Tiếng Việt | English

10/07/2015 - 09:39

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê và những bài thơ viết ở xứ người

 

Trong một chuyến đi dự lễ khai mạc Hàn lâm Viện Thi ca thế giới tại Verome (Ý), nhà thơ Huy Cận ghé Pháp, sau đó gọi điện thoại hỏi thăm công việc và sức khỏe của GS-TS Trần Văn Khê. Trong câu chuyện qua điện thoại, nhà thơ Huy Cận đã đọc mấy câu thơ lục bát của ông vừa mới sáng tác tại Paris để tặng GS-TS Trần Văn Khê:

Giữa đời, giữa mấy tri âm

Bá Nha hỡi! Cử khúc cầm sầu vui.

Mai sau dẫu hết nợ đời

Hồn ta còn vọng tai người nào chăng?

Non cao cho tới biển bằng

Lòng ta trải mãi đường băng dặm dài.

Tấc lòng gửi lại những ai

Hiểu nhau trong cõi thương hoài thời gian.

Bài thơ này nhà thơ Huy Cận viết tại Paris, GS-TS Trần Văn Khê ghi qua điện thoại. Sau khi gác điện thoại, đọc lại mấy câu thơ, nghe nhà thơ Huy Cận gọi Bá Nha mà mình cũng là nhạc sĩ nên ông họa ngay:

Đàn thơ đã quyện hòa âm

Bá Nha chưa dứt tiếng cầm reo vui.

Đến khi hết nợ trên đời

Tử Kỳ vẫn nhớ hỡi người quên chăng?

Cao Sơn, Lưu Thủy, Nam Bằng

Tiếng tơ dìu dặt, trầm thăng ngắn dài.

Cung đàn, xin gởi cho ai

Niết bàn, chúc bạn sống ngoài không gian.

Vào đầu tháng 1-2003, sau chuyến đi Bruxelles mặc dù trong lúc sức khỏe không ổn định, nhưng GS-TS Trần Văn Khê vẫn đáp ứng được yêu cầu của các đài phát thanh Rel, đài SBC đang tổ chức nhiều cuộc phỏng vấn ông với nội dung Nhạc Cung đình Việt Nam đã được UNESSCO nhìn nhận là kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại trong khuôn khổ của UNESSCO và đài phát thanh Pháp France Culture về các hoạt động văn hóa, những công trình nghiên cứu và kết quả dạy học của ông từ Pháp trên 40 năm qua. Vào trung tuần tháng 5-2004, GS-TS Trần Văn Khê về lại quê hương để tiếp tục tham gia các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, trong đó có: Đưa dân ca - âm nhạc truyền thống vào chương trình giáo dục tiểu học (đã được UNESSCO chọn 5 quốc gia Châu Á làm thí điểm).

Trong những lần về lại Việt Nam, cũng như ngay cả lúc đang ở nước Pháp, tuy bận rộn nhiều việc, nhưng GS-TS Trần Văn Khê vẫn cung cấp không ít tư liệu về nội dung hoạt động của ông trên lĩnh vực văn hóa – văn nghệ. Vào mỗi dịp xuân về, ông vẫn thường làm thơ gởi về quê hương chúc tết người thân, bạn bè.

Đầu xuân Giáp Thân 2004, GS-TS Trần Văn Khê từ Pháp điện thoại về Việt Nam kính gởi các thầy, các anh, các chị; mến gởi bạn bè thân hữu khắp nơi, các bạn đồng môn sinh nam, nữ; người thân và con cháu trong gia đình với lời chúc một năm mới an lành, hạnh phúc và bài thơ Khai bút Giáp Thân:

Khai bút Giáp Thân tại xứ người,

Khai đàn khẽ dạo khúc vui tươi.

Thi ca bốn biển, mê nhiều loại

Âm nhạc năm châu, học khắp nơi.

(Nhưng) tiếng Việt luôn làm thơ Việt mãi“

Đàn Nam chỉ gãy khúc Nam thôi”.

Bôn ba hải ngoại vì công việc.

Còn mộng hồi hương sống cuối đời.

Vào trung tuần tháng 5-2004 ông đã về lại quê hương để tiếp tục tham gia nhiều hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, trong đó có việc thực hiện thí điểm Dự án âm nhạc học đường. Tuy nay đã đi xa nhưng những gì mà ông đóng góp cho nền âm nhạc vẫn còn mãi với thời gian./.

Lê Hoàng Dũng

Chia sẻ bài viết