Tiếng Việt | English

11/07/2019 - 11:07

Cần Giuộc: Từng bước nâng cao chất lượng dân số

Sau hơn 1,5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số (DS) trong tình hình mới, nhiều địa phương trong tỉnh Long An đã hoàn thành chỉ tiêu được giao, góp phần nâng cao chất lượng DS, trong đó điển hình là huyện Cần Giuộc.

Tập huấn kỹ thuật lấy máu gót chân trẻ sơ sinh

Tập huấn kỹ thuật lấy máu gót chân trẻ sơ sinh

Trưởng phòng DS, Trung tâm Y tế huyện Cần Giuộc - Hà Mai Loan cho biết: "Thời gian qua, công tác tuyên truyền các nội dung chính sách DS trong quy ước ấp, khu phố được thực hiện thường xuyên trên hệ thống loa đài, các cuộc sinh hoạt tổ, nhóm, câu lạc bộ. Huyện có 9 xã đưa chính sách DS vào quy ước ấp. Việc xây dựng mô hình xã, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên được tập trung thực hiện. Hiện toàn huyện có 59 ấp, khu phố chưa có người sinh con thứ 3 trở lên. Năm 2018, huyện duy trì hoạt động Câu lạc bộ Tiền hôn nhân tại thị trấn Cần Giuộc và xã Tân Kim. Phòng DS phối hợp tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân cho 1.607 trường hợp. Ngoài ra, Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh được huyện chú trọng thực hiện. Qua đó, kịp thời phát hiện sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh. Năm 2018, huyện có 2.140 thai phụ sàng lọc trước sinh, đạt 97,1%; 2.193 trẻ được lấy máu gót chân sàng lọc sơ sinh, đạt 99,5%. Huyện cũng thực hiện tốt việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Tỷ số giới tính khi sinh của huyện hiện nay là 102 nam/100 nữ. Số trẻ sinh ra có bà mẹ thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán trước sinh đủ 2 lần đạt 97,1%. Trẻ sinh ra được thực hiện kỹ thuật sàng lọc sơ sinh đạt 99,5%. 96,97% cặp kết hôn được tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân. Trẻ sinh của bà mẹ dưới 19 tuổi là 1,32%. 31,23% phụ nữ ở độ tuổi 30-54 tuổi được sàng lọc ung thư cổ tử cung. 32.43% phụ nữ ở độ tuổi 40-60 tuổi được sàng lọc ung thư vú. 29,04% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe định kỳ”.

Mặc dù công tác DS trong tình hình mới còn nhiều khó khăn nhưng ngành DS huyện Cần Giuộc luôn nỗ lực thực hiện đạt nhiều kết quả phấn khởi. Cán bộ DS xã Long Hậu thông tin: "Để góp phần nâng cao chất lượng DS, ban chỉ đạo công tác DS - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) các cấp thường xuyên chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; giao chỉ tiêu thực hiện cụ thể cho từng địa phương; đưa công tác DS-KHHGĐ vào quy ước ấp, khu phố,...".

Chị Nguyễn Thị Phương Lan (28 tuổi), ngụ ấp Mương Chài, xã Phước Lại, chia sẻ: "Tôi kết hôn năm 27 tuổi. Khi kết hôn, tôi được cộng tác viên DS đến tận nhà tư vấn và vận động 2 vợ chồng đi khám sức khỏe tiền hôn nhân. Chúng tôi được kiểm tra sức khỏe tổng quát, xét nghiệm máu, kiểm tra các bệnh di truyền,... tại trạm y tế xã, giúp phát hiện những rủi ro tiềm ẩn về sức khỏe của bản thân và các con trong tương lai".

Chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân để bảo đảm cho thế hệ tương lai

Chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân để bảo đảm cho thế hệ tương lai

Còn chị Phan Thị Ngọc Linh, ngụ khu phố 1, thị trấn Cần Giuộc, cho biết: "Tôi có đứa con trai duy nhất vừa cưới vợ. Tôi luôn quan tâm đến các thế hệ con, cháu sau này nên khuyên con trai và con dâu đi khám sức khỏe tiền hôn nhân để bảo đảm sinh ra những đứa con thông minh, khỏe mạnh. Mỗi khi có các chiến dịch tuyên truyền về DS, tôi đều đưa con dâu đến trạm y tế để được khám và tư vấn miễn phí. Tôi thấy các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, nhất là sức khỏe sinh sản tại địa phương ngày càng nâng cao nên cũng an tâm".

“Công tác truyền thông DS tại huyện được chú trọng và tập trung triển khai ở 16 xã, thị trấn. Trung tâm Y tế phối hợp các ban, ngành, đoàn thể huyện tổ chức họp nhóm, nói chuyện chuyên đề về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên, chính sách DS-KHHGĐ. Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ đợt I được huyện triển khai thực hiện từ ngày 15/3 đến 30/4/2019 và đạt kết quả tích cực. Trong chiến dịch, huyện treo 43 băng-rôn tuyên truyền, thực hiện 13 lượt tuyên truyền lưu động, phát thanh 694 lần/5.765 phút với 69 tin, bài; tổ chức 31 cuộc nói chuyện chuyên đề có 716 lượt người dự, 81 cuộc họp nhóm có 1.321 lượt người tham gia; tư vấn cho 8.574 lượt khách vãng gia tại hộ gia đình và 1.391 lượt phụ nữ tại điểm khám; cấp phát 2.078 tài liệu tuyên truyền nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, phát 6.965 thư mời đối tượng đến điểm khám,...” - bà Hà Mai Loan chia sẻ thêm./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết