Người dân đồng lòng
Góp phần xây dựng NTM không thể không kể đến vai trò của nông dân. Theo Hội Nông dân Việt Nam huyện Cần Giuộc, giai đoạn 2017-2022, các cấp Hội vận động hội viên, nông dân hiến đất, góp tiền xây dựng 191km đường giao thông nông thôn; nạo vét 24 tuyến kênh, mương nội đồng; kéo điện thắp sáng dài 84km; lắp đặt 21 công trình nước sạch;... tổng trị giá trên 94,2 tỉ đồng.
Ngoài ra, các cấp Hội còn tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, thực hiện mô hình Xanh, sạch, đẹp, an toàn, xây dựng NTM,... Đồng thời, vận động xây tặng 31 căn nhà tình thương với số tiền 1,3 tỉ đồng, 4 mái ấm nông dân số tiền 160 triệu đồng, góp phần giúp 91 hộ hội viên, nông dân thoát nghèo.
Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc - Trương Thanh Liêm (thứ 8, trái qua) và Chủ tịch UBND huyện - Nguyễn Anh Đức tặng hoa, giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong xây dựng nông thôn mới nâng cao xã Phước Lý
Là địa bàn giáp ranh TP.HCM, đất đai là tài sản quý giá, vậy mà khi được xã Phước Lý vận động hiến đất để nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn, ông Nguyễn Công Hầu (ấp Phú Ân) đã không ngần ngại. Ông Công Hầu chia sẻ: “Xã cử người đến vận động các hộ dân hiến đất làm đường, gia đình tôi hiến khoảng 1.000m2 đất. Tôi thấy rằng, mở đường không chỉ giúp học sinh đi lại dễ dàng mà còn tạo thuận lợi cho người dân trong giao thương. Tôi mong rằng, xã tiếp tục củng cố, nâng chất các TC để xây dựng xã NTM kiểu mẫu”.
Xã Phước Vĩnh Đông được biết đến là xã bãi ngang, đặc biệt khó khăn của tỉnh. Vì vậy, dù được tiếp sức, hỗ trợ, song quá trình xây dựng NTM của xã không dễ dàng bởi xuất phát điểm rất thấp. Tuy nhiên, nhờ có sự đồng lòng, chung sức của người dân, sự vượt khó, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, đến nay hầu hết các tuyến đường chính tại xã được nhựa hóa, bêtông hóa. Đặc biệt, trên các trục đường chính của xã được lắp camera giám sát an ninh, trật tự, đèn năng lượng mặt trời.
Chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh Đông - Võ Tấn Khôi thông tin, xã được nhiều chính sách ưu tiên, trong đó có hỗ trợ vốn cho người dân; đầu tư kết cấu hạ tầng đã thay đổi diện mạo vùng đất anh hùng. Từ con đường duy nhất nhỏ, hẹp, sình lầy ban đầu, nay xã có đường bêtông cùng hệ thống cầu giao thông nông thôn được nâng cấp thuận lợi cho đi lại, vận chuyển hàng hóa, phục vụ sản xuất như đường Phạm Văn Tài, cầu Tắc Cạn,...
Hiện trên 90% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% trường học đạt chuẩn quốc gia, Trạm Y tế khang trang. Xã đạt 15/19 TC NTM. Còn 4 TC chưa đạt là hộ nghèo, tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Theo lộ trình, xã phấn đấu đạt chuẩn NTM đầu năm 2023.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc, môi trường được xem là TC khó thực hiện trong bộ TC xây dựng NTM. Ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, huyện chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân về công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi tư tưởng, thói quen, tập quán của người dân, thực hiện nếp sống văn minh. Nhờ vậy, công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải ở các xã, đặc biệt là các xã NTM và NTM nâng cao có sự chuyển biến tích cực.
Tăng tốc để về đích nông thôn mới
Sau hơn 10 năm triển khai, thực hiện, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn huyện Cần Giuộc đạt nhiều kết quả quan trọng. Diện mạo khu vực nông thôn ngày càng khởi sắc, khang trang hơn; kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ. Nhận thức về xây dựng NTM, bảo vệ môi trường được nâng cao. Cách thức tổ chức sản xuất của người dân thay đổi. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Đến nay, toàn huyện có 10/14 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 3 xã đạt xã NTM nâng cao (Phước Hậu, Phước Lý và Mỹ Lộc). Số TC đạt trung bình là 17,36 TC/xã.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc cho biết, để đạt mục tiêu đề ra là xây dựng thành công huyện NTM, phòng đề xuất Huyện ủy, UBND huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về xây dựng xã NTM, huyện NTM cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở và cộng đồng dân cư; tập trung phát động các phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào chung sức xây dựng NTM.
Huyện Cần Giuộc phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2023 (Trong ảnh: Một góc huyện Cần Giuộc nhìn từ trên cao)
Bên cạnh đó, huyện quan tâm công tác quy hoạch. Việc quy hoạch, quản lý và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch về phát triển KT-XH phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ và tình hình thực tế của từng địa phương,... Tăng cường đào tạo, tập huấn cán bộ tham mưu, chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM từ huyện đến cơ sở. Bên cạnh đó, tổ chức học tập kinh nghiệm xây dựng huyện NTM tại một số địa phương trong, ngoài tỉnh.
Không những vậy, huyện tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với phát triển đô thị. Huy động và cân đối nguồn lực để tiếp tục đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, nhất là khu vực nông thôn. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả; phát triển dịch vụ và ngành nghề nông thôn theo hướng đa dạng hóa kinh tế; phát triển điểm du lịch cộng đồng. Thành lập và củng cố, đổi mới hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác; bảo đảm phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả và xây dựng 100% xã, thị trấn có sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP;...
Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc - Trương Thanh Liêm nhấn mạnh: “Xây dựng NTM là chặng đường dài, tất cả vì mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Trước hết, huyện dồn sức, tập trung cho những xã chưa đạt chuẩn NTM để hoàn thành mục tiêu, phấn đấu đạt huyện NTM vào năm 2023”./.
Song Nhi