Tiếng Việt | English

12/08/2021 - 15:34

Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai phương hướng năm học 2021-2022 của giáo dục tiểu học

Ngày 12/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về tổng kết năm học 2020-2021, phương hướng, nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với cấp tiểu học. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn dự. Điểm cầu Long An, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo – Lê Thị Song An chủ trì.

Năm học 2020-2021, cả nước có 14.786 cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học

Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giữa bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn ngành thực hiện nhiệm vụ kép. Đó là vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 vừa triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1.

Năm học vừa qua, toàn quốc có 14.786 cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học với 16.323 điểm trường. Cả nước có 8.736.033 học sinh cấp tiểu học.

Điểm cầu Long An, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo – Lê Thị Song An chủ trì

Thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1. Các trường chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong thực hiện Chương trình giáo dục cấp tiểu học đối với lớp 1. Các trường khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp với thực tiễn; đồng thời vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Đối với các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006, các trường đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và hình thức tổ chức, phương pháp đánh giá học sinh; chuyển từ truyền thụ kiến thức sang tổ chức hoạt động nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; đồng thời tinh giảm nội dung môn học trùng lặp và tích hợp một số nội dung trong cùng môn học, giữa các môn học thành chủ đề học tập.

Ngoài ra, thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đạt tỷ lệ 100%, trong đó 22/63 tỉnh, thành phố được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt tỷ lệ 35%.

Năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra phương hướng: Tăng cường công tác tuyên truyền để quán triệt và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới giáo dục tiểu học, tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; tiếp tục thực hiện xây dựng kế hoạch, phương án tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên, bảo đảm chất lượng dạy học các môn học bắt buộc theo chương trình; tiếp tục rà soát, dự báo quy mô phát triển giáo dục và bố trí quỹ đất để xây dựng trường học, điểm trường, lớp học phù hợp, thuận lợi và đáp ứng nhu cầu người học;…

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn chỉ đạo: "Triển khai năm học mới trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp nên các tỉnh, thành phố phải ưu tiên mọi biện pháp để chuyển trạng thái dạy và học để thích ứng với tình hình dịch bệnh nhằm giảm tác động tiêu cực, “sự tổn thương” cho ngành giáo dục. Các địa phương cần nhìn thẳng thực tế về những khó khăn, thách thức để có những giải pháp, chỉ đạo phù hợp; đồng thời đề xuất các cơ chế chính sách phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho giáo viên, người lao động và bổ sung cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dạy học với các hình thức phù hợp,…/."

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết