Nâng cao nhận thức bảo vệ thông tin cá nhân
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (còn gọi là Hiếu PC, Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin) cho rằng có nhiều cách đơn giản mà mọi người có thể thực hiện để đảm bảo an toàn thông tin, hạn chế tối thiểu nguy cơ bị lộ dữ liệu cá nhân, từ đó giúp hạn chế thấp nhất các nguy cơ bị lợi dụng.
Để tránh những phiền phức vì lộ thông tin cá nhân, người trẻ phải nâng cao nhận thức về an toàn thông tin
Chẳng hạn như người dùng sử dụng mật khẩu dài, mạnh và duy nhất cho mỗi trang web hay mỗi ứng dụng. Đồng thời nên sử dụng xác thực 2 lớp để nâng mức bảo mật lên cao nhất; và nếu được hãy sử dụng xác thực qua tin nhắn trên điện thoại. Khi nhận thông báo phát hiện có người khác đang cố truy cập tài khoản của mình phải lập tức thay đổi mật khẩu.
Việc ăn cắp dữ liệu thông tin đăng nhập khi sử dụng wifi công cộng khá phổ biến hiện nay. Nếu đăng nhập vào ngân hàng bằng wifi miễn phí do các hacker tạo nên thì chỉ sau một thao tác đăng nhập, người dùng có thể đã mất toàn bộ thông tin. "Cần hạn chế tối đa việc đăng nhập vào các tài khoản ngân hàng, ví điện tử, email… khi đang sử dụng mạng wifi công cộng", Hiếu PC khuyên.
Cũng theo Hiếu PC, chỉ nên tải và sử dụng các ứng dụng trên các kho chính thức như: Apple App Store hoặc Google Play. Đừng tải các ứng dụng từ nguồn không xác định. Cũng nên thường xuyên kiểm tra dữ liệu cá nhân của bản thân liệu có bị lộ ra ngoài bằng cách truy cập các website: chongluadao.vn, soc.gov.vn/check-data-leak…
"Bản thân mỗi người phải tự nâng cao nhận thức về mức độ nghiêm trọng của việc bị lộ thông tin cá nhân sẽ như thế nào. Khi đó sẽ biết cách bảo vệ thông tin cá nhân tốt hơn", Hiếu PC nói.
Theo tiến sĩ, thiếu tá Trần Ngọc Mai, giảng viên Trường ĐH An ninh nhân dân (TP.HCM): "Để bảo vệ thông tin cá nhân không bị lộ thì người làm tốt nhất điều đó chính là bản thân mình. Vì thế mỗi người cần tự nâng cao nhận thức về an toàn thông tin và an ninh mạng, đặc biệt là bảo vệ thông tin cá nhân. Khi truy cập internet, cũng cần xóa lịch sử duyệt web trên trình duyệt. Bật các chức năng quyền riêng tư trong trình duyệt web để hạn chế sao lưu các cookie (tệp văn bản chứa các phần dữ liệu nhỏ như: tên người dùng, mật khẩu, ID người dùng… - PV), thậm chí xóa luôn cookie nếu cần thiết".
Lộ thông tin cá nhân, có thể rơi vào vòng lao lý
Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.HCM), việc lộ thông tin cá nhân sẽ tiềm ẩn nhiều mối nguy. "Nguy hiểm nhất là việc để lộ thông tin cá nhân vào tay những tên lừa đảo có thể khiến bản thân rơi vào vòng lao lý mà không hề hay biết. Những kẻ lừa đảo có thể sử dụng thông tin cá nhân như hình ảnh, số điện thoại, mối quan hệ của người bị lộ thông tin... để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong khi mình là người bị hại lại phải chịu trách nhiệm cho hành vi vi phạm đó", luật sư Bình nói.
Để có thể tránh tình cảnh làm lộ thông tin cá nhân, luật sư Bình nói: "Cần hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân, nhất là trên không gian mạng. Khi bản thân càng chia sẻ nhiều thông tin cá nhân, càng tạo điều kiện cho kẻ xấu thực hiện hành vi trái pháp luật. Nếu bắt buộc phải cung cấp thông tin cá nhân, bản thân cần sử dụng các cơ chế nhằm bảo mật thông tin. Mỗi người cũng phải nâng cao khả năng hiểu biết về rủi ro và hậu quả khi để lộ thông tin. Với giới trẻ, nên tuyên truyền, vận động mọi người cảnh giác trước các thủ đoạn tinh vi của những kẻ xấu hay phần mềm có khả năng rủi ro về thông tin cá nhân. Hơn hết, phải lên án, phê phán, lật tẩy và tố cáo trước những hành vi vi phạm đến thông tin cá nhân".
Trong trường hợp phát hiện thông tin cá nhân lộ, ông Bình khuyên nên trình báo cơ quan công an để được ghi nhận vụ việc; sau này nếu có trường hợp thông tin cá nhân đã lộ ấy bị sử dụng nhằm thực hiện các hành vi trái pháp luật thì cơ quan công an sẽ tiến hành xác minh trên cơ sở đã trình báo.
Để ngăn chặn việc mua bán thông tin cá nhân, vị luật sư này kiến nghị các cơ quan chức năng cần lấp đầy các khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân, không gian mạng. Đồng thời phải có quy định, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các trang mạng xã hội, phần mềm bên thứ ba. Và hơn hết, thường xuyên cảnh báo tới người dân và tăng cường bảo mật, quản lý hệ thống thông tin.
Cũng theo luật sư Bình, các quy định về hình thức xử phạt đối với những hành vi xâm phạm thông tin cá nhân hiện nay có thể chưa đảm bảo tính răn đe.
"Trong khi hậu quả từ hành vi xâm phạm quyền riêng tư có thể rất nghiêm trọng, gây tổn hại tới danh dự, nhân phẩm, an toàn và cả tính mạng của không chỉ một mà có thể là nhiều nạn nhân. Vì thế cần xử lý nặng, tăng mức phạt đối với các hành vi mua bán thông tin cá nhân", luật sư Bình nói.
Mua bán trái phép dữ liệu cá nhân bị xử lý thế nào?
Theo luật sư Bình, người mua bán trái phép dữ liệu cá nhân có thể bị xử lý vi phạm hành chính. Căn cứ theo điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, quy định về vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin, mức phạt tiền thấp nhất là 2 triệu đồng và mức phạt tiền cao nhất lên tới 100 triệu đồng…
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại điều 288 bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với hình phạt tù cao nhất lên đến 7 năm. Ngoài ra còn có thể bị phạt tiền lên đến 200 triệu đồng…
|
Theo Thanh niên