Tiếng Việt | English

31/10/2016 - 11:39

Bị lính Mỹ bắn chết khi chạy về hướng tàu địch không được công nhận liệt sĩ?

Ở ấp Bắc, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An có 3 ngôi mộ nằm cạnh nhau, trên bia khắc ghi thời gian mất cùng 9 giờ, ngày 12/5/1967, do bị lính Mỹ bắn chết trong một trận càn quét.

Câu chuyện 3 người bị lính Mỹ bắn chết cách nay 49 năm

49 năm sau, hiện nay, khu vực nơi 3 người bị lính Mỹ bắn chết có nhiều thay đổi, ngay cả bia mộ cũng phai màu. Những năm qua, gia đình nhiều lần làm đơn gửi đến các ngành chức năng từ tỉnh đến huyện, xã đề nghị công nhận 1 trong 3 người quá cố trên là liệt sĩ, đó là ông Tạ Văn Sáu.

Câu chuyện ông Tạ Văn Sáu và cha Tạ Văn Hội, mẹ Nguyễn Thị Mới bị lính Mỹ bắn chết cùng thời gian trên là hoàn toàn đúng sự thật. Hiện giờ, nhiều người còn biết sự việc này, trong đó có ông Tạ Văn Tàu (SN 1933), hiện đang sống tại ấp Bắc, xã Đông Thạnh. Ông Tàu kể: “Thời điểm ông Tạ Văn Sáu bị lính Mỹ bắn chết, tôi còn nhớ rất rõ bởi chính tôi là người thoát chết hôm ấy. Ông Sáu là đảng viên, cán bộ cách mạng, gia đình đào hầm nuôi giấu cán bộ. Lúc bấy giờ, tôi là Bí thư Chi bộ xã Đông Thạnh và là người trực tiếp phân công nhiệm vụ cho ông Sáu”.


Ông Tạ Văn Tàu là người làm chứng đề nghị công nhận liệt sĩ cho ông Tạ Văn Sáu (ông cũng chính là người thoát chết trong trận càn của địch ngày hôm ấy)

Theo ông Tàu, hôm đó, ông và ông Sáu cùng với cha, mẹ ông Sáu ẩn nấp tại hầm (ngay bên vách nhà ông Sáu) để tránh lính Mỹ càn quét. Tuy nhiên, căn nhà bị địch bắn phá bốc cháy dữ dội, trong lúc đó, ông cùng ông Sáu và cha, mẹ ông Sáu đẩy nắp hầm để chạy thoát thân. Vừa lên khỏi hầm, cha ông Sáu bị địch bắn bị thương, còn mẹ của ông Sáu bị bắn chết tại chỗ. Trong lúc hoảng loạn, ông Sáu cõng cha chạy ra đồng thoát thân, được một đoạn thì cả hai bị lính Mỹ bắn chết.

Bà Trần Thị Thanh Vân, 73 tuổi (ngụ ấp Bắc, xã Đông Thạnh) nhớ lại: “49 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ như in sự việc cả 3 người nhà ông Sáu bị lính Mỹ bắn chết. Theo tôi, ông Sáu xứng đáng là liệt sĩ, bởi thời kỳ đó, ông đang hoạt động cách mạng và che giấu cán bộ cách mạng”.

Hội đồng chính sách của xã không đồng ý

Theo ông Tạ Văn Vang, 50 tuổi (con trai của ông Tạ Văn Sáu), nhiều năm trước, mẹ ông là bà Nguyễn Thị Mai (83 tuổi) làm đơn gửi đến ngành chức năng đề nghị công nhận cha ông là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ nhưng không được công nhận.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh - Đặng Thị Hải Yến cho biết: “Năm 2005, Hội đồng Chính sách (HĐCS) của xã họp 4 lần và không đồng ý làm hồ sơ gửi về trên xem xét công nhận ông Sáu là liệt sĩ”. Theo bà Yến, năm 2005, các ngành ở huyện, tỉnh về xã nắm tình hình và đề nghị HĐCS của xã họp lại. Tuy nhiên, tất cả 24 thành viên trong HĐCS của xã vẫn bảo lưu kết quả không đồng ý. Mới đây, tháng 9/2016, xã tiếp tục nhận được đơn của gia đình về vấn đề này. “Do đây là vấn đề cũ được giải quyết, trả lời nhiều lần rồi nên xã dựa theo hồ sơ cũ từ năm 2005 để trả lời cho gia đình chứ không giải quyết nữa”, bà Yến nói.

Cũng theo bà Yến, trong HĐCS của xã Đông Thạnh có một số thành viên là cán bộ cách mạng, có người nguyên là lãnh đạo chủ chốt huyện Cần Giuộc hoạt động trong thời kỳ này. “Những thành viên trên trong hội đồng không đồng ý và cho rằng, có thời gian ông Sáu không chấp hành nhiệm vụ của tổ chức giao, chưa chuyển Đảng chính thức. Ngoài ra, ông Sáu cõng cha mình bị thương chạy về hướng tàu địch ngoài sông và bị bắn chết?...” - bà Yến cho biết thêm.

Qua tìm hiểu, trước khi HĐCS xã Đông Thạnh không đồng ý, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội từng đến ấp Bắc, xã Đông Thạnh tổ chức họp dân để lấy ý kiến bằng phiếu kín. Kết quả, có 20/25 phiếu đồng ý công nhận ông Sáu là liệt sĩ, chỉ có 5 phiếu không đồng ý.

Nhiều mơ hồ

Là người sinh trong thời bình, trong khi vụ việc 3 người bị lính Mỹ bắn chết xảy ra 49 năm trước nên người viết không dám đưa ra giả thiết, quy chụp, đánh giá, khẳng định đúng, sai mà thực tế chỉ là tập hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Hơn nữa, đây là vấn đề nhạy cảm liên quan đến “chế độ, chính sách với những người tham gia kháng chiến”; trong khi đó, những người không đồng ý, cả những người đồng ý hiện giờ có người đã mất nên cũng rất khó để khẳng định chính xác sự việc. Tuy nhiên, với những lý do chạy về hướng tàu địch, chưa là đảng viên chính thức, dời nhà, đào hầm trốn lính để không làm hồ sơ kiến nghị cấp trên xem xét công nhận liệt sĩ đối với ông Sáu thì cũng quá mơ hồ.

Chạy về hướng tàu địch thì sao, dân thường, không đảng viên thì thế nào? Và đào hầm trốn giặc cũng là chuyện bình thường trong chiến tranh. Hơn nữa, thời điểm xảy ra vụ việc, ông Sáu bung nắp hầm, cõng cha bị thương nặng chạy ra đồng trống, những người này cũng không có mặt chứng kiến? Trong khi đó, người thoát chết và chứng kiến sự việc hôm đó là ông Tạ Văn Tàu lại chắc như đinh đóng cột, ông Sáu xứng đáng là liệt sĩ.


Bà Nguyễn Thị Mai (83 tuổi) – vợ ông Tạ Văn Sáu cùng con trai ra tại khu vực hầm trú ẩn 49 năm trước

Sự việc xảy ra cách đây 49 năm, bây giờ chỉ là lời kể lại nhưng chúng tôi nhận thấy có những mâu thuẫn. Chẳng hạn, tại sao trong giấy xác nhận lý lịch kết nạp ông Tạ Văn Vang vào Đảng ngày 19/8/1987 lại nêu tiểu sử của cha ông là ông Tạ Văn Sáu có tham gia cách mạng từ năm 1960 đến 1967, bị Mỹ bắn chết. Giấy xác nhận lý lịch này do bà Huỳnh Thị Măng - Bí thư xã Đông Thạnh ký tên, đóng dấu. Trong giấy xác nhận trên không hề nói gì đến việc ông Sáu không chấp hành nhiệm vụ tổ chức phân công hay cõng cha chạy về hướng tàu địch để bị nghi ngờ đầu hàng địch,... Nếu căn cứ theo giấy xác nhận này thì đó là cơ sở khẳng định, ông Sáu là cán bộ cách mạng cho đến lúc bị bắn chết?

Hơn nữa, ông Tạ Văn Tàu dù đến năm 1970 ra chiêu hồi giặc thì vấn đề quan trọng và cần lưu ý ở đây là hiện nay, ông đang làm chứng cho vụ việc xảy ra vào ngày 12/5/1967, đó là thời khắc ông cùng trú ẩn chung hầm với ông Sáu, chứng kiến tận mắt vụ việc. Có quy định nào về việc, người chiêu hồi giặc làm nhân chứng liên quan đến việc giải quyết chế độ cho người có công với nước là không có giá trị?

“Lời nói của người trong cuộc và người không chứng kiến thì ai chính xác và đáng tin cậy hơn? Còn chuyện cõng cha bị thương chạy về hướng tàu địch thì sao? Ngay lúc ấy nhà cháy, mẹ bị bắn chết, cha bị thương nặng, phải giành giật mạng sống nên cha tôi cõng nội tôi chạy ra đồng trống, kêu gọi làng xóm cứu cha mình. Tại sao lại lấy lý do này và cho rằng, cha tôi cõng ông nội đi đầu hàng giặc? Mẹ tôi bây giờ 83 tuổi, mong ước duy nhất của bà là chồng mình được ghi danh liệt sĩ để xứng đáng với những hy sinh”, ông Tạ Văn Vang - con trai ông Sáu đặt vấn đề.

Cán bộ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Cần Giuộc - Trần Văn Tài cho biết: "Đến năm 1970, ông Tạ Văn Tàu chiêu hồi giặc nên những điều ông nói về việc này cũng mất nhiều giá trị". Ông Tài khẳng định, trong đợt rà soát tồn đọng hồ sơ liệt sĩ, thương binh lần này để giải quyết dứt điểm thì đến giữa tháng 11-2016, huyện phải gửi hồ sơ về tỉnh xem xét nhưng hiện giờ cũng không có trường hợp của ông Sáu. Theo ông Tài, HĐCS xã Đông Thạnh không đồng ý xác nhận thì không có hồ sơ gửi về huyện.

Về trường hợp này, ông Lê Vân - nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Tổng Biên tập Báo Long An, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh cũng rất quan tâm nên nhiều năm trước, ông đích thân tìm hiểu được một số người xác nhận và kiến nghị ông Tạ Văn Sáu xứng đáng được công nhận liệt sĩ, trong số đó có ông Trần Văn Triệu - nguyên Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc.

Về vụ việc này, mấy năm trước, quan điểm của UBND huyện Cần Giuộc nêu rõ: "Xét công nhận người có công với cách mạng phải công tâm, khách quan, không bỏ sót đối tượng, nhưng không làm sai". Vì thế, thiết nghĩ, trước những thông tin trái ngược nhau là người đề nghị được công nhận liệt sĩ, người nói không và những giả thiết, suy luận đặt ra, mong rằng, ngành chức năng tiếp tục xem xét, rà soát và tìm hiểu kỹ hơn nữa nhằm giải quyết thấu đáo vụ việc trên./.

Dù không có một quy định cụ thể nhưng với những người chiêu hồi hay chỉ điểm cho giặc thì không đủ tư cách xác nhận làm chứng những vấn đề liên quan đến việc giải quyết chế độ, chính sách cho người có công. Tuy nhiên, những ý kiến, xác nhận của người đó vẫn được ngành chức năng lắng nghe, tham khảo,...

Trưởng phòng Người có công (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) - Đặng Ngọc Tảo

Lê Đức

Chia sẻ bài viết