Tiếng Việt | English

04/08/2023 - 09:36

Bến Lức: Nhiều kết quả nổi bật sau nửa nhiệm kỳ

Thực hiện Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Bến Lức, tỉnh Long An có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Đến nay, kinh tế của huyện tăng trưởng khá, khẳng định vai trò động lực trong nền kinh tế của tỉnh.

Công nghiệp phát triển mạnh trên địa bàn huyện Bến Lức

Tập trung thực hiện 3 trụ cột chính để phát triển

NQĐH Đảng bộ huyện Bến Lức nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 14 chỉ tiêu. Thông tin từ Thường trực Huyện ủy, dự kiến, đến cuối năm 2023, có 4 chỉ tiêu đạt; đến năm 2025, có 8 chỉ tiêu đạt, 5 chỉ tiêu vượt và 1 chỉ tiêu không đạt (tốc độ tăng giá trị sản xuất).

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bến Lức - Dương Văn Út khẳng định, kết quả đã đạt trong nửa nhiệm kỳ là nhờ sự đoàn kết, chủ động, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò lãnh, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy, điều hành của chính quyền các cấp, sự đồng lòng, chung tay của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Ban Thường vụ Huyện ủy đã nghiên cứu, vận dụng phù hợp những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào tình hình thực tế của huyện và mạnh dạn chọn khâu đột phá tập trung thực hiện. Đặc biệt, huyện nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh.

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện NQĐH Đảng bộ huyện lần thứ XII, Huyện ủy Bến Lức đã tập trung lãnh đạo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trên 3 trụ cột: “Công nghiệp, thương mại - dịch vụ, đô thị là trọng tâm; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nền tảng; xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao”, đạt nhiều kết quả quan trọng. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, phù hợp quá trình đô thị hóa và tiềm năng, lợi thế của huyện.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn huyện được thực hiện với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, đồng bộ và trách nhiệm. Qua đó, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện được tăng cường. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân được các cấp ủy Đảng tăng cường, có nhiều đổi mới qua hình thức trực tiếp gắn với khai thác hiệu quả hệ thống hội nghị trực tuyến và mạng xã hội như fanpage Người Bến Lức, Facebook Bến Lức Anh hùng, Zalo Thông tin Bến Lức,...

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út cho biết, kinh tế của huyện tiếp tục duy trì ở mức tăng trưởng khá. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 3 năm là 9,2%. Về cơ cấu, công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp tương ứng là 90,14%, 8,78%, 1,09%.

Lĩnh vực nông nghiệp được tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tập trung trên cây chanh và từng bước thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Hiện nay, diện tích trồng chanh toàn huyện là 6.761ha, trong đó, diện tích cho trái 5.782ha, năng suất bình quân 168 tạ/ha, sản lượng 97.713 tấn. Theo kế hoạch, chanh ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025 đạt 1.500ha. Huyện đã triển khai tại 7 xã, gồm: Lương Hòa, Lương Bình, Bình Đức, Thạnh Lợi, Thạnh Hòa, Tân Hòa và An Thạnh. Chương trình xây dựng nông thôn mới bảo đảm lộ trình đề ra. Đến nay, huyện có 11/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bình quân các xã đạt 18,29 tiêu chí, tăng 1,52 tiêu chí so với năm 2020.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hút đầu tư

Về công nghiệp - xây dựng, giá trị sản xuất năm 2023 ước đạt 127.007 tỉ đồng, chiếm khoảng 38,12% so với toàn tỉnh, bằng 1,31 lần so với năm 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm là 9,37% (NQĐH là 13,8%). Các ngành như công nghiệp chế biến, giày da, thức ăn gia súc, may mặc, chế biến gỗ, sản xuất thiết bị điện,... đóng vai trò chủ lực.

Thu hút đầu tư đạt kết quả nổi bật nhờ đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng và nâng cấp, mở rộng khu, cụm công nghiệp (K,CCN), song song với thực hiện nhiều chính sách thông thoáng trong cải thiện môi trường đầu tư. Huyện đã thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đến đầu tư. Tỷ lệ lấp đầy các K,CCN đạt 89%, tăng 12,34% so với cuối năm 2020. Huyện đang xúc tiến đầu tư mới 2 KCN theo chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích 650ha.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện tiếp nhận 431 DN và chi nhánh trong nước với vốn đầu tư 5.531 tỉ đồng, 11 DN và chi nhánh đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 11 triệu USD. Toàn huyện hiện có 2.621 DN và chi nhánh trong nước đang hoạt động với tổng vốn đầu tư 31.606,1 tỉ đồng, 126 DN và chi nhánh đầu tư nước ngoài đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 1,337 tỉ USD.

