Tiếng Việt | English

13/09/2019 - 15:04

Bình yên trong các khu nhà trọ công nhân tự quản

Từ khi (năm 2013) Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Long An triển khai thực hiện Đề án Xây dựng tổ chức công nhân tự quản (CNTQ) ở khu nhà tập thể, khu nhà trọ có đông công nhân, lao động (CNLĐ) lưu trú (Đề án 01), nhiều CNLĐ xa nhà đã có nơi ở trọ an toàn. Đồng thời, mô hình nhà trọ CNTQ thay thế dần nhà trọ tự phát thường rất phức tạp, không an toàn bởi các tệ nạn như tụ tập ăn nhậu, đánh bài,... gây mất trật tự.

Từ chủ trương đúng đắn

Hiện nay, Long An có tốc độ phát triển công nghiệp rất nhanh, lực lượng CNLĐ cũng theo đó mà tăng lên đáng kể. Khi các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút hàng trăm ngàn CNLĐ, trong đó, CNLĐ ngoài tỉnh chiếm tỷ lệ khá cao, họ có nhu cầu ở trọ. Trong khi đa phần doanh nghiệp (DN) không tổ chức được chỗ ở cho CNLĐ, buộc họ phải thuê chỗ trọ bên ngoài. Từ đó, nhiều khu nhà trọ tự phát ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu ở trọ của CNLĐ xa nhà. 

Bà Lương Thị Ngoai - chủ nhà trọ Thiên Lý (xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa), chia sẻ: "Các khu nhà trọ tự phát đều thiếu nơi sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí, tiềm ẩn nhiều nguy cơ với nhiều loại tệ nạn xã hội, an ninh, trật tự không bảo đảm. Trong khi CNLĐ đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước, hầu hết xuất thân từ nông thôn, trình độ học vấn thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật sống gần nhau. Đây là nơi dễ nảy sinh tình trạng rượu chè, cờ bạc, sống thử, bạo hành gia đình,… Thực tế ấy đòi hỏi phải có nơi ở trọ an toàn hơn cho CNLĐ. Theo tôi, mô hình nhà trọ CNTQ ra đời là chủ trương đúng đắn và kịp thời".

Ra mắt Ban Tự quản công nhân tại các khu nhà trọ

Ra mắt Ban Tự quản công nhân tại các khu nhà trọ

Chị Nguyễn Thị Ánh - CN Công ty (Cty) TNHH Giày ChingLuh Việt Nam, đang thuê trọ tại nhà trọ Duy Quý (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức), cho biết: "Tôi lên đây thuê trọ đi làm được hơn 5 năm. Nhà trọ tôi đang ở có hơn 200 phòng rất khang trang, sạch sẽ, giá thuê cũng rẻ hơn so với các khu nhà trọ khác trên địa bàn, mỗi phòng chỉ từ 800.000-1.000.000 đồng/tháng. Ở đây rất an toàn và yên tĩnh".

Chủ nhà trọ Duy Quý là ông Nguyễn Văn Lới. Chia sẻ về vấn đề bảo đảm an toàn trong nhà trọ, ông Lới nói: "Từ khi thành lập tổ CNTQ, nhà trọ của tôi không còn những vụ mất cắp vặt; các em, cháu thuê ở trọ sống chan hòa, vui vẻ với nhau”. Còn ông Nguyễn Văn Hòa - chủ nhà trọ 7 Công (xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa), cho biết: "Tôi thấy rất rõ những bất cập ở nhà trọ dành cho CNLĐ. Vì vậy, khi có chủ trương thành lập tổ CNTQ nhà trọ, tôi xung phong và nhiệt tình hưởng ứng”. 

Anh Nguyễn Văn Trường - CN Cty TNHH Cơ khí công, nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, đang thuê trọ tại nhà trọ 7 Công, cho hay: "Trước đây, nhà trọ 7 Công là một trong những khu nhà trọ nổi tiếng an toàn và sạch sẽ, chủ nhà rất quan tâm đến CNLĐ. Từ khi thành lập tổ CNTQ thì CNLĐ càng an tâm hơn".

Thiết thực và hiệu quả

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - Nguyễn Văn Quí cho biết: "Thực hiện tốt Đề án 01/ĐA-LĐLĐ, đến nay, toàn tỉnh thành lập được gần 300 tổ CNTQ ở các khu nhà trọ với số lượng CNLĐ tham gia sinh hoạt thường xuyên hơn 16.000 người. Thông qua các tổ CNTQ khu nhà trọ CN, các cấp Công đoàn phối hợp lực lượng công an và các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật để CNLĐ chấp hành tốt.

Với phương châm hoạt động "Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải", các tổ CNTQ thường xuyên nhắc nhở CNLĐ chấp hành việc đăng ký tạm trú, tạm vắng, gắn sinh hoạt của tổ CNTQ với sinh hoạt tổ dân phố để tuyên truyền phòng, chống tội phạm. Đến nay, 100% khu nhà trọ có tổ CNTQ không có tệ nạn ma túy và các tệ nạn xã hội khác. Thông qua các tổ CNTQ, CNLĐ còn được tiếp cận thông tin, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các chế độ, chính sách liên quan đến CNLĐ; đồng thời, các cấp Công đoàn cũng quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho CNLĐ, nhất là vào các dịp lễ, tết".

Tại huyện Đức Hòa, mô hình nhà trọ CNTQ còn được "nâng tầm" thành nhà trọ CN văn hóa. Ngoài việc bảo đảm an toàn về an ninh, trật tự, các tổ CNTQ còn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền CNLĐ giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp,... Anh Lê Minh Tuấn, quê tỉnh An Giang, CN Cty TNHH Cường Vinh, đang thuê trọ tại khu nhà trọ 7 Công, chia sẻ: "Từ khi ở nhà trọ này, tôi thấy an tâm hơn vì không phải lo tăng giá nhà, điện, nước vào mỗi kỳ tăng lương, tăng giá xăng,... Hàng năm, khu nhà trọ đều có cán bộ Công đoàn của huyện đến tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phòng, chống tệ nạn xã hội, giúp mọi người nâng cao nhận thức, chủ động phòng tránh tệ nạn". 

Chủ tịch LĐLĐ huyện Đức Hòa - Nguyễn Thị Kiều Oanh cho biết: "LĐLĐ huyện thường xuyên phối hợp công an các xã, thị trấn có khu trọ đóng trên địa bàn tổ chức tuyên truyền chuyên đề pháp luật về hôn nhân - gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình,... cho tất cả chủ nhà trọ trên địa bàn. Thời gian tới, LĐLĐ huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và sẽ đưa vào nội dung sinh hoạt của câu lạc bộ nhà trọ; đồng thời, tiếp tục nhân rộng mô hình này đến các cơ sở khác có điều kiện phù hợp, góp phần giữ vững, ổn định tình hình an ninh, trật tự tại địa phương".

Tại Hội nghị sơ kết thực hiện Đề án 01 vào tháng 10/2018, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần đánh giá cao những kết quả mà Đề án 01 mang lại, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa LĐLĐ tỉnh, các huyện cũng như các chủ nhà trọ trên địa bàn tỉnh. Từ đó, ông đề nghị các cấp Công đoàn cần tiếp tục phối hợp các chủ nhà trọ nâng chất lượng hoạt động của các tổ CNTQ; đồng thời, có kế hoạch phối hợp các ngành chức năng của tỉnh tổ chức tập huấn cho các tổ CNTQ về kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết mâu thuẫn, hòa giải cơ sở cũng như các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, gắn với việc thành lập, củng cố với nâng chất lượng hoạt động của các tổ CNTQ./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích