Bến khách Long Cang - Tân Bình trên sông Vàm Cỏ Đông
“Tính mạng con người là trên hết”
Bến khách Long Cang - Tân Bình qua sông Vàm Cỏ Đông nối 2 xã Long Cang (huyện Cần Đước) và Tân Bình (huyện Tân Trụ) do ông Bùi Hữu Phương quản lý hoạt động hiệu quả, an toàn suốt 17 năm nay. Hiện bến khách này có 4 chiếc phà, 3 chiếc hoạt động và 1 chiếc dự phòng. Mỗi ngày, các phà chở khoảng 2.000 lượt khách, chủ yếu là công nhân. Bến hoạt động 24/24 giờ, cao điểm nhất vào giờ tan tầm. Các phà làm bằng sắt, có tải trọng lớn. Theo ông Phương, mỗi năm, phà được đăng kiểm đầy đủ. Ông và nhân viên thường xuyên kiểm tra, bảo trì phà cũng như máy móc, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Chiếc nào có dấu hiệu hư hỏng là sửa chữa ngay và thay bằng phà dự phòng,...
Trên mỗi phà đều trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm theo quy định. Khi phà rời bến, chỗ xe lên xuống có hàng rào đóng lại, chốt cẩn thận nhằm đề phòng khách lỡ vặn tay ga. Hai bên bến được thiết kế hợp lý, chắc chắn, thông thoáng, phân làn rõ ràng, có mái che cho khách lúc đợi phà.
Ông Phương cho biết: “Làm nghề này nhiều năm, tôi luôn chấp hành tốt quy định của Nhà nước nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hành khách. Các tài công đều có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, người ít kinh nghiệm nhất cũng hơn 10 năm. Do đây là đoạn sông có nhiều tàu, ghe qua lại nên tôi thường xuyên nhắc nhở tài công phải quan sát thật kỹ trước khi sang sông, nhường cho các phương tiện khác chạy trước. Tôi mong hành khách cùng phối hợp chấp hành đúng quy định để bảo đảm an toàn”.
Nhân viên bến khách ngang sông Vàm Thủ (huyện Thủ Thừa) phát áo phao cho khách
Cũng theo ông Phương, khách đi phà rất an tâm vì phà lớn, độ an toàn cao. Mặt khác, do nắm được nhu cầu của công nhân nên ông nhắc các tài công hễ trên bến hết khách là khởi hành, tránh họ bị trễ giờ làm. Bên cạnh đó, phà cũng không được phép chở quá số người, trọng tải quy định.
Anh Nguyễn Quốc Dũng - hành khách đi phà, nói: “Tôi ở huyện Tân Trụ, làm công nhân bên huyện Cần Đước nên ngày nào cũng đi phà này. Các bác tài và nhân viên rất nhiệt tình, cẩn thận, cố gắng để công nhân không trễ giờ làm và bảo đảm an toàn. Mười mấy năm nay, tôi chưa nghe có tai nạn trên bến phà này”. Mới đây, bến khách Long Cang - Tân Bình được chọn làm điểm thực hiện mô hình tự quản về an toàn giao thông.
Bến khách ngang sông Vàm Thủ nối xã Bình An và Mỹ Phú (huyện Thủ Thừa) do ông Nguyễn Trọng Phước làm chủ cũng bảo đảm tiêu chí an toàn. Hoạt động từ năm 1993, hiện bến khách này có 4 chiếc phà gỗ, 2 chiếc chạy, 2 chiếc dự phòng.
Thời gian hoạt động 24/24 giờ. Cả 4 tài công đều có kinh nghiệm, chứng chỉ chuyên môn. Trên mỗi phà bố trí đầy đủ áo phao, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm theo quy định. Mỗi ngày, các phà chở khoảng 1.000 lượt khách sang sông. Ông Phước cho biết: “Tôi luôn xem tính mạng con người là trên hết. Do đó, tôi thường nhắc nhở tài công, nhân viên cẩn thận, đặt mục tiêu an toàn của hành khách lên hàng đầu. Trước khi vận hành phà phải kiểm tra kỹ tất cả các khâu, nếu có sự cố phải đổi phà ngay. Cảnh sát giao thông (CSGT), chính quyền địa phương thường đến kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc nên ý thức chấp hành quy định của nhân viên và người dân dần đi vào nề nếp”.
Hai bến khách trên đều có giấy phép, niêm yết nội quy, phí qua đò đầy đủ. Khi khách xuống phương tiện được nhân viên hướng dẫn mặc áo phao; đồng thời, khách cũng chấp hành hướng dẫn để qua sông an toàn.
Nhiều biện pháp bảo đảm an toàn
Từ đầu năm 2024, Phòng CSGT, Công an tỉnh phối hợp Cảng vụ đường thủy nội địa, Thanh tra giao thông tỉnh tổ chức tuyên truyền 182 cuộc với 1.220 người dự tại các bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh; tổ chức 472 ca tuần tra, kiểm soát, phát hiện, lập biên bản 913 trường hợp vi phạm trên đường thủy nội địa; kiểm tra 40 bến khách ngang sông, xử phạt hành chính 20 trường hợp không bảo đảm phao cứu sinh cho khách.
Phòng CSGT thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên đường thủy. Qua đó, trực tiếp kiểm tra việc tổ chức đưa đón khách qua sông của các chủ bến; kiểm tra việc hướng dẫn khách mặc áo phao, dụng cụ nổi khi qua sông; kiểm tra việc bố trí áo phao, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy; qua đó phát hiện, lập biên bản đình chỉ ngay các bến khách không bảo đảm an toàn.
Trung tá Nguyễn Hữu Nghĩa - Đội trưởng Đội Cảnh sát Đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, hướng dẫn học sinh sử dụng cặp phao cứu sinh
Phòng CSGT và Tổ liên ngành bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy năm 2024 khảo sát việc tổ chức giao thông, bố trí phao dẫn luồng, báo hiệu tại các bến khách, khắc phục 3 trường hợp chưa bảo đảm an toàn; tổ chức 12 buổi nói chuyện, quán triệt cho các chủ bến và người điều khiển phương tiện thủy về việc chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa;...
Theo Trung tá Nguyễn Hữu Nghĩa - Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng CSGT, Công an tỉnh, hướng tới, Phòng CSGT và các cơ quan quản lý nhà nước trên đường thủy nội địa tiếp tục kiểm tra, lập biên bản xử lý nghiêm các bến vi phạm; ra quyết định xử phạt hành chính hoặc đình chỉ, kiến nghị không gia hạn phép các trường hợp vi phạm an toàn bến.
Đồng thời, các mô hình Bến khách an toàn sẽ được xây dựng nhiều và nhân rộng; phối hợp các cơ quan quản lý, chủ, nhân viên bến khách trao đổi thông tin, xử lý các bất cập, tồn tại; phối hợp UBND địa phương kiểm tra an toàn các bến trước khi cấp lại giấy phép hoạt động theo Nghị định số 06/2024/NĐ-CP, ngày 25/01/2024 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2021/NĐ-CP, ngày 28/01/2021 của Chính phủ trong quản lý hoạt động đường thủy nội địa.
Bên cạnh đó, Phòng CSGT sẽ phối hợp các đơn vị liên quan tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân; kêu gọi người dân lưu thông qua lại các bến khách cung cấp thông tin về việc thực hiện quy định của chủ bến để lập biên bản xử lý kịp thời, tạo tính răn đe và bảo đảm an toàn cho hành khách sang sông./.
Châu Thanh