâm lưu trữ quốc gia) số hóa cũng có thể sẽ tiếp tục triển khai sau khi trung tâm bảo tồn và phát huy di tích TP nhận bàn giao xong.

Một chi tiết đáng quan tâm khác là số phận chị Na, người giúp việc cho giáo sư nhiều năm nay. Được biết, chị Na sẽ tạm rời căn nhà này ngay hôm nay.

Chị đã đi thuê một căn nhà khác để ở tạm vì nhân viên của trung tâm bảo tồn sẽ tiếp quản căn nhà và sau khi mọi thủ tục xong xuôi, căn nhà hoạt động trở lại thì có thể chị Na sẽ quay lại làm tiếp công việc ở đây.

Cũng theo lời bà Thế Thanh thì mọi người làm việc ở căn nhà này đều do giáo sư Trần Văn Khê trả lương bằng tiền lương hưu của ông và cho đến nay chưa có ai trong số con cháu giáo sư lên tiếng rằng họ sẽ thay cha tiếp tục trả lương cho những người này.

Trò chuyện với PV Tuổi Trẻ, chị Na tâm sự chị cũng muốn quay lại đây vì gắn bó với ông (giáo sư Trần Văn Khê) nhiều năm, giờ đi tất nhiên là buồn lắm!

Về thông tin tiền lương của chị Na từ khi giáo sư Trần Văn Khê mất đến giờ, chị Na cho biết chị Thuỷ Ngọc, con gái bác Khê, vẫn dùng tiền lương của bác Khê để trả cho chị.


Biết tin chiều 14-8 sẽ có lễ bàn giao nhà giáo sư Trần Văn Khê, dù không hề có một cuộc họp báo nào nhưng rất đông các nhà báo quan tâm đến sự kiện này vẫn có mặt - Ảnh: Cát Khuê


Bà Thế Thanh, nghệ sĩ Kim Cương chia sẻ với báo chí những thông tin về ngôi nhà mà giáo sư Trần Văn Khê đã sống những năm cuối đời - Ảnh: Cát Khuê


Căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai từ hôm nay sẽ được chuyển giao lại cho Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích TP.HCM quản lý - Ảnh: Cát Khuê

Cát Khuê/Tuổi Trẻ Online

Chia sẻ bài viết