Thương mại - dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú, chú trọng các ngành, lĩnh vực cho giá trị gia tăng cao như siêu thị, ngân hàng, cửa hàng tiện ích, kho bãi,... phục vụ nhu cầu sản suất, kinh doanh của người dân. Các loại hình dịch vụ hỗ trợ gắn với phát triển dân cư đô thị được quan tâm phát triển. Công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm đạt kết quả tích cực.

Công tác điều hành thu ngân sách ngày càng chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Tổng thu ngân sách 3 năm qua là 13.813 tỉ đồng (bằng 101,31% tổng thu cả nhiệm kỳ trước, bình quân tăng 5,9%/năm), trong đó, thu ngân sách huyện 3 năm là 2.588 tỉ đồng (bằng 79,7% tổng thu ngân sách giai đoạn 2016-2020), tốc độ tăng thu bình quân đạt 9,42%/năm.

Công tác đầu tư xây dựng cơ bản bảo đảm theo Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư trung hạn. Khối lượng thực hiện và giá trị giải ngân các công trình theo danh mục hàng năm đều đạt kế hoạch, đến nay, không còn nợ đọng. Các công trình trọng điểm của NQĐH XII Đảng bộ huyện đạt và vượt tiến độ đề ra.

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng được tập trung quyết liệt bằng chương trình, kế hoạch cụ thể, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc theo tinh thần Nghị quyết số 25-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, GPMB, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Long An”. Tiến độ triển khai bồi thường, GPMB các dự án đạt kết quả tích cực. Các công trình trọng điểm của tỉnh trên địa bàn huyện như đường Vành đai 3 TP.HCM, Đường tỉnh 830E, Dự án GPMB tạo quỹ đất sạch để bố trí tái định cư Đường tỉnh 830E và phát triển đô thị tại xã Thanh Phú được phối hợp thực hiện GPMB đạt khả quan. Trong đó, đường Vành đai 3 TP.HCM và Đường tỉnh 830E được tỉnh tổ chức khởi công đúng kế hoạch.

Theo ông Dương Văn Út, từ thực tiễn lãnh, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện NQĐH XII Đảng bộ huyện trong nửa nhiệm kỳ qua, Huyện ủy rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Đó là giữ vững đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ, trước hết là trong Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy; quán triệt sâu sắc các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; phát huy trí tuệ của tập thể; đề cao vai trò người đứng đầu, trách nhiệm cá nhân; làm việc theo chương trình, kế hoạch, quy chế đề ra.

Những kết quả đã đạt cùng ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên sẽ là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện khắc phục tồn tại, hạn chế, vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Với tinh thần đó, Huyện ủy đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trên lĩnh vực kinh tế, huyện tập trung hoàn chỉnh phê duyệt các quy hoạch tỉnh giao huyện làm chủ đầu tư làm cơ sở đấu thầu các dự án; hoàn chỉnh chương trình Phát triển và Quản lý đô thị sau khi phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Bến Lức tỷ lệ 1/10.000. Đồng thời, huyện triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn huyện và các quy hoạch khác; huy động hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, hoàn thiện và nâng cao chất lượng đô thị loại III./.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện NQĐH Đảng bộ huyện Bến Lức lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, tổ chức vào ngày 03/8/2023, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, tuy quy mô nền kinh tế của huyện thuộc hàng đầu, chiếm giá trị sản xuất lớn trên toàn tỉnh và thu ngân sách đứng hàng thứ 2 của tỉnh nhưng chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng và lợi thế của địa phương.

Tốc độ tăng giá trị sản xuất, tỷ lệ tăng thu ngân sách nhà nước chưa đạt kế hoạch. Tác động của việc phát triển công nghiệp khá nhanh đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, môi trường, an ninh, trật tự.

Ông đề nghị, giai đoạn từ nay đến năm 2025, Huyện ủy Bến Lức cần tiếp tục quán triệt, tập trung triển khai, thực hiện NQĐH Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, gắn với NQĐH XI Đảng bộ tỉnh và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nhất là quyết tâm, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Huyện ủy năm 2023 đề ra; đồng thời, tập trung rà soát, giải quyết các tồn tại, hạn chế, nhiệm vụ tồn đọng trong nửa đầu nhiệm kỳ.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết