Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (huyện Bến Lức) trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh
Huyện hiện có 10 di tích lịch sử, trong đó, có 2 di tích cấp quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh. Nhắc đến huyện Bến Lức, chắc hẳn nhiều người sẽ nhớ đến luật sư Nguyễn Hữu Thọ - người con ưu tú của quê hương Long An. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, bí danh Ba Nghĩa, sinh ngày 10/7/1910 trong một gia đình công chức tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn, nay là huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Ông là một nhà lãnh đạo tài ba, một nhân cách mẫu mực, luôn hết lòng phụng sự Tổ quốc, Nhân dân; tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Cảm phục tấm lòng của người cộng sản kiên trung, bất khuất, năm 2010, tỉnh xây dựng Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức.
Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng năm 2010. Đây là công trình tôn tạo có diện tích 10.000m2 và được chia làm 3 khu vực tham quan chính: Đền tưởng niệm, Phòng trưng bày thân thế và sự nghiệp luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Thư viện Nguyễn Hữu Thọ - thư viện lớn nhất trên địa bàn huyện Bến Lức. Ngoài ra, công trình còn có các hạng mục: Khu công viên cây xanh, nơi trồng cây lưu niệm và các hạng mục phụ trợ khác. Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 2015. Hiện nay, Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh.
Hàng năm, cứ vào ngày 11 và 12/9 Âm lịch, người dân khắp nơi lại về Xóm Nghề để tổ chức lễ giỗ cụ Nguyễn Trung Trực. Xóm Nghề thuộc thôn Bình Nhựt, Tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, phủ Tân An xưa, nay thuộc ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức. Trước đây, khu vực này là một làng chài nhỏ bên sông Vàm Cỏ Đông, nơi sinh ra người anh hùng dân chài Nguyễn Trung Trực. Những năm qua, quy mô tổ chức lễ giỗ tại Khu di tích Xóm Nghề thường nhỏ gọn nhưng tấm lòng người dân thập phương hướng đến cụ Nguyễn luôn chân thành, quý trọng.
Năm 1994, Khu di tích Xóm Nghề được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Sau nhiều năm giữ gìn, khai thác và tôn tạo, thời gian tới, UBND huyện Bến Lức có điều chỉnh, bổ sung quy mô đầu tư.
Du khách tìm hiểu Thư viện Nguyễn Hữu Thọ. Đây cũng là thư viện lớn nhất trên địa bàn huyện Bến Lức
Rừng tràm Bà Vụ là 1 trong 10 di tích lịch sử trên địa bàn huyện. Rừng tràm Bà Vụ xưa là khu vực rộng lớn thuộc 4 xã: Lương Hòa, An Thạnh, Tân Bửu, Tân Hòa. Di tích lịch sử Rừng tràm Bà Vụ, tọa lạc ấp 1, xã Tân Hòa ngày nay. Ngược dòng lịch sử, địa danh Rừng tràm Bà Vụ thuộc khu vực có địa hình trũng thấp, ven bờ Vàm Cỏ Đông, trước đây thuộc Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc huyện Bến Lức.
Trong hai cuộc kháng chiến, Rừng tràm Bà Vụ là căn cứ cách mạng nằm trong hệ thống liên hoàn các căn cứ Vườn Thơm, Bà Vụ - Láng Le, Bàu Cò lừng danh trên đất Long An. Các đồng chí: Nguyễn An Ninh, Châu Văn Liêm, Võ Công Tồn, Hồ Văn Long,... đã dày công xây dựng cơ sở Đảng nơi đây.
Di tích là minh chứng cho sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng. Ngày nay, Di tích lịch sử Rừng tràm Bà Vụ có diện tích xây dựng khoảng 10.893m2, được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 119/QĐ-UB, ngày 27/01/1994.
Theo UBND huyện, nhận thấy phát triển du lịch trên cơ sở khai thác giá trị của các di tích lịch sử là tiềm năng, thế mạnh, thời gian qua, huyện ban hành nhiều kế hoạch, văn bản, tích cực thực hiện các mô hình nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trong phát triển du lịch.
Người dân đến thắp hương Lễ giỗ cụ Nguyễn Trung Trực tại Khu di tích Xóm Nghề (huyện Bến Lức)
Năm 2023, sự ra đời của mô hình Số hóa tại các khu di tích là minh chứng cụ thể cho quyết tâm đưa du lịch gắn với giáo dục truyền thống đến gần hơn với du khách. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet và cài ứng dụng quét mã QR, du khách có thể nhanh chóng tìm kiếm được những thông tin về “địa chỉ đỏ” đó.
Hiện nay, 10/10 di tích lịch sử trên địa bàn huyện đều được số hóa. Đây là mô hình do Huyện Đoàn phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin huyện thực hiện. Cùng với ứng dụng công nghệ 4.0, huyện còn đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức.
Huyện Bến Lức cách trung tâm TP.HCM khoảng 30km, cách TP.Tân An khoảng 15km. Với những tiềm năng, vị trí thuận lợi trong phát triển du lịch gắn với giáo dục truyền thống cách mạng, Bến Lức đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong hành trình thăm mảnh đất anh hùng./.
Như Nguyệt