Tiếng Việt | English

27/08/2019 - 09:45

Những câu chuyện nhỏ về rác thải

Câu chuyện đầu tiên: Hành trình thứ hai của vỏ xe

Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề được nhiều bạn trẻ quan tâm. Hiểu rõ những tác hại lâu dài của rác thải, tuổi trẻ Long An đang từng ngày ra sức tuyên truyền, hành động để góp phần làm sạch môi trường.

Học sinh Trường Mẫu giáo Thuận Nghĩa Hòa vui chơi tại sân chơi được làm từ vỏ xe cũ

Học sinh Trường Mẫu giáo Thuận Nghĩa Hòa vui chơi tại sân chơi được làm từ vỏ xe cũ

Những chiếc vỏ xe đã qua sử dụng là một trong những loại rác thải khó xử lý. Những tưởng, những vòng tròn cao su đen sì ấy sẽ trở thành vô dụng sau khi trải qua hành trình trên các tuyến đường dài. Nhưng với sự sáng tạo và khéo léo, các bạn trẻ đã “tặng” cho những chiếc vỏ xe ấy một hành trình sống đầy hữu ích thứ hai.

Chúng tôi có mặt tại Trường Mẫu giáo Thuận Nghĩa Hòa (xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa) để được chứng kiến sự sáng tạo của các cô giáo

vùng sâu. Khoảng sân chơi nhỏ của các bé được trang trí bằng hàng rào đầy màu sắc làm từ vỏ xe. Ngoài ra, còn có các mô hình trò chơi vận động cũng được làm từ vỏ xe cũ, vỏ hộp sữa trang trí nhiều màu sắc. Nói về công trình rực rỡ ấy, Bí thư Đoàn trường Mẫu giáo Thuận Nghĩa Hòa - Đinh Thị Liễu Phi cho biết: “Mô hình này được Đoàn Thanh niên trường thực hiện dưới sự hỗ trợ của Ban Giám hiệu, đưa vào sử dụng được 2 năm học. Các cháu rất thích chơi ở sân chơi này”.

Để có được sân chơi nhiều màu sắc ấy cho học sinh, những “người mẹ thứ hai” ở trường phải xin từng chiếc vỏ xe cũ từ các tiệm sửa xe, vận động phụ huynh tặng các vỏ hộp sữa. Có đủ nguyên liệu, các cô mất hơn 1 tuần để hoàn thành công trình. Cô Phi chia sẻ: “Do giáo viên ở trường hầu hết là nữ nên làm hơi chậm, vì công đoạn cắt vỏ xe khá vất vả, đòi hỏi tốn nhiều sức. Có nguyên liệu rồi, chúng tôi tham khảo trên Internet các mẫu gợi ý, mẫu nào phù hợp thì cùng nhau thực hiện. Sân chơi bằng vỏ xe kinh phí thấp mà thời gian sử dụng lâu dài. Đầu năm học mới, chỉ cần dành chút thời gian vệ sinh và sơn lại là có thể tiếp tục sử dụng cho năm học sau”. Một chút sáng tạo, một chút khéo léo và tình yêu thương dành cho học sinh đã giúp các giáo viên “hô biến” những vật dụng tưởng chừng bỏ đi trở thành hữu ích.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, không chỉ Trường Mẫu giáo Thuận Nghĩa Hòa mà rất nhiều trường khác trên địa bàn tỉnh cũng có cùng ý tưởng như Mẫu giáo Đông Thạnh (huyện Cần Giuộc), Mẫu giáo Nhơn Thạnh Trung (TP.Tân An), Mẫu giáo thị trấn Tầm Vu (huyện Châu Thành),… Ở đó, những chiếc vỏ xe 2 bánh, 4 bánh được sáng tạo thành hàng rào, chậu hoa, xích đu, mô hình động vật đáng yêu, vui nhộn,... Thoạt nhìn qua, ít ai có thể nhận ra những chậu hoa nhiều màu, những chú ong, chú cáo hay Minion vui vẻ kia lại bắt nguồn từ chiếc vỏ xe cũ tưởng chừng vô dụng.

Sau giờ học, các em học sinh Trường Mầm non thị trấn Tầm Vu hay nán lại chơi ở sân chơi vận động tái chế từ vỏ xe cũ

Sau giờ học, các em học sinh Trường Mầm non thị trấn Tầm Vu hay nán lại chơi ở sân chơi vận động tái chế từ vỏ xe cũ

Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Tầm Vu - Lê Thị Minh Hoàng nhận xét: “Sân chơi được tái chế từ vỏ xe vừa có chi phí thấp, vừa mang lại hiệu quả cao. Tại trường, vỏ xe cũ được giáo viên tái chế thành sân chơi với nhiều mô hình: Cổng chui, vòng bật, hoạt hình ngộ nghĩnh,… và các cháu rất thích được tham gia các trò chơi vận động tại khu vực này. Riêng các đường viền sân được làm bằng vỏ xe tải vững chắc có thể thay ghế ngồi cho phụ huynh trông trẻ mỗi buổi đưa, rước hàng ngày. Nhiều phụ huynh thấy được hiệu quả của sân chơi nên nhiệt tình ủng hộ ngày công, hỗ trợ xin vỏ xe và hộp sữa cũ tặng trường”.

Được biết, hầu hết công trình đều do Đoàn Thanh niên các địa phương, đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện và “Hành trình thứ hai của vỏ xe” cũng là phong trào do Trung ương Đoàn phát động. Mô hình trên không chỉ giúp các em học sinh có được sân chơi thú vị, nâng cao chất lượng học tập mà còn giúp giảm thiểu lượng rác thải khó xử lý ra môi trường. Cũng nhờ những sân chơi đó, người lớn có thể dạy các em nhỏ bài học về tái chế và bảo vệ môi trường ngay từ cấp mầm non./.

(còn tiếp)

Câu chuyện thứ 2: Người đi nhặt rác

Phương Phương

Chia sẻ bài viết