Tiếng Việt | English

09/05/2016 - 11:23

Trẻ em khuyết tật và trẻ em vùng sâu, biên giới:

Cần có nhiều chính sách hỗ trợ

Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, trong đó có trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, luôn cần được sự quan tâm đồng bộ từ các cấp, các ngành và chính quyền mỗi địa phương.

Quan tâm, chăm sóc trẻ em khuyết tật

Nhiều năm qua, tại Trường Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Long An, công tác chăm lo cho trẻ khuyết tật luôn được các cấp, các ngành chức năng quan tâm và hỗ trợ.

Về giáo dục, nhà trường tổ chức các lớp chuyên biệt với 138 em; Giáo dục cá nhân, hỗ trợ kỹ năng đặc thù cho một số trẻ trên 6 tuổi chưa theo chương trình các lớp chuyên biệt được. Tổ chức can thiệp sớm cho trẻ dưới 6 tuổi với 26 trẻ. Hoạt động bổ trợ như tổ chức bán trú, nội trú cho học sinh, tổ chức các hoạt động nhằm phát triển kỹ năng sống: Bơi lội, hoạt động theo mô hình hội trại,…

Giáo dục chuyên biệt cho trẻ em khiếm thính và chậm phát triển

Tất cả kinh phí cho toàn bộ hoạt động trường được cấp 100% từ ngân sách Nhà nước. Trường củng cố, phát triển theo chiều sâu về giáo dục chuyên biệt; tăng cường đẩy mạnh công tác chăm sóc trẻ, hỗ trợ kỹ năng đặc thù có chất lượng.

Tuy nhiên, cho đến nay công tác chăm sóc, hỗ trợ trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn gặp nhiều khó khăn bởi các em là những học sinh phát triển không bình thường nên gặp nhiều khó khăn trong học tập; sự phối hợp của phụ huynh, người trực tiếp chăm sóc trẻ trong một vài trường hợp chưa tốt.

Chính sách hỗ trợ, chăm lo trẻ em vùng sâu, vùng xa, biên giới

Hiện nay, công tác vận động sự tham gia tích cực, rộng rãi của các tổ chức, cộng đồng, gia đình, cá nhân và trẻ em được tập trung quan tâm từ các cấp, các ngành ở mỗi địa phương.

Cụ thể, tăng cường truyền thông về tuyên truyền đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em – Phím số kỳ diệu 18001567 để mọi người dân và trẻ em vùng sâu, vùng biên giới liên hệ miễn phí khi có nhu cầu thông báo, tìm kiếm thông tin, phối hợp với đường dây trong việc tư vấn, can thiệp, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Tại huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An việc triển khai công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em được thực hiện nhất quán dưới sự quan tâm của các ngành, các cấp tại địa phương. Ví dụ như các chương trình hành động vì trẻ em trong các hoạt động vui chơi, giải trí như hội trại, văn nghệ, trò chơi dân gian,…

Bên cạnh đó, các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới trên địa bàn huyện cũng tổ chức hoạt động như: Ngày hội Hoa phượng đỏ, hội thi Tiếng hát mầm non. Đặc biệt, diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” để biết tâm tư, nguyện vọng của trẻ em vùng sâu, biên giới ngày càng phát huy hiệu quả.

Tặng áo phao cho trẻ em vùng sâu, biên giới

Vừa qua, với sự phối hợp của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Long An huyện tổ chức lớp dạy bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Tám ở xã Tân Lập.

Ngoài ra, nhân các dịp Tết Nguyên đán, Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tháng hành động vì trẻ em, Tết Trung Thu,… các cấp, các ngành quan tâm việc tổ chức tặng quà, các hoạt động vui chơi cho trẻ em, khám bệnh, phẫu thuật chỉnh hình,…

Bà Akemmi-Bando - Tổng thư ký Hội Trợ giúp trẻ em Việt Nam - Nhật Bản từng nói rằng: “Đừng bao giờ gọi trẻ em khuyết tật là trẻ em bất hạnh, các em có bất hạnh hay không chính là do thái độ của xã hội dành cho các em”. Vì vậy, mong rằng với sự chung tay, quan tâm của toàn xã hội, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vùng sâu, biên giới sẽ có thêm điều kiện để ổn định cuộc sống, được thụ hưởng đúng với lứa tuổi “măng non”./.

Hùng Anh

Chia sẻ bài viết