Tiếng Việt | English

10/06/2015 - 13:56

Sân chơi nào cho trẻ em vùng sâu?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Thị Nhanh đề nghị các cấp, các ngành ngoài việc tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ, xây dựng nhiều công trình phúc lợi cho trẻ em, cần tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh, sinh hoạt văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao trong dịp hè thông qua các hoạt động: Ngày hội "Hoa phượng đỏ", Đại hội "Cháu ngoan Bác Hồ", chương trình "Học kỳ trong quân đội", "Học làm người hiếu thảo",...
Hè về, một bức tranh tương phản, đối lập lại càng hiện rõ lên giữa hoạt động hè dành cho trẻ em ở 2 vùng thành thị và nông thôn. Với điều kiện KT-XH phát triển ở thành thị, trẻ nhỏ có cơ hội tiếp cận, tham gia nhiều loại hình, trò chơi phong phú. Trong khi đó, những trẻ ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh, sân chơi hè lại gặp nhiều thiếu thốn. Đây cũng là trăn trở trong bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Trẻ em tham gia sinh hoạt hè Ảnh: Nguyệt Nhi

Khó tập hợp

Xã biên giới Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng trong những ngày hè nắng như thiêu đốt cả da thịt. Trên con đường đất đỏ đầy bụi bặm nằm cặp theo mé sông, 2 chị em Nguyễn Thị Minh Hằng (15 tuổi) và Nguyễn Thị Minh Nguyệt (8 tuổi), ngụ ấp Láng Lớn đang lom khom phụ mẹ phơi lục bình. Quẹt vội những giọt mồ hôi đang nhễ nhại chảy dài trên tấm áo đã cũ màu, khuôn mặt đỏ ửng vì nắng cộng với nước da đen nhẻm, Hằng nhanh nhẹn bảo: "Con vừa mới được nghỉ hè nên thích lắm! Nhà trường có gửi giấy thông báo về thời gian và địa điểm đi sinh hoạt hè nhưng con phân vân không biết có nên đi không? Mấy năm trước, con có đến tham gia sinh hoạt nhưng cảm thấy không vui. Các bạn của con, hè đến có đứa về quê nội, quê ngoại chơi, còn con chẳng biết đi đâu nên đành ở nhà chăm sóc em. Thông thường, những lúc không phụ mẹ, chiều lại, con đi tắm sông, chơi trốn tìm với mấy bạn cùng xóm. Tối đến, con chỉ em học bài".

Thiếu sân chơi hè, trẻ em vùng sâu thường tìm đến nhiều trò chơi tự phát, bất chấp nguy hiểm rình rập

Chị Thắm - mẹ Hằng bảo, gia đình chị nghèo nên không có điều kiện cho 2 con nhỏ được vui hè như chúng bạn. Vợ chồng chị là người ở nơi khác đến đây lập nghiệp, 2 vợ chồng không có đất sản xuất, chủ yếu đi làm mướn. Những lúc không có việc gì làm, chị đi cắt lục bình phơi khô để bán. 2 con của chị thấy mẹ vất vả nên cũng theo phụ. Chị có hứa khi các con nghỉ hè sẽ dẫn đi chợ huyện để vui chơi, mà chưa thực hiện được.

Không may mắn như những đứa trẻ khác, mùa hè của em Phan Thị Trúc Ly, ngụ xã Vĩnh Đại thường gắn liền trên miền sông nước với cha mẹ. Gia đình em trước đây vốn ở tỉnh Đồng Tháp, vì kế sinh nhai nên rong ruổi đến Tân Hưng lập nghiệp. Tại đây, hằng ngày, em theo học tại Trường Tiểu học Vĩnh Đại. Đến khi kết thúc một năm học, em lại theo chiếc ghe mưu sinh của ba mẹ rày đây mai đó, nên bao năm qua, em chưa từng tham gia sinh hoạt hè.

Nói về vấn đề này, thầy Phan Thanh Trúc - giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Đại cho biết, trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 nên được đầu tư xây dựng cơ sở khang trang, có khu vui chơi dành cho trẻ. Hè đến, Đoàn trường tổ chức sinh hoạt hè cho các em với một số hoạt động như các trò chơi dân gian, hái hoa dân chủ, tuyên truyền về phòng bệnh mùa hè,... Tuy nhiên, công tác tập hợp các em tham gia sinh hoạt hè rất khó, hầu như chỉ đạt khoảng 40-50%. Các em ở đây, điều kiện học tập, vui chơi còn thiếu thốn. Có em nhà ở xa, hằng ngày phải đi đò đến trường. Một số em do gia đình từ nơi khác đến sinh sống, nghỉ hè lại theo ba mẹ đi mưu sinh. Đó là chưa kể một số em, nghỉ hè thường về quê ngoại, quê nội,... Sân chơi hè dành riêng cho trẻ thường không có, các em chủ yếu sinh hoạt tại trường hoặc ở trung tâm văn hóa-học tập cộng đồng của xã.

Thiếu kinh phí

Đi dọc theo các địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh thuộc khu vực Đồng Tháp Mười như: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Kiến Tường đến Đức Huệ, hầu như đều chưa có sân chơi hè đúng nghĩa dành cho trẻ. Một số địa phương có nhà thiếu nhi nhưng hoạt động chưa hết công năng, chủ yếu chỉ tập hợp được những em ở khu vực thị trấn, gần trung tâm huyện; còn những em ở địa bàn các xã hầu như chỉ chơi các trò chơi tự phát khi hè về. Đó là chưa kể đến một số huyện chưa được đầu tư xây dựng nhà thiếu nhi, hoạt động lồng ghép nên chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ nhỏ.

Em Phạm Thành Tâm, ngụ xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh nói: "Hè đến, tụi em thường ít khi tham gia sinh hoạt hè. Trước đây, tuổi thơ của em cùng các bạn gần nhà thường gắn liền trên những cánh đồng ruộng với nhiều trò chơi do tụi em tự nghĩ ra. Thích nhất là những lúc cùng các bạn đi bắt dế hoặc tận dụng những đám ruộng vừa mới gặt chơi thả diều, đá banh. Ngoài ra, em thường câu cá, tạt dép, tạt lon, bắn bi với các bạn chung xóm. Nhưng hiện nay, quê em đã làm lúa 3 vụ nên những mảnh đất trống tận dụng như trước không còn nữa. Ba mẹ bận bịu với công việc nên cũng ít khi dẫn 2 anh em đi đâu chơi. Vì vậy, dù muốn được vui chơi thỏa thích trong dịp hè như các bạn cũng rất khó".

Bí thư Huyện đoàn Tân Thạnh - Tô Thành Quốc cho biết, huyện không có sân chơi dành riêng cho trẻ do không có kinh phí xây dựng. Nhiều năm nay, cơ sở nhà thiếu nhi của huyện đã xuống cấp nhưng huyện vẫn đều đặn duy trì sinh hoạt hè cho các em. Thế nhưng, trẻ đến tham gia chỉ là các em ở địa bàn thị trấn và các xã lân cận. Còn những địa phương khác, theo kế hoạch của huyện đều tổ chức lồng ghép chung với nhiều hoạt động khác. Những nơi này, các em thường sinh hoạt hè tại trường hoặc tổ chức tại những cụm, tuyến dân cư. Nhìn chung, hoạt động hè vẫn diễn ra đều đặn nhưng trẻ ở nông thôn vẫn chưa "mặn mà" và thiệt thòi hơn so với những nơi khác.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Thị Nhanh, thời gian qua, các địa phương trong toàn tỉnh đã cùng chung tay, thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em bằng nhiều việc làm ý nghĩa với nhiều mô hình cụ thể, đi vào đời sống. Tuy nhiên, hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn trên 2.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, rất nhiều trẻ em thuộc diện hộ nghèo, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, biên giới chưa được quan tâm đúng mức,... Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, ngoài việc tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ, xây dựng nhiều công trình phúc lợi cho trẻ em, cần tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh, sinh hoạt văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao trong dịp hè thông qua các hoạt động: Ngày hội "Hoa phượng đỏ", Đại hội "Cháu ngoan Bác Hồ", chương trình "Học kỳ trong quân đội", "Học làm người hiếu thảo",... Tổ chức các lớp dạy kỹ năng, dạy bơi cho trẻ, tiến tới phổ cập bơi cho học sinh nhằm phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước ở trẻ; tổ chức các câu lạc bộ, diễn đàn trẻ em nhằm giúp trẻ bày tỏ ý kiến, bức xúc của mình, đóng góp xây dựng các chương trình, kế hoạch liên quan đến trẻ em,... Qua đó, giúp các em có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu được vui chơi, giải trí, có cơ hội phát triển bình đẳng như bạn bè cùng trang lứa, bảo đảm trẻ được sống trong môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh và phát triển toàn diện.

Hiện nay, toàn tỉnh có 365.067 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 24,84%/tổng dân số. Trong đó, trẻ dưới 6 tuổi 129.414 trẻ, chiếm 8,80%. Hằng năm, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp các đơn vị liên quan đã cùng thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tính đến nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã đầu tư xây dựng 26 điểm vui chơi, giải trí ngoài trời cho trẻ em vùng sâu, vùng biên giới, vùng kinh tế khó khăn với tổng số tiền 2,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, con số này khá ít so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, thiết nghĩ, để có thể tạo điều kiện cho trẻ nhỏ vùng sâu được vui chơi, cần lắm và nhiều hơn nữa những sân chơi hè thật sự bổ ích và ý nghĩa./.

Nguyệt Nhi 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích