Tiếng Việt | English

26/04/2016 - 17:02

Bảo tàng Long An nơi lưu giữ những vết tích văn hóa lịch sử của đất và người Long An

Bảo tàng Long An tọa lạc tại phường 4, TP.Tân An là nơi lưu giữ cổ vật từ đầu thế kỷ XX và trưng bày nhiều hiện vật, tác phẩm nghệ thuật dân gian có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử. Đây là một địa điểm không thể bỏ qua đối với những ai muốn tìm hiểu về văn hóa lịch sử của Long An.


Bảo tàng Long An nơi lưu giữ những dấu vết lịch sử

Hệ thống trưng bày bảo tàng Long An được hình thành từ những ngày đầu thành lập -1985, qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, đến nay, bảo tàng được chia ra thành 2 khu, khu trưng bày bên trong bảo tàng và khu trưng bày bên ngoài là những hiện vật như xác máy bay, xe tăng,... Bên trong bảo tàng thì được phân ra thành 4 phòng theo từng thời kỳ lịch sử, gồm các chuyên đề: Khảo cổ học trên đất Long An - gian phòng này giới thiệu các di tích khảo cổ và di vật gắn liền với thời tiền sử.

Theo những dấu tích còn sót lại thì có thể thấy những người tiền sử bắt đầu công cuộc khai thác, khởi dựng nghiệp lớn trên mảnh đất Long An cách đây khoảng 4.000 năm. Những dấu tích cuộc sống của người xưa được tìm thấy trên vùng đất cao Đức Hòa, vùng sình lầy Cần Giuộc và vùng trũng thấp Đồng Tháp Mười. Bảo tàng Long An hiện còn lưu giữ khoảng 40 di tích về tiền sử của Long An gồm nhiều công cụ sản xuất bằng đá, xương, sừng, nhiều vật dụng bằng gốm màu, đồ trang sức cùng với mật độ lớn tàn tích di cốt con người, các loài động vật trong các khu cư trú lớn như An Sơn (Đức Hòa), Rạch Núi (Cần Giuộc), Rạch Rừng (Mộc Hóa), cho thấy cuộc sống của những người tiền sử lúc bấy giờ khá phong phú. Cùng với cộng đồng cư dân trong vùng đến khoảng đầu công nguyên, người xưa đã hoàn tất việc tạo dựng nơi đây một nền văn hóa nổi tiếng.

Văn hóa Óc Eo ở Long An phát triển rất lâu - từ đầu công nguyên cho đến khoảng thế kỷ thứ VIII. Dấu tích của họ được lưu lại như công cụ chế tác của các nghề thủ công tinh xảo ở những di tích cư trú xưởng thủ công lớn như: Gò Hàng (Vĩnh Hưng), Gò Dung (Tân Thạnh), Gò Đế (Mộc Hóa); nhiều vật thờ, minh văn bằng vàng, đá với cách chạm trổ tinh tế, từ ngữ bóng bẩy ở những di tích kiến trúc của những trung tâm chính trị tôn giáo như: Bình Tả (Đức Hòa), Tho Mo (Đức Huệ). Trong văn phòng trưng bày văn hóa Óc Eo còn lưu giữ những chiếc vòng mã não mà người xưa đã sử dụng, cho thấy người dân Óc Eo đã đạt đến mức tuyệt mỹ trong nghề làm đồ trang sức bằng vàng, kim loại quý, đá và thủy tinh.

Ngoài ra, gian phòng này còn trưng bày những đồng tiền mà theo như những nhà khảo cổ học khai quật thì người ta cho đó là dạng đồng tiền Địa Trung Hải để có thể thấy được một nền thương nghiệp phát triển của cư dân Óc Eo Long An thời đó. Trên nền tảng văn hóa truyền thống họ đã vận dụng nhiều yếu tố văn hóa ngoại nhập chủ yếu là văn hóa Ấn Độ. Qua đó có thể thấy, Long an thời Óc Eo cuộc sống của người dân thời này khá văn minh, họ trải qua nhiều gian truân và tạo nên những kỳ tích tuyệt vời.

Long An trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp - giới thiệu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Long An qua các giai đoạn: Trước khi thành lập Đảng; giai đoạn 1930 – 1945; giai đoạn 1945 – 1954. Đến với gian phòng trưng bày những di tích thời kháng chiến chống Pháp, ta có thể thấy được một góc hình về nơi có liên quan đến 3 trận đánh lớn như Mộc Hóa, Miễu Bà Cố, Kinh Bùi. Ngoài ra, trong gian phòng còn trưng bày mô hình quá trình đánh sập cầu Bến Lức năm 1952, một sa bàn miêu tả sơ về các trận đánh, bảng số liệu vinh danh những anh hùng, những chiến công mà quân và dân Long An đạt được trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954).

Long An trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, gian phòng này phản ánh lại cuộc đấu tranh gian khổ, khốc liệt nhưng rất đổi hào hùng và truyền thống “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” của quân và dân Long An thông qua tranh ảnh, bảng biểu miêu tả một số hình ảnh có liên quan đến những trận đánh lớn trong giai đoạn này như là phong trào đồng khởi của quân dân Long An kết hợp với quân dân cả nước, phong trào phá ấp chiến lược,... Gian phòng còn trưng bày lá cờ Long An trung dũng, kiên cường, hình ảnh tiêu biểu của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, những Anh hùng Lực lượng vũ trang trên đất Long An, những thành tích của quân và dân Long An đạt được trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Và cuối cùng là gian phòng Mỹ thuật - trưng bày các hiện vật bằng gỗ, những bức phù điêu với các đề tài như tiên nữ, hệ thống bộ sưu tập bằng rễ cây tạc theo những hình thù có sẵn trên rễ cây như hình rùa, cọp… rất phong phú. Đặc biệt, gian phòng này có trưng bày tượng phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay do 2 nghệ nhân người Long An ra tận Hà Bắc thực hiện theo bức tượng gốc và mô phỏng tạc lại bức tượng có kích thước nhỏ hơn 5 lần so với bức tượng gốc, gian phòng này còn trưng bày một số đồ gốm chủ yếu của Đồng Nai, Biên Hòa, Trung Quốc vào khoảng thế kỷ XIX, XX.

Thời gian qua bảo tàng phối hợp với ngành Giáo dục và Tỉnh đoàn thực hiện phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, đưa học sinh đến đây để tìm hiểu rõ hơn về văn hóa cũng như lịch sử của Long An. Hiện, Bảo tàng Long An đã và đang là địa điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan và tìm hiểu lịch sử tỉnh nhà, qua đó, góp phần làm sáng tỏ diện mạo văn hóa Tiền sử và Óc eo ở Long An nói riêng và Nam bộ nói chung.

Dự kiến đến năm 2017 và chậm nhất là đầu năm 2018, Bảo tàng Long An sẽ được xây dựng lại để phục vụ tốt hơn cho công tác lưu giữ hiện vật và thu hút khách tham quan trong thời gian tới./.

Thúy Kiều - Phương Dung

Chia sẻ bài viết