1. Các hình thức huy động vốn nội bộ
Để bổ sung vốn theo cách huy động vốn nội bộ, doanh nghiệp có thể áp dụng nhiều hình thức.
Vốn góp ban đầu:
- Khái niệm: Là số vốn của nhà sáng lập, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông góp lại.
- Ưu điểm: Số vốn góp không bị coi là khoản vay bên ngoài và doanh nghiệp không cần phải hoàn trả lại.
- Nhược điểm: Cổ đông có quyền tham gia vào hoạt động kinh doanh. Nguồn vốn huy động được thường không quá lớn.
Doanh nghiệp có thể bổ sung nguồn vốn bằng cách huy động vốn nội bộ
Lợi nhuận chưa phân phối:
- Khái niệm: Là phần lợi nhuận mà doanh nghiệp giữ lại của các cổ đông để phục vụ tái đầu tư.
- Ưu điểm: Doanh nghiệp luôn có khoản vốn dự trữ để sẵn sàng đầu tư, kinh doanh.
- Nhược điểm: Số vốn huy động được không quá lớn, phụ thuộc kết quả kinh doanh thực tế hàng năm của công ty.
Các hình thức khác (nếu có):
- Bán tài sản cố định: Huy động vốn từ việc bán các loại tài sản cố định như nhà cửa, đất đai, máy móc, thiết bị, phương tiện di chuyển…
- Cắt giảm chi phí: Giảm chi phí sản xuất, thuê nhân lực, tối ưu hóa kinh phí quảng cáo, giảm chi tiêu tài chính, bảo hiểm…
2. Các hình thức huy động vốn bên ngoài
Doanh nghiệp có thể tìm hiểu và áp dụng đồng thời hoặc một trong những hình thức huy động vốn bên ngoài sau đây:
Huy động vốn từ ngân hàng:
- Các loại hình vay vốn ngân hàng: Vay vốn ngắn hạn/trung hạn/dài hạn, vay tín chấp/thế chấp/thấu chi.
- Ưu điểm: Tiện lợi, số vốn huy động được đáp ứng được nhu cầu về vốn cho các mục tiêu khác nhau.
- Nhược điểm: Doanh nghiệp cần trả lãi hàng tháng cho ngân hàng.
- Thủ tục vay vốn: Doanh nghiệp cần đáp ứng điều kiện vay vốn ngân hàng cũng như chuẩn bị các giấy tờ cần thiết. Thủ tục, hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp thường gồm các loại giấy tờ liên quan đến hoạt động của kinh doanh và tài sản đảm bảo (nếu có).
Vay vốn ngân hàng là hình thức huy động vốn được ưa chuộng
Phát hành cổ phiếu:
- Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO): Huy động vốn bằng cách chào bán cổ phiếu lần đầu tiên cho nhiều nhà đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Phát hành thêm cổ phiếu: Doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu để bán ra thị trường chứng khoán nhằm mục đích thu tiền về.
- Ưu điểm: Nguồn vốn huy động lớn, doanh nghiệp không cần trả lãi cố định cho cổ đông. Việc trả cổ tức phụ thuộc vào lợi nhuận và quyết định của hội đồng quản trị.
- Nhược điểm: Mất thời gian, dễ bị pha loãng cổ phần, chỉ áp dụng cho các công ty cổ phần, có uy tín và năng lực cạnh tranh cao.
Phát hành trái phiếu:
- Khái niệm: Phát hành trái phiếu là kênh huy động vốn với lãi suất thấp hơn ngân hàng nhưng cao hơn gửi tiết kiệm. Mối quan hệ giữa người mua trái phiếu với doanh nghiệp là chủ nợ và người vay nợ.
- Các loại trái phiếu: Trái phiếu chuyển đổi và không chuyển đổi.
- Ưu điểm: Lãi suất vay ưu đãi, không mất phí trung gian, không cần chia sẻ quyền quản lý doanh nghiệp.
- Nhược điểm: Phải trả nợ gốc và lợi tức định kỳ đúng hạn.
Doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu để huy động vốn
Huy động vốn từ các nhà đầu tư:
- Khái niệm: Là cách thu hút vốn từ một cá nhân hoặc tổ chức có giá trị tài sản lớn bằng cách chia sẻ cho họ vốn sở hữu của công ty.
- Ưu điểm: Ít rủi ro, được các nhà đầu tư tư vấn, định hướng kinh doanh hiệu quả.
- Nhược điểm: Dễ mất quyền kiểm soát hoạt động kinh doanh, chịu nhiều áp lực về tốc độ phát triển, tỷ lệ lợi nhuận.
Crowdfunding:
- Khái niệm: Là hình thức huy động vốn từ cộng đồng.
- Các hình thức crowdfunding: Reward-based, equity-based, donation-based, debt-based crowdfunding, royalty-based crowdfunding.
- Ưu điểm: Tiếp cận được đa dạng đầu tư, huy động vốn không cần nhượng quyền.
- Nhược điểm: Thường không đạt được mục tiêu về vốn, cần trả một số khoản phí phát sinh.
Hình thức huy động vốn từ cộng đồng phù hợp với các doanh nghiệp startup.
3. Các yếu tố cần xem xét khi lựa chọn hình thức huy động vốn
Để lựa chọn được hình thức huy động vốn phù hợp và hiệu quả, doanh nghiệp cần xem xét tới các yếu tố sau:
- Mục đích sử dụng vốn: Mỗi hình thức huy động vốn phù hợp với mục đích sử dụng vốn khác nhau.
- Quy mô doanh nghiệp: Quy mô doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các hình thức huy động vốn khác nhau.
- Khả năng tài chính của doanh nghiệp: Khả năng tài chính của doanh nghiệp sẽ quyết định khả năng trả nợ hoặc chia sẻ lợi nhuận. Việc tìm hiểu kỹ về lãi suất vay doanh nghiệp giúp việc lựa chọn hình thức tiếp cận vốn phù hợp hơn.
- Môi trường kinh doanh: Môi trường kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của các hình thức huy động vốn.
- Chi phí huy động vốn: Mỗi hình thức huy động vốn sẽ có chi phí khác nhau.
- Kiểm soát: Mỗi hình thức huy động vốn sẽ ảnh hưởng đến mức độ kiểm soát của chủ sở hữu.
- Thời gian: Thời gian để hoàn tất quá trình huy động vốn cũng là một yếu tố cần xem xét. Tại ngân hàng, bộ hồ sơ vay vốn của khách hàng doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ, hợp lệ và nộp đúng hạn theo quy định để được vay vốn kịp thời.
Trên đây thông tin chi tiết về các hình thức huy động vốn của doanh nghiệp. Tùy nhu cầu và điều kiện cụ thể mà doanh nghiệp nên lựa chọn cách bổ sung nguồn vốn sao cho phù hợp./.
A.T