Tiếng Việt | English

19/02/2024 - 12:37

Bảo đảm sức khỏe người lao động vì sự phát triển của doanh nghiệp

Sức khỏe của người lao động (NLĐ) là một trong những yếu tố quyết định chất lượng, năng suất làm việc và sự phát triển của doanh nghiệp (DN). Vì vậy, ngoài thực hiện tốt các chính sách chăm lo đời sống thì việc tạo môi trường lao động an toàn, bảo đảm tốt sức khỏe cho NLĐ cần được các DN chú trọng.

Việc khám sức khỏe định kỳ đóng vai trò quan trọng giúp người lao động phát hiện và điều trị sớm bệnh nghề nghiệp

Việc khám sức khỏe định kỳ đóng vai trò quan trọng giúp người lao động phát hiện và điều trị sớm bệnh nghề nghiệp

Trong quá trình làm việc tại các DN, NLĐ thường xuyên tiếp xúc với máy móc, thiết bị hoặc môi trường có khói, bụi, tiếng ồn,... Chính vì thế, NLĐ đối diện với nguy cơ cao về tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp (BNN) nếu không tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc an toàn và biện pháp phòng hộ.

Theo Trưởng khoa BNN, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Nguyễn Hoài Duyên, BNN là những bệnh lý mang đặc trưng của nghề nghiệp hoặc liên quan tới nghề nghiệp, phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đến NLĐ. Nguyên nhân là do NLĐ tiếp xúc thường xuyên, lâu dài trong môi trường không bảo đảm an toàn, vệ sinh và tiềm ẩn yếu tố độc hại.

Hiện Nhà nước quy định có 34 BNN được hưởng bảo hiểm xã hội. Trong đó, có 7 bệnh thuộc nhóm bụi phổi, 10 bệnh thuộc nhóm nhiễm độc, 6 bệnh thuộc nhóm yếu tố vật lý, 5 bệnh thuộc nhóm bệnh da, 5 bệnh thuộc nhóm nhiễm khuẩn, 1 bệnh thuộc nhóm ung thư.

Ngày 20/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 659/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe NLĐ, phòng, chống BNN giai đoạn 2020-2030. Mục tiêu của chương trình nhằm bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho NLĐ, khuyến khích lối sống, dinh dưỡng lành mạnh tại nơi làm việc, phòng, chống bệnh, tật và BNN cho NLĐ, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Nhằm bảo vệ quyền lợi cũng như sức khỏe của NLĐ, thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), chăm sóc sức khỏe (CSSK), phòng, chống BNN cho NLĐ.

Năm 2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An phối hợp tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám BNN cho hơn 450 lượt NLĐ. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và NLĐ trong việc thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, CSSK và phòng, chống BNN.

Ông Nguyễn Hoài Duyên cho biết: “Việc khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ đóng vai trò quan trọng. Qua đó, giúp NLĐ được chẩn đoán, phát hiện và điều trị sớm BNN; đồng thời, kiến nghị DN bố trí sắp xếp việc làm hợp lý để bảo đảm sức khỏe cho NLĐ và chất lượng sản phẩm. Để bảo đảm chính xác kết quả khám và chẩn đoán đúng bệnh, các DN cần lựa chọn những cơ sở y tế khám sức khỏe uy tín có nhiệm vụ và đủ chức năng phù hợp để khám sức khỏe NLĐ”.

Sức khỏe của người lao động là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng, năng suất làm việc và sự phát triển của doanh nghiệp

BNN bào mòn sức khỏe NLĐ, làm giảm hiệu quả và năng suất, tăng nguy cơ gây tai nạn lao động nhưng hoàn toàn có thể phòng, tránh nếu có sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý, DN và bản thân NLĐ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác bảo vệ sức khỏe cho NLĐ, phòng tránh BNN chỉ mới được thực hiện bài bản, định kỳ ở các DN có quy mô lớn, còn không ít DN, nhất là một số DN vừa và nhỏ chưa quan tâm đúng mức vấn đề quan trọng này.

Để thực hiện hiệu quả công tác CSSK NLĐ, thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về vệ sinh lao động theo quy định. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn về công tác y tế lao động cho các cán bộ y tế tuyến huyện và tại cơ sở lao động để hoạt động CSSK NLĐ, phòng, chống BNN được triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả. Qua đó, góp phần bảo đảm sức khỏe, giúp NLĐ an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với DN./.

Thùy Minh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